Gia đình xã hội

Những người thầm lặng sau mỗi trang báo

14:29, 19/05/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Để làm nên thương hiệu của một tờ báo, ngoài sự cố gắng của cả tập thể, đánh giá tác động dư luận xã hội là minh chứng trong lòng bạn đọc thì cần có sự chung tay, đồng thuận của cả một bộ máy tòa soạn. Và, bộ phận chuyên góp nhặt từng “con chữ” để cho những bài báo hoàn thiện, sinh động, hấp dẫn đến với tay bạn đọc lâu nay vẫn lặng thầm nhận về mình phần việc đứng sau mỗi trang báo.
 
Cũng giống như ở bất kỳ một toà soạn báo nào, bộ phận làm công tác thư ký, morat, họa sỹ lên trang luôn bắt buộc phải có để có thể cho ra những trang báo hoàn thiện. Ở Báo Công an Nghệ An, chúng tôi thường gọi Ban Thư ký - một trong những bộ phận của hệ thống tòa soạn là những người “đầu bếp” cần mẫn, tỉ mỉ và có tay nghề trong công tác lên trang, sắp chữ cho mỗi trang báo. Để mỗi số báo đến tay bạn đọc, ít ai có thể hiểu được rằng, đằng sau mỗi trang báo có phần công sức không nhỏ của Ban Thư ký. Họ - những người mà chúng tôi sẽ đề cập sau đây đều ở những vùng quê, hoàn cảnh sống khác nhau nhưng khi ở chung ngôi nhà Báo Công an Nghệ An đều đoàn kết, thương yêu, sẵn sàng chia sẻ khó khăn với nhau trong công việc cũng như cuộc sống gia đình.
 
Chuẩn bị cho số báo phát hành ngày mai đảm bảo chất lượng
Chuẩn bị cho số báo phát hành ngày mai đảm bảo chất lượng
 
Còn nhớ, ngay chính bản thân tôi là một phóng viên trẻ khi chập chững đến với Báo Công an Nghệ An công tác vẫn chưa thể nhớ nổi một cái tên của những người trong Ban Thư ký. Hồi đó (cuối năm 2011), khi được nhận về công tác tại Báo, ngoài việc biết rõ lãnh đạo cơ quan và anh em trong Ban Phóng viên thì bản thân tôi chỉ biết một cách mơ hồ đến bộ phận thư ký qua những gương mặt quen thuộc sau này. Khi dần quen với cuộc sống cũng như công việc tại Báo Công an Nghệ An, do đặc thù công việc cũng như những tình cảm như anh em một nhà của tập thể tòa soạn, tôi được xem như người em út trong một gia đình. Có những bài viết khi được kiểm duyệt lên trang, chiều muộn, chị Mơ (Phó Ban thư ký) gọi điện thoại hỏi lại ở những câu chữ mà tác giả sử dụng trong bài còn vụng về, tôi xem lại mới ngớ người ra, thẫn thờ. Hay những số liệu về tang vật trong những chuyên án liên quan đến tình hình ANTT, ngôn ngữ liên quan đến nghiệp vụ trong ngành Công an nhân dân còn chưa đúng, tôi cũng được các chị trong Ban Thư ký gọi điện nhắc nhở để lần sau rút kinh nghiệm. Rồi khi cầm tờ báo trên tay, khi đọc lại, so sánh với bài mà tôi viết mới tự mình rút ra bài học về cách làm việc cẩn thận, tỉ mỉ đến từng chi tiết của những người trong Ban Thư ký.
 
Rồi chị Yến, chị Hà, chị Hằng, chị Hậu, chị Thủy, những người chưa bao giờ xuất hiện tên mình ở mỗi trang báo nhưng lại là người thầm lặng đứng đằng sau mỗi số báo đến với tay bạn đọc mỗi buổi sáng thứ 2, thứ 4 và thứ 6 hàng tuần. Ở mỗi người, mỗi tính cách khác nhau nhưng cảm nhận không chỉ riêng của tôi mà tất cả anh em trong Ban Phóng viên là họ có một phần trách nhiệm không nhỏ trên mỗi trang báo. Nhớ những lần để chuẩn bị ra các số báo Tết, ngày lễ, công việc của Ban Thư ký lại dồn dập, ứ đọng tưởng chừng như không hoàn thành, nhưng với tinh thần đoàn kết, họ lại tạm gửi con nhỏ, công việc gia đình để quăng mình vào những trang báo. Rồi tranh thủ những ngày nghỉ, các chị vẫn lên cơ quan đều đặn để mi trang, sắp chữ, morat cho báo ra kịp thời. Bất kể đêm tối, ngày mưa hay nắng, đêm đông giá rét, khi số báo Tết đã cận kề, họ luôn túc trực như người cha, người mẹ nóng lòng chờ “đứa con tinh thần” của mình sắp chào đời. Ngoài công tác chuyên môn, việc lễ lạt, ngày kỷ niệm, họ cũng tất tưởi góp sức mình cùng chung với tập thể…
 
Làm báo, có thể ví như là người “phù thủy” của ngôn từ cuộc sống, nhưng khi viết về một nhân vật, một hoàn cảnh, một sự kiện, “một tấm gương mờ”… điều mà tôi học được là mình phải tôn trọng sự thật và không được phỏng đoán mơ hồ. Có thể, ở những dòng này, bản thân tôi mới chỉ thấy được một phần sự hy sinh, công sức bỏ ra của những người trong Ban Thư ký. Nhưng để làm một người “phù thủy” được bạn đọc mến mộ, tin tưởng, những người trong Ban Thư ký là người thầy để truyền cách cho chúng tôi hoàn thiện mình trong công việc chuyên môn suốt thời gian qua. Mỗi trang báo đến với độc giả có thể đọc trong vài phút, nhưng ít ai biết rằng để có những bài viết hoàn thiện, ngoài công sức của phóng viên trong việc thu thập hồ sơ, tài liệu, có công sức và thời gian không nhỏ của Ban Thư ký. Nói một cách ví von như cánh phóng viên chúng tôi thường tếu với nhau, để có những trang báo hấp dẫn, kịp thời, nhân văn thì Ban Thư ký là những người “đầu bếp” tài hoa, điêu luyện để lựa chọn các món ăn “tinh thần” phục vụ tới bạn đọc trong suốt thời gian qua.

Ngọc Thái

Các tin khác