(Congannghean.vn)-Tại Đảo Mắt anh hùng vẫn còn một tấm bia được dựng lên từ năm 1969 ghi danh hai khẩu đội pháo anh hùng, một mặt lưu danh khẩu đội pháo Đinh Bá Thông với liệt sỹ Hồ Kim Giao đã hi sinh trong tư thế chiến đấu sau khi bắn rơi chiếc F105 trong trận đánh đầu tiên vào ngày 31/3/1965, một mặt ghi danh y tá Hồ Sỹ Châu lấy thân mình làm giá súng cùng đồng đội bắn rơi chiếc AD6 của địch vào ngày 17/8/1968. Những anh hùng và hành động dũng cảm quên mình của họ tưởng như chỉ còn lưu danh nhưng không ai ngờ, y tá Châu ngày ấy vẫn còn sống. Và thật đau đớn thay, ông đang sống trong bệnh tật, nghèo khó và thiệt thòi. Người anh hùng đã hi sinh tất cả nhưng lại quên mất bản thân mình.
Kỳ I: Trận đánh bất tử ở Đảo Mắt anh hùng
Trở về với đời thường ở xóm Đồng Nại, xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An, y tá Hồ Sỹ Châu (SN 1945) không bao giờ nói về quá khứ oai hùng, ông cũng không đi đòi hỏi quyền lợi, bởi với ông, được trở về đã là quá may mắn và hạnh phúc. Vô tình ông nghe được những lời tri ân về mình của thế hệ con cháu trên đài phát thanh, ký ức về trận đánh bất tử trên Đảo Mắt chợt ùa về…
Sáng 2/9/2013, ông Hồ Sỹ Châu cùng vợ nằm nghe Đài tiếng nói Việt Nam như thường lệ, lúc này đài đang phát chuyên đề về biển đảo Việt Nam. Giọng phát thanh viên trầm ấm nhưng thật oai hùng: “Trên Đảo Mắt anh hùng vẫn còn lưu giữ tấm bia ghi danh hành động dũng cảm lấy thân mình làm giá súng của y tá Hồ Sỹ Châu cùng đồng đội chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để bắn rơi chiếc AD6 đang bổ nhào vào trận địa. Hành động dũng cảm của y tá Châu đang được các chiến sĩ Đảo Mắt lưu giữ và noi theo”. Khi giọng phát thanh viên vừa dứt cũng là lúc nước mắt ông tuôn trào: “Họ vẫn còn nhớ đến tôi bà ạ, thế mà tôi luôn cố tình quên đi quá khứ”. Lúc đó người vợ của ông mới sững sờ khi biết chồng mình là nhân vật trong buổi phát thanh, là người lính anh hùng của Đảo Mắt.
“Trận 17/8/1968, toàn khẩu đội Trương Văn Thủ, Nguyễn Ngọc Linh, Phạm V. Lưu, y tá Hồ Sỹ Châu, tên lửa địch bắn vào trận địa, người bị thương, chân súng bị gãy. Hồ Sỹ Châu lấy thân mình làm giá súng. Khẩu đội tiếp tục chiến đấu đến phút cuối cùng, bắn tan xác máy bay AD6 của đế quốc Mỹ, lập thành tích kỷ niệm ngày 19/8”. Đó là nguyên văn ghi lại trận đánh của y tá Châu trên Đảo Mắt, đọc những dòng chữ này ai cũng nghĩ khẩu đội đã hi sinh nên không kiếm tìm. Thực ra sau trận đánh đó, y tá Châu bị thương nặng phải điều trị gần một tháng, sau khi hồi phục, y tá Châu tiếp tục về đảo công tác, đến tháng 10/1966, ông được điều động vào chiến trường B. Theo ông Châu, trận đánh đó diễn ra vào năm 1965 chứ không phải năm 1968 như trên bia ghi, vì năm 1966 ông đã rời đảo.
Những người lính trẻ ở Đảo Mắt luôn khắc ghi trận đánh dũng cảm ngày 17/8/1965 của y tá Châu và đồng đội |
Sinh năm 1945 ở xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu trong một gia đình hiếu học, nhưng khi tròn 18 tuổi, Hồ Sỹ Châu quyết định viết đơn xin nhập ngũ. Do dáng dấp nhỏ bé nên sau mấy tháng huấn luyện tân binh, ông Châu được đào tạo y tá. Tháng 6/1965, ông được cử đi làm y tá trên Đảo Mắt, trong biên chế Đại đội 32 (C32) thuộc Sư đoàn 341, Quân khu IV. Lúc bấy giờ, Đảo Mắt là đảo tiền tiêu, án ngữ phía biển của tỉnh Nghệ An nên đây là mục tiêu địch tập trung đánh phá. Được biết, trận đánh đầu tiên của bộ đội Đảo Mắt với máy bay Mỹ là ngày 31/3/1965. Ngay trong trận đầu ra quân, bộ đội Đảo Mắt đã bắn hạ một chiếc F105 của đế quốc Mỹ, là nền tảng cho lịch sử vẻ vang của đảo.
Ông Châu ra đảo tháng 6/1965, theo trí nhớ của ông thì chỉ huy trưởng trên đảo là Trung úy Nguyễn Nhậm, chính trị viên là Nguyễn Văn Bảy, đều là cán bộ miền Nam tập kết. Tổ quân y trên đảo thời điểm đó bao gồm: Bác sĩ Nguyễn Hồng Kỳ, y tá Hồ Sỹ Châu, y tá Kinh và y sĩ Ngô Tám. Chiến sự nơi đây rất ác liệt, ngày nào cũng có trận đánh, có ngày đánh gần 10 trận. Nhưng những người lính được tôi luyện qua lửa đạn, hiên ngang trước cái chết đã đáp trả địch bằng những trận đánh kiên cường gây choáng váng cho kẻ thù. Trong đó nổi danh là trận đánh ngày 17/8/1965.
Đó là lúc 13 giờ, máy bay Mỹ quần thảo trên bầu trời, cả đảo ngập trong tiếng bom, đạn, rốc két, khói lửa mịt mù. Lúc này, y tá Châu đang trực cấp cứu với Trung đội trưởng Hoặc trong hầm chỉ huy trận địa. Cách đó không xa là một khẩu đội súng máy 12 ly 7 điểm xạ đanh gọn vào lũ máy bay. Tiếng súng đang đều đều thì bỗng dưng im bặt, biết có sự chẳng lành, y tá Châu báo cáo nhanh với Trung đội trưởng Hoặc rồi chạy ra khỏi hầm xem xét. Y tá Châu chợt nghe tiếng hét lớn: “Chân súng hỏng rồi, có ai không?”. Ngay lập tức, y tá Châu lao tới trận địa. Tại đây, các đồng chí Trương Văn Thủ, Nguyễn Ngọc Linh, Phạm Văn Lưu đang lúng túng vì một chân khẩu 12 ly 7 hỏng, súng bị nghiêng một bên. Không chần chừ, y tá Châu ghé vai nâng khẩu súng lên lấy lại thế cân bằng và tự biến mình thành một chân súng.
Khẩu đội nhanh chóng lấy lại tọa độ, hướng bắn và tiếp tục nhả đạn. Cứ mỗi quả đạn vụt khỏi nòng, y tá Châu nghiến răng chịu những cú giật mạnh như búa bổ, vai tê cứng nhưng vẫn quyết không bỏ súng. Một chiếc AD6 phát hiện trận địa và bổ nhào tấn công. Không chút nao núng, khẩu đội chỉnh lại hướng bắn, nhằm thẳng chiếc AD6 khạc lửa. Lĩnh trọn loạt đạn, chiếc AD6 bốc cháy dữ dội và rơi xuống biển. Thấy đồng bọn bị hạ, các máy bay khác lập tức phát hiện trận địa và tập trung tấn công. Những tiếng nổ chát chúa bên tai, đất đá bay mù mịt, ông Châu bỗng thấy thân mình bị nhấc bổng và không biết gì nữa.
Tỉnh dậy, ông thấy mình nằm trong hầm chỉ huy, toàn thân băng trắng toát. Đồng đội cho biết, khẩu đội súng trúng rốc két, tất cả bị thương. Riêng ông Châu bị thương ở đầu, tay, gãy xương sườn do sức ép. Ngày hôm sau, ông được chuyển về đất liền chữa trị. Sau một tháng hồi phục sức khỏe, ông trở lại đảo tìm kiếm nhưng không còn ai nữa. Đầu tháng 10/1966, ông rời đảo vào đất liền để ra Hà Nội học khóa 1, Trường Trung cấp Quân y thuộc Tổng cục Hậu cần. Năm 1968, ông Châu được cử vào công tác tại mặt trận B5 và trải qua hàng trăm trận đánh lớn nhỏ từ Khe Sanh đến đường 9 Nam Lào. Năm 1978, ông ra quân về công tác tại Lâm trường Quỳ Hợp.
(Còn nữa)
.