Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201408/nha-ngheo-nhung-chi-khong-ngheo-524294/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201408/nha-ngheo-nhung-chi-khong-ngheo-524294/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Nhà nghèo nhưng chí không nghèo - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Bảy, 23/08/2014, 09:43 [GMT+7]

Nhà nghèo nhưng chí không nghèo

(Congannghean.vn)-Kết thúc mùa tuyển sinh năm 2014, Nghệ An tự hào là một trong những tỉnh lọt vào top dẫn đầu về số thủ khoa, á khoa của cả nước. Đáng nói là trong số những cái tên góp mặt trong “danh sách vàng” những thủ khoa, á khoa làm rạng danh đất học xứ Nghệ của mùa tuyển sinh năm nay, có rất nhiều học sinh xuất thân từ các vùng nông thôn, có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Vượt lên sự nghèo khó, điều kiện vật chất, sinh hoạt, học tập còn nhiều thiếu thốn để dành kết quả ấn tượng, những tấm gương vượt khó hiếu học ấy rất đáng được tôn vinh. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn tới hiện tượng tích cực này?
 
 
Vì sao ngày càng có nhiều thủ khoa vượt khó?
 
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, những năm gần đây, trong số những thủ khoa các trường đại học, phần nhiều là học sinh học ở các trường vùng nông thôn hoặc xuất thân từ nông thôn lên thành phố trọ học. Thực tế những mùa tuyển sinh vừa qua cho thấy, ngày càng có nhiều học sinh nông thôn đậu thủ khoa, tỷ lệ học sinh nông thôn đậu đại học đang có xu hướng “qua mặt” thành phố. Đây là một xu hướng tích cực và rất đáng trân trọng.
 
Lý giải hiện tượng tích cực này có thể nhận thấy, về mặt chủ quan, rất nhiều học sinh ở nông thôn hoặc xuất thân từ nông thôn ra thành phố trọ học có tư chất thông minh, cần cù, chịu khó, ham học hỏi. So với những học sinh ở thành phố, có đầy đủ điều kiện vật chất, thì những học sinh ở nông thôn có hoàn cảnh gia đình khó khăn thường rất giàu ý chí, nghị lực. Các em đã sớm nhận thức được, chỉ có học mới mong thay đổi cuộc sống, mới có thể thoát nghèo nên đã chủ động, tự giác trong học tập. Mặc dù không được đủ đầy về vật chất, điều kiện sinh hoạt, học tập, nhưng bù lại, hầu hết học sinh nông thôn cố gắng học giỏi luôn nhận được tình yêu thương, sự động viên, khích lệ từ hàng xóm, láng giềng, đặc biệt là những người thân trong gia đình. Chính gia đình và sự quan tâm của những người xung quanh là động lực để các em không ngừng nỗ lực vươn lên.
 
Về phía khách quan, trong những năm qua, Bộ GD&ĐT thực hiện chủ trương “3 chung”, trong đó có chung đề thi. Đề thi luôn bám sát nguyên tắc: Cơ bản, nằm trong chương trình, có khả năng phân loại học sinh, không quá khó, không đánh đố, chỉ cần nắm chắc, nhuần nhuyễn kiến thức trong sách giáo khoa là có thể đậu đại học. Với những học sinh nông thôn có hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, các em không có điều kiện để mua nhiều sách tham khảo, cũng không bị phân tán sức lực vào “cuộc đua” học thêm, mà chủ yếu học kỹ, nắm chắc, vận dụng sáng tạo kiến thức trong sách giáo khoa và làm thêm các bài tập nâng cao. Bằng cách đó, nhiều em đã thành công.
 
Cần nhiều hơn các chính sách hỗ trợ những sinh viên nghèo học giỏi
 
Qua các phương tiện thông tin đại chúng, hầu hết những thủ khoa con nhà nghèo trong mùa tuyển sinh vừa qua đều có chung một nỗi niềm: Không biết lấy đâu ra tiền cho con lên thành phố nhập học, rồi tiền thuê nhà trọ, tiền ăn trong suốt thời gian học tập từ 4 - 6 năm, điều kiện sinh hoạt ở thành phố đắt đỏ hơn nhiều so với nông thôn, số tiền chu cấp hàng tháng của các gia đình nghèo có con học đại học không phải là nhỏ. Vừa qua, nhiều trường đại học đã có chủ trương trao học bổng, miễn giảm học phí, cung cấp chỗ ở trong ký túc xá miễn phí… cho những thủ khoa, á khoa. Nhà nước cũng đã có chính sách cho sinh viên vay vốn trang trải việc học tập và sinh hoạt với mục tiêu không để sinh viên nào có hoàn cảnh khó khăn phải nghỉ học. Đó là những chủ trương, chính sách đúng đắn.
 
Tuy nhiên, để những sinh viên nhà nghèo nói chung, những thủ khoa, á khoa có hoàn cảnh gia đình khó khăn nói riêng có thể yên tâm học tập, cần nhiều hơn những giải pháp hỗ trợ thiết thực, dài hơi như: Tăng mức học bổng hàng tháng, ngoài quỹ học bổng học tập dành chung cho mọi đối tượng sinh viên cần có thêm quỹ học bổng dành riêng cho những sinh viên nhà nghèo có thành tích học tập tốt. Các trường ĐH cần dành quỹ đất xây dựng thêm những ký túc xá ưu tiên cho sinh viên nghèo. Nhà nước có thể xem xét xoá nợ khoản vay ngân hàng phục vụ việc học tập cho những sinh viên có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn đạt loại giỏi, loại xuất sắc trong toàn khoá học nhằm khuyến khích các em không ngừng vươn lên. Dù cho chặng đường học vấn phía trước còn lắm gian nan, vất vả nhưng cùng với sự nỗ lực của bản thân, sự quan tâm của gia đình và sự hỗ trợ thiết thực của các cấp, các ngành, tin rằng, cổng trường ĐH vẫn luôn rộng mở với những tân sinh viên con nhà nghèo nhưng giàu ý chí, nghị lực.
 
.

Minh Tuấn