Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201406/mat-tren-10ha-dat-bai-boi-do-sat-lo-499894/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201406/mat-tren-10ha-dat-bai-boi-do-sat-lo-499894/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Mất trên 10ha đất bãi bồi do sạt lở - Báo Công An Nghệ An điện tử
Chủ Nhật, 22/06/2014, 13:55 [GMT+7]

Mất trên 10ha đất bãi bồi do sạt lở

(Congannghean.vn)-Cứ đến mùa mưa lũ, người dân xã Thanh Giang (Thanh Chương, Nghệ An) lại xót xa, thấp thỏm lo âu nhìn bãi bồi dọc sông Lam ngày một tiến sát vào làng. 10 năm nay, bãi bồi này đã bị dòng sông Lam nuốt trôi trên 10 ha đất sản xuất, một số điểm đã tiến sâu chỉ cách khu dân cư chưa đến 40 m.
 
Bãi bồi xã Thanh Giang nằm bên hữu ngạn sông Lam, hiện nay còn khoảng 46 ha. Theo quan sát của phóng viên, việc sạt lở diễn ra từ đầu bãi đến cuối bãi với chiều dài khoảng 3 km, khoét hàm ếch sâu vào đất sản xuất của người dân. Nhiều điểm, dòng sông Lam ngày đêm “ngoạm” sát vào diện tích đất người dân đang canh tác. Năm 2013, sau 3 trận lũ, bãi bồi thuộc xóm Lam Dinh và Bình Ngô mất đi 4 ha trên chiều dài 1 km và vẫn đang tiếp tục sạt lở. Riêng tại xóm Lam Dinh, năm 2013 sạt lở tiến sâu vào 60 m, chỉ cách khu dân cư 40 m và sắp tiến sát Tỉnh lộ 533. Năm 2004, Thanh Giang còn 60 ha đất bãi bồi thì nay chỉ còn lại gần 46 ha. Tính ra, bình quân mỗi năm, người dân xã Thanh Giang mất đi gần 1,5 ha đất sản xuất. Diện tích đất sản xuất của xã Thanh Yên nằm sát bãi bồi xã Thanh Giang cũng bị sạt lở và hiện đã mất đi khoảng 4 ha đất sản xuất.
 
Một điểm sạt lở tại bãi bồi xã Thanh Giang
Một điểm sạt lở tại bãi bồi xã Thanh Giang
 
Ông Tưởng Quốc Thành, Chủ tịch UBND xã Thanh Giang cho biết, nguyên nhân sạt lở diện tích đất bãi bồi chủ yếu vẫn là do việc khai thác cát sỏi thổ phỉ diễn ra trên địa bàn nhiều năm nay. Hiện nay, trên địa bàn có 1 bến bãi khai thác, tập kết cát sỏi vừa bị đình chỉ chờ cấp phép. Điều đáng nói, trong khoảng thời gian từ tháng 7 năm này đến tháng 3 năm sau, một số thuyền khai thác của địa phương và từ huyện Nam Đàn ngược sông Lam lên hút cát khu vực gần bờ. Các thuyền này chọc “vòi rồng” vào tận bờ hút cát nên không tránh khỏi việc sạt lở. Địa phương đã bố trí lực lượng ngăn chặn nhưng việc khai thác thổ phỉ vẫn diễn ra.
 
Từ năm 2006 - 2009, Thanh Giang đã chi hàng chục triệu đồng để đóng kè gỗ, hạn chế được một số đoạn sạt lở. Tuy nhiên, sau đó, việc sạt lở lại diễn ra ở đoạn cuối bãi, gây biến đổi dòng chảy, hoạt động của bến đò Phuống gặp rất nhiều khó khăn do bãi cát nổi. Việc sạt lở không những lấy đi của người dân Thanh Giang trên 10 ha đất bãi màu mỡ mà còn thay đổi chất đất, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng cây trồng. Bãi cát màu mỡ trước đây nay đã biến đổi với tỉ lệ pha cát nhiều, cây trồng gặp hạn hán thường không cho thu hoạch.
 
Một nguyên nhân nữa, theo ông Thành là do quy luật tự nhiên “bên lở, bên bồi” trên đoạn sông này. Tuy nhiên, theo người dân địa phương, hoạt động bừa bãi của các tàu khai thác cát, do địa phương không thể quản lý hết vẫn là nguyên nhân chính. Ngoài ra, tại một số điểm, người dân đã tự khoét sâu xuống bãi bồi để lấy cát, tạo ra những hầm hố, gây nguy cơ sạt lở lớn. Tuy nhiên, sự việc này diễn ra mà lãnh đạo UBND xã Thanh Giang không hề hay biết. Một ngư dân tại khu vực này cho biết, do tàu cát hoạt động mạnh, đến mùa mưa, nằm trong thuyền mà nghe đất sạt lở ào ào.
 
Ông Thành cho biết thêm: “Trên 70% người dân Thanh Giang sản xuất nông nghiệp. Nếu sạt lở vẫn diễn ra như thời gian qua mà không có cách ngăn chặn thì khoảng 10 năm nữa, người dân không biết lấy đâu ra đất sản xuất, nhiều đoạn sẽ tiến sát nhà dân, uy hiếp Tỉnh lộ 533. Trước tình trạng này, chúng tôi đã có kiến nghị lên huyện và rất mong các ban ngành có hướng nghiên cứu, hỗ trợ ngân sách để xây dựng kè, bảo vệ đất sản xuất. Tầm và ngân sách của xã không thể tìm ra được phương án nào khả thi để chống sạt lở. Chúng tôi cũng đã đề nghị không quy hoạch bến cát tại xã Thanh Giang để giảm thiểu tình trạng khai thác cát dẫn đến sạt lở…”.
 
.

Văn Dũng