Gia đình xã hội

Hành trình kết nối nhân văn

08:33, 19/05/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Có người lính trở về với đôi mắt mù lòa và mang trên mình di chứng chiến tranh đã thêm khổ đau khi không xin được việc làm cho con mình. Có bà mẹ liệt sĩ thời bình rồi vẫn không có một mảnh đất dung thân để thờ phụng con cái hy sinh nơi chiến trường. Có nhà báo ngã xuống thời chống Mỹ nhưng gần nửa thế kỷ trôi qua không được vinh danh, công nhận là liệt sĩ… Họ - những số phận đã tìm và gặp Báo Công an Nghệ An để trải lòng, mong các cơ quan chức năng sớm giải quyết quyền lợi chính đáng của mình. Và không ít mảnh đời còn chịu thiệt thòi bao nhiêu năm dìu dắt nhau đi đòi quyền lợi công bằng khiến chúng tôi không thể vô cảm trước sự thật.
 
Từ người thương binh đặc biệt tìm việc làm cho con…
 
Là người lính từng vào sinh ra tử nơi chiến trường biên giới Tây Nam, tham gia trong đội hình quân tình nguyện Việt Nam giúp nước bạn thoát khỏi nạn diệt chủng Pôn Pốt ở Campuchia, khi trở về, ông Đặng Văn Phúc ở xã Nghi Hoa (Nghi Lộc) đã không còn nhìn thấy ánh sáng mặt trời. Mù cả 2 con mắt với những vết thương sau chiến tranh để lại, thương binh đặc biệt 1/4 Đặng Văn Phúc đã được cô giáo trường làng là Nguyễn Thị Châu đồng cảm và hai người nên duyên vợ chồng. Rồi cả 2 lần lượt sinh hạ được 2 người con gái và 1 người con trai. Cuộc sống tuy vất vả nhưng cả ông Phúc và bà Châu vẫn động viên nhau cố gắng lam lũ, chắt chiu từng đồng trợ cấp để nuôi các con ăn học. Tuy nhiên, khi các con của ông bà học đại học ra trường đã nhiều năm vẫn không xin được việc làm. Day dứt, trăn trở, tủi thân, thương binh Đặng Văn Phúc đã nhiều lần rơi vào hoàn cảnh “lực bất tòng tâm” khi dẫn cô con gái đầu là Đặng Thị Anh Tuấn tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội gõ cửa các cơ quan chức năng nhưng vẫn chỉ nhận được cái lắc đầu im lặng.
 
Phóng viên Báo Công an Nghệ An phỏng vấn thân nhân cố nhà báo Trần Văn Thông
Phóng viên Báo Công an Nghệ An phỏng vấn thân nhân cố nhà báo Trần Văn Thông
 
Quá thương cho hoàn cảnh của đồng đội, thương binh thời chống Mỹ là Vũ Nhật Đăng đã giúp đồng đội làm đơn gửi các cơ quan năng và tìm gặp phóng viên Báo Công an Nghệ An. Sau khi điều tra, tìm hiểu hoàn cảnh của thương binh Đặng Văn Phúc, tháng 6/2012, chúng tôi đã có bài viết phản ánh đăng tải trên báo Công an Nghệ An. Ngay sau khi Báo Công an Nghệ An đăng tải, phản ánh trường hợp của thương binh Đặng Văn Phúc, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nội vụ, UBND huyện Nghi Lộc cùng các cơ quan chức năng giải quyết cho cháu Đặng Thị Anh Tuấn được đi dạy học tại Trường THCS Nghi Công. Tháng 10/2012, niềm vui như vỡ òa khi gần 4 năm trời khao khát, cậy mong cho con gái đầu có việc làm đã đến với gia đình thương binh Đặng Văn Phúc.
 
… Đến nhà báo hy sinh bị lãng quên
 
Đầu tháng 3/2013, phóng viên Báo Công an Nghệ An cũng tiếp cận tìm hiểu trường hợp hy sinh của cố nhà báo Trần Văn Thông (SN 1924, tại xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) ở phường Hòa Hiếu, thị xã Thái Hòa. Qua tiếp cận với gia đình thân nhân đồng chí Trần Văn Thông, chúng tôi mới biết được quá trình hoạt động, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của một nhà báo làm việc tại cơ quan Báo Miền Tây Nghệ An thời kỳ chống Mỹ. Cố nhà báo Trần Văn Thông đã bị bom Mỹ vùi lấp cùng với người Tổng Biên tập của mình. Tuy nhiên, 46 năm sau (nhà báo Trần Văn Thông hy sinh ngày 23/5/1965 - P.V) mới tìm thấy hài cốt nhà báo Trần Văn Thông cùng với di vật mang theo tại chính trụ sở cơ quan Báo Miền Tây Nghệ An cũ, ngay sát bờ sông Hiếu, ở khối Tây Hồ, phường Quang Tiến, thị xã Thái Hòa. Thế  nhưng, chẳng hiểu vì lý do gì mà mãi tới gần nửa thế kỷ sau, nhà báo Trần Văn Thông vẫn chưa được công nhận là liệt sĩ.
 
Sau khi tiếp nhận thông tin, tài liệu, hồ sơ mà thân nhân cố nhà báo Trần Văn Thông cung cấp, chúng tôi đã tiến hành xác minh và có viết bài “Chuyện một nhà báo hy sinh bị lãng quên” trên Báo Công an Nghệ An số ra ngày 18/3/2013. Sau khi bài viết đăng tải, ngày 23/4/2013, Thường trực Tỉnh ủy đã có Công văn số 1931-CV/TU yêu cầu: “Ban tổ chức Tỉnh ủy phối hợp với UBND tỉnh kịp thời chỉ đạo kiểm tra, xác minh sự việc, nếu đúng như báo nêu thì sớm giải quyết chế độ cho người có công”. Tiếp đó, vào ngày 6/9/2013, Cục Người có công (Bộ LĐTB&XH) đã có Công văn số 1063 gửi Sở LĐTB&XH tỉnh Nghệ An trả lời Tờ trình 3696/TTr-UBND ngày 4/6/2013 của UBND tỉnh đề nghị xác nhận liệt sĩ đối với ông Trần Văn Thông, cán bộ Báo Miền Tây Nghệ An đã hy sinh ngày 23/5/1965 trong khi làm nhiệm vụ cùng với Tổng Biên tập Đặng Loan. Đến ngày 26/12/2013, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định số 2570-QĐTTr công nhận là liệt sĩ và cấp Bằng “Tổ quốc ghi công” cho cố nhà báo Trần Văn Thông.
 
Niềm vui như vỡ òa lẫn trong niềm xúc động của gia đình thân nhân cố nhà báo Trần Văn Thông khi tìm lại được danh dự cho một người đã nằm xuống sau gần nửa thế kỷ bị lãng quên. Ngày 25/2/2014, có mặt tại lễ truy điệu cố nhà báo - liệt sĩ Trần Văn Thông, ông Trần Văn Điu (em trai cố nhà báo Trần Văn Thông) đã xúc động chia sẻ những dòng cảm xúc trước anh linh của người anh trai mình: “Kể từ ngày hy sinh tại cơ quan Báo Miền Tây Nghệ An, gần nửa thế kỷ trôi qua, nhờ sự kết nối của những đồng nghiệp đã từng công tác trong thời kỳ chống Mỹ, qua các cơ quan báo chí, trước tiên là Báo Công an Nghệ An đã lấy lại danh dự cho anh trai tôi. Trước lễ truy điệu và trao bằng “Tổ quốc ghi công”, trước sự quan tâm của các cơ quan đoàn thể và nhân dân, gia đình tôi không biết nói gì hơn bằng lời cảm ơn sâu sắc nhất. Trước anh linh hương hồn của anh trai, gia tộc chúng tôi sẽ nguyện sống tốt hơn để xứng đáng với sự hy sinh của người anh cả mình”.
 
Vĩ thanh
 
Đó mới chỉ là 2 trường hợp trong không ít bài viết mà Báo Công an Nghệ An đăng tải, kết nối hành trình nhân văn mà chúng tôi đã miệt mài theo đuổi, miệt mài đi và viết. Hành trình 30 năm của Báo Công an Nghệ An, một phóng viên trẻ như tôi mới chỉ góp những “hạt cát nhỏ” so với những bậc đàn anh, đàn chị đã nhiều năm gắn bó, xây dựng nên thương hiệu cho một tờ báo ngành. Vẫn biết phía trước còn nhiều hoàn cảnh, nhiều khó khăn thử thách nhưng những gì cảm nhận của tôi về hiệu quả xã hội của từng bài báo khi đến tay bạn đọc như một niềm động viên lớn trong sự nghiệp gắn cuộc đời mình với Báo Công an Nghệ An.
 
Và, như nhiệm vụ chính trị không thể tách rời với nghề báo, ngoài các chức năng của nền báo chí cách mạng Việt Nam đã được hun đúc, phát triển, báo chí còn có chức năng phản biện xã hội. Ở báo Công an Nghệ An, ngoài việc góp phần tuyên truyền bảo vệ ANTQ, TTATXH thì việc đấu tranh, đòi quyền lợi chính đáng cho những số phận còn thiệt thòi cũng được dư luận thời gian qua hưởng ứng rộng rãi. Đã có không ít bài báo được đăng tải, kết nối những mảnh đời bất hạnh. Phía trước sẽ còn không ít câu chuyện đi tìm lại chân lý mà phóng viên chúng tôi sẽ cùng với họ đồng hành, miệt mài theo đuổi đến đích cuối cùng của sự thật.

Ngọc Thái

Các tin khác