Gia đình xã hội
Thực hiện Luật Bảo hiểm y tế
Hướng đến mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân
14:33, 08/07/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Hơn 70% người dân có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), số còn lại gần 30% chưa tham gia là con số thực tế sau 5 năm triển khai Luật BHYT ở tỉnh Nghệ An. Nhằm hướng đến 100% đối tượng tham gia, với mục đích mở rộng đối tượng tham gia, hướng đến "BHYT toàn dân" giai đoạn 2012 - 2015 và đến 2020 cần có một sự cố gắng lớn của các cấp, ngành, cả hệ thống chính trị và chính người dân.
Là một trong nhiều bệnh nhân "quen thuộc" của Bệnh viện Ung bướu Nghệ An, từ mấy năm nay, bác Trịnh Xuân Thế (61 tuổi) trú ở huyện Quỳ Hợp đang ngày đêm điều trị, chống chọi với căn bệnh K thực quản. Gần 3 năm kể từ ngày phẫu thuật và điều trị theo phác đồ của Bệnh viện Việt - Đức, sức khỏe của bác đang dần hồi phục, mang lại niềm vui cho gia đình. Đầu năm 2014, với những triệu chứng và sức khỏe có những thay đổi, bác được gia đình đưa đến điều trị trở lại tại Bệnh viện Ung bướu Nghệ An. Người nhà bệnh nhân cho biết: Là đối tượng hưởng bảo hiểm thương binh và hưu trí, từ khi phát hiện được bệnh tình và điều trị, mặc dù được gia đình tận tình chăm sóc nhưng nếu không thuộc đối tượng hưởng lợi từ BHYT thì gia đình gặp rất nhiều khó khăn.
Đó chỉ là một trong số nhiều trường hợp được hưởng lợi từ chính sách bảo hiểm khi không may mắc bệnh, điều trị tại các cơ sở y tế công lập. Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Quang Trung, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Nghệ An: Những năm gần đây, bệnh ung thư đang có xu hướng phát triển nhanh với số lượng ngày một tăng. Đáng quan tâm là phần lớn bệnh nhân mắc bệnh ung thư đều được phát hiện muộn và khi phát hiện được thì đã bị di căn. Với bệnh ung thư, khi vào điều trị ở hầu hết các bệnh viện chuyên khoa đều rất tốn kém và chịu chi phí về các thiết bị, dụng cụ, thuốc men rất cao. Nếu bệnh nhân không có BHYT thì khó có thể được chữa trị tốt với các trang thiết bị, thuốc men hiện đại… Vì vậy, chính sách bảo hiểm cho các đối tượng chính sách nói riêng, cho đối tượng tham gia BHYT tự nguyện nói chung rất quan trọng và cần thiết. Tuy nhiên, thực tế hiện nay số người tham gia bảo hiểm còn chưa nhiều, chưa phổ biến, bởi nhận thức của người dân về tính ưu việt cũng như giá trị khi tham gia mua BHYT còn hạn chế. Do đó, để nâng cao hiệu quả đối với bệnh nhân khi tham gia bảo hiểm rất cần sự quan tâm của các cấp, ngành, cả hệ thống chính trị và cộng đồng trong việc tuyên truyền sâu rộng về các chính sách BHYT đến người dân.
Tham gia bảo hiểm y tế giúp người dân thuận lợi trong việc tiếp cận với các dịch vụ y tế tiên tiến hiện nay |
Qua thống kê trên địa bàn tỉnh, sau 5 năm thực hiện Luật BHYT, đã có gần 2.120.000 người được cấp thẻ BHYT, chiếm trên 70,7% dân số; Bảo hiểm xã hội tỉnh đã ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT với 53 cơ sở khám, chữa bệnh và 480 trạm y tế xã, phường, thị trấn. Số người tham gia BHYT tăng hàng năm, tạo tiền đề vững chắc cho mục tiêu phát triển BHYT bền vững, tiến tới BHYT toàn dân. Nhìn chung, các đối tượng tham gia bảo hiểm được đảm bảo về các quyền lợi theo đúng quy định; người bệnh BHYT được cung cấp nhiều dịch vụ kỹ thuật hiện đại, sử dụng nhiều loại thuốc mới đắt tiền; chất lượng dịch vụ y tế ngày càng được nâng cao; số người dân được tiếp cận và chăm sóc sức khỏe từ nguồn quỹ BHYT ngay tại cộng đồng dân cư và nhiều dịch vụ y tế ngày càng tăng…
Thời gian qua, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã tập trung thực hiện các nghị quyết của cấp trên cũng như các bộ, ngành liên quan, trong đó đã chú trọng đến việc đẩy mạnh các mặt công tác nhằm nâng cao tỉ lệ người dân tham gia BHYT, hướng tới việc để toàn dân mua BHYT. Ngành đã chủ động tăng cường sự phối hợp các ngành chức năng, các địa phương để tuyên truyền cho mọi người dân thấy được lợi ích của việc tham gia BHYT. Bảo hiểm xã hội tỉnh luôn tạo mọi điều kiện để người dân được tham gia BHYT cũng như thuận lợi tiếp cận từ các dịch vụ y tế.
Qua đánh giá, bên cạnh những kết quả đạt được trong thực hiện Luật BHYT, trong quá trình thực hiện còn bộc lộ những tồn tại như nhóm người tham gia BHYT không có sự hỗ trợ của Nhà nước tăng chậm, chiếm tỉ lệ thấp; nhiều doanh nghiệp trốn đóng, nợ đọng BHYT cho người lao động; chất lượng khám chữa bệnh BHYT chưa đáp ứng yêu cầu của nhân dân, nhất là tuyến y tế cơ sở và các huyện miền núi.
Nhằm hướng tới mục tiêu BHYT toàn dân và các quy định bắt buộc tham gia BHYT, nhất là góp phần đưa Luật BHYT (hiệu lực từ 1/7/2009, được bổ sung sắp tới) đi vào cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội, thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cần quan tâm hơn nữa việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách BHYT, tích cực triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch, nhất là thực hiện có hiệu quả “Đề án thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012 - 2015 và 2020”. Đồng thời, chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHYT; triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT, cải cách thủ tục hành chính, quản lý và sử dụng quỹ BHYT có hiệu quả. Cần tăng cường sự phối hợp liên ngành, nâng cao năng lực hệ thống quản lý Nhà nước về BHYT từ cấp tỉnh đến cơ sở. Cùng với đó, hệ thống chính trị các cấp cần triển khai mạnh mẽ các giải pháp để mở rộng đối tượng, tăng tỉ lệ bao phủ đối tượng tham gia; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về BHYT.
Xuân Thống