“Dịch bệnh Ebola không những chưa có dấu hiệu thuyên giảm, mà vẫn ngày một tăng”. Đó là thông tin được BCĐ phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm của Bộ Y tế nhấn mạnh tại cuộc họp ngày 22/8, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), thế giới đã có 2.473 trường hợp mắc Ebola, trong đó, có 1.350 trường hợp đã tử vong. Đặc biệt, chỉ trong ngày 17 và 18/8, đã có thêm 221 trường hợp mắc mới, với 106 trường hợp tử vong. Việt Nam đã có 83 hành khách nhập cảnh từ vùng dịch: tại sân bay Tân Sơn Nhất có 79 trường hợp, sân bay Nội Bài 4 trường hợp. 2 trường hợp người Nigeria nhập cảnh vào TP Hồ Chí Minh ngày 19/8 có biểu hiện sốt sau khi được cách ly 24h không còn dấu hiệu bệnh, đã được trở lại cộng đồng và được theo dõi tại nơi cư trú trong vòng 21 ngày. 3 sinh viên người Nigeria và 1 thầy giáo người Ấn Độ của Trường ĐH FPT (Hà Nội) từ vùng dịch về vẫn được tiếp tục giám sát chặt chẽ. Ngày 22/8, theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, sức khỏe của 4 người trên vẫn bình thường.
Hành khách đến từ vùng dịch nhập cảnh Việt Nam phải khai báo y tế |
PGS.TS. Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Paster TP. Hồ Chí Minh, nhận định: Số người mắc Ebola tăng nhanh, thì nguy cơ dịch bệnh này vào Việt Nam càng lớn. Tại TP Hồ Chí Minh, công tác chuẩn bị phòng, chống dịch đã sẵn sàng. Tuy nhiên, nhiều đoàn khách đi qua đến 3 nước, nên công tác giám sát dịch bệnh gặp nhiều khó khăn. Các chuyến bay về từ Trung Đông đều được giám sát toàn bộ. Những chuyến bay không xuất phát từ Trung Đông, cũng được lập danh sách. Ngày 19/9, ngành Y tế TP Hồ Chí Minh phát hiện có 20 người đến từ Liberia, đã đi qua 3 nước: Ghana, Hà Lan và Thái Lan và đoàn khách 20 người này vẫn được lập danh sách gửi y tế địa phương để giám sát trong 21 ngày. PGS.TS. Phan Trọng Lân cũng cho biết, Viện Paster TP Hồ Chí Minh đã ra được qui trình xét nghiệm, có kết quả sau 4-6 tiếng và đang đề nghị chuyên gia của WHO đánh giá để cho phép sử dụng
TS. Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, nơi tiếp nhận điều trị 2 bệnh nhân Negeria, kiến nghị: Việc cách ly điều trị người nước ngoài rất phức tạp, vì vậy, tới đây, đề nghị cần phối hợp với Công an cửa khẩu để có các biện pháp theo dõi.
Đại diện của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đánh giá cao việc Việt Nam chủ động tích cực phòng, chống dịch Ebola. Tuy nhiên, để các nước hiểu đúng tình hình phòng, chống dịch bệnh ở Việt Nam, đại diện của WHO cho rằng, Việt Nam hiện gọi những người bị sốt là “ca nghi ngờ nhiễm Ebola là không chính xác”, vì nghi ngờ Ebola là phải có những triệu chứng. Bên cạnh đó, đại diện của CDC kiến nghị ngành Y tế Việt Nam cần tổ chức tốt hơn việc đưa thông tin sang tiếng Anh, để tránh những phản ứng sai lầm về tình hình dịch bệnh Ebola ở Việt Nam, vì hiện, việc dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh không chính xác, thậm chí có thông tin sai lầm.
Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Ebola, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: Cần hết sức lưu ý giám sát sức khỏe người nhập cảnh; các cửa khẩu quốc tế đặc biệt chú ý việc đo thân nhiệt từ xa, những người từ vùng dịch về phải khai báo y tế. Trường hợp cần thiết, phải cách ly cưỡng chế để ngăn chặn dịch vào Việt Nam. Đề nghị báo chí tăng cường tuyên truyền biện pháp phòng, chống cho cộng đồng, phối hợp các cơ quan chức năng để dự phòng. Các cơ sở điều trị phải chuẩn bị sẵn sàng về cơ sở vật chất, thuốc, trang thiết bị, khu vực cách ly và phải trực dịch 24/24h, đáp ứng mọi yêu cầu đột xuất. Bộ Y tế cũng đề nghị WHO, CDC hỗ trợ khi Bộ Y tế Việt Nam yêu cầu.
Hà Nội: Chủ động giám sát, theo dõi những công dân bay qua các nước có dịch Ebola
Lãnh đạo TP Hà Nội vừa giao Sở Y tế - cơ quan thường trực phòng chống dịch Ebola - phải cập nhật thường xuyên và nắm tình hình dịch bệnh trên địa bàn, kịp thời thông báo tình hình dịch bệnh và thông báo những công dân có những chuyến bay qua các nước có nguy cơ lây nhiễm cho các đơn vị, địa phương để chủ động giám sát, theo dõi... Ngành Y tế chủ động, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan triển khai giám sát hành khách nhập cảnh tại cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Chuẩn bị đủ cơ sở vật chất, thuốc, hóa chất, vật tư tiêu hao, chủ động đảm bảo nguồn nhân lực phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh; tổ chức tốt công tác trực dịch, trực cấp cứu, phân tuyến, phân luồng, cách ly điều trị bệnh nhân…
|
Ngày 22/8, Bộ Y tế cho biết: Hành khách người Việt Nam trở về từ Liberia qua cửa khẩu Tân Sơn Nhất ngày 19/8/2014 đã khai báo bị viêm họng và sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị, khoảng 12h trưa cùng ngày hành khách này đã uống thuốc hạ sốt tại sân bay Băng Cốc trước khi về Việt Nam. Ngay sau đó, hành khách này đã được đưa vào khu cách ly tạm thời và được theo dõi thân nhiệt 3 giờ/lần. Sau hơn 10 tiếng theo dõi, hành khách trên không sốt và không có triệu chứng nào của bệnh Ebola, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh đã báo cáo Bộ Y tế, thống nhất để hành khách đó trở về nhà. 17h ngày 20/8/2014, hành khách này đã đến BV Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh để được tư vấn và theo dõi tình trạng sức khỏe. Hành khách này đã ra viện sáng 22/8. |
.