Gia đình xã hội

Vận dụng tư tưởng đại nghĩa của Hồ Chí Minh để bảo vệ chủ quyền của Việt Nam

09:46, 19/05/2014 (GMT+7)
Một trong những nội dung rất quan trọng trong di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là tư tưởng về đại nghĩa và đại đoàn kết, được thể hiện trong phương châm chỉ đạo cách mạng của Bác đã trở thành quen thuộc với mỗi người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế. Đó là: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”.
 
Phương châm cách mạng đại đoàn kết và đại nghĩa
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh tới ba lần hai chữ “đoàn kết” không chỉ để nói về tầm quan trọng đặc biệt của phương châm này, mà còn có ý nghĩa là đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân và đoàn kết quốc tế. Ba nội dung đoàn kết đó tạo điều kiện cho nhau, bổ sung cho nhau, tạo nên sức mạnh tổng hợp, là một trong những yếu tố quyết định tạo nên 3 sự thành công là Đảng thành công, dân tộc thành công và góp phần vào thành công chung của thế giới.
 
Bác Hồ đến thăm cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát nhân dân Hà Nội nhân dịp Tết Quý Mão (1963) - Ảnh tư liệu
Bác Hồ đến thăm cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát nhân dân Hà Nội nhân dịp Tết Quý Mão (1963) - Ảnh tư liệu
 
Toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực và sinh động nhất về đoàn kết toàn Đảng, toàn dân và đoàn kết quốc tế. Trong Bản di chúc lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh vấn đề đoàn kết: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta”.
 
Còn tư tưởng đại nghĩa của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện sinh động và đầy đủ nhất trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến năm 1946 sau khi những nỗ lực đàm phán hòa bình giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với Pháp để công nhận chủ quyền của Việt Nam không thành công: “Hỡi đồng bào toàn quốc! Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta đã nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.
 
Tư tưởng đại nghĩa của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện một lần nữa trong Lời kêu gọi kháng chống Mỹ cứu nước năm 1966: “Trải qua gần một trăm năm dưới ách nô lệ thực dân và hơn 20 năm chống chiến tranh xâm lược của bọn đế quốc, hơn ai hết, nhân dân ta rất thiết tha yêu quý hòa bình để xây dựng đất nước. Nhưng phải là hòa bình thật sự trong độc lập, tự do. Vì vậy, chúng ta kiên quyết đòi Chính phủ Mỹ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam, phải vĩnh viễn từ bỏ mọi hành động xâm phạm chủ quyền và an ninh của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. Bác khẳng định rằng, Mỹ có thể đưa 50 vạn quân, 1 triệu quân hoặc nhiều hơn nữa để đẩy mạnh chiến tranh xâm lược ở miền Nam Việt Nam, có thể dùng hàng ngàn máy bay, tăng cường đánh phá miền Bắc, nhưng chúng quyết không thể lay chuyển được chí khí sắt đá, quyết tâm chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta. Bác khẳng định: “Chúng ta có chính nghĩa, có sức mạnh đoàn kết của toàn dân từ Bắc đến Nam, có truyền thống đấu tranh bất khuất, lại có sự đồng tình ủng hộ rộng lớn của các nước xã hội chủ nghĩa anh em và nhân dân tiến bộ cả thế giới, chúng ta nhất định thắng!”.
 
Các chiến sĩ Hải quân tăng cường tuần tra, bảo vệ biển đảo quê hương
Các chiến sĩ Hải quân tăng cường tuần tra, bảo vệ biển đảo quê hương
Trên cơ sở phương châm cách mạng đại nghĩa và đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta đã xây dựng và thực hiện thành công chính sách ngoại giao nhân dân Việt Nam. Ngay trong những ngày tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã xác định rõ, cách mạng Việt Nam có mối quan hệ gắn bó với các phong trào và lực lượng tiến bộ trên thế giới. Do đó, việc tăng cường các mối quan hệ và hợp tác quốc tế là một trong những yếu tố quan trọng làm nên thắng lợi của Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong đó ngoại giao nhân dân chiếm vị trí nổi bật. 
 
Bản thân Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà ngoại giao nhân dân tiêu biểu với phong cách ngoại giao độc đáo và là tấm gương mẫu mực về thực hành ngoại giao nhân dân trong mọi lúc, ở mọi nơi vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngay từ những ngày ra đi tìm đường cứu nước, Người để lại bao tình cảm và ngưỡng mộ trong lòng nhân dân thế giới bằng những hành động hữu nghị và nhân hậu với tất cả bạn bè năm châu. Với nhân dân Pháp, Người khẳng định: “Chúng tôi muốn hòa bình ngay để máu người Pháp và người Việt ngừng chảy. Những dòng máu đỏ chúng tôi đều quý như nhau”. Với nhân dân Mỹ, Người nhấn mạnh: “Nhân dân Việt Nam không chống nhân dân Mỹ và chỉ muốn chiến tranh sớm chấm dứt để nhân dân hai nước giảm được mất mát và sống hòa bình hữu nghị với nhau”.
 
Ngay sau Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo thành lập các tổ chức ngoại giao nhân dân đầu tiên của nước ta để tiếp cận với phong trào hòa bình, tiến bộ và đoàn kết của nhân dân thế giới; gắn kết cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới. Từ đó đến nay, ngoại giao nhân dân Việt Nam từng bước phát triển và khẳng định vị thế của mình, hình thành mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ và giúp đỡ sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của nhân dân Việt Nam mạnh mẽ chưa từng có trong lịch sử nhân loại.
 
Phát huy đại nghĩa và đại đoàn kết để đấu tranh cho chủ quyền quốc gia
 
Từ ngày 1/5 đến nay, Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan Hải Dương - 981 vào hạ đặt tại địa điểm nằm sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của một nước trong ASEAN, vi phạm đặc biệt nghiêm trọng Luật pháp Quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 và cũng là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông mà Trung Quốc là một bên tham gia ký kết. Hành động cực kỳ nguy hiểm này đã và đang đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở biển Đông”.
 
Tuy nhiên, xuất phát từ truyền thống đại nghĩa và đại đoàn kết theo tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ trương “đem nhân nghĩa thắng bạo tàn, lấy chí nhân thay cường bạo” trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược từ phương Bắc trước đây, chúng ta đã hết sức kiềm chế, chân thành bày tỏ mọi thiện chí, sử dụng mọi kênh đối thoại, trong đó có cả các kênh ngoại giao nhân dân, để giải thích lập trường chính nghĩa và thiện chí hòa bình của nhân dân ta, phản đối và yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan và các tàu vũ trang, tàu quân sự ra khỏi vùng biển của Việt Nam.
 
Cách ứng xử đúng đắn, dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế và tinh thần đại đoàn kết, kết hợp với kết quả các hoạt động ngoại giao nhân dân được thực hiện bền bỉ trong một thời gian dài trước đây, trong đó có nhiều cuộc hội thảo, hội nghị quốc tế về biển Đông, Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ và đồng tình của các nước ASEAN và cộng đồng quốc tế rộng rãi trên khắp thế giới.
 
Có thể thấy, chưa bao giờ dư luận quốc tế lại có sự phản ứng rộng rãi đến như thế đối với Trung Quốc liên quan tới hành động ngang ngược của họ hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế  của Việt Nam. Dư luận quốc tế không chỉ phản đối Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, mà còn nghi ngại về vai trò và trách nhiệm của một nước lớn Trung Quốc trong quan hệ quốc tế.
 
Trong khi đó, dư luận quốc tế lại ủng hộ và tán thành cách làm của Việt Nam trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền của mình trước hành động áp đặt cường quyền của Trung Quốc. Để có được sự ủng hộ đó của cộng đồng quốc tế, một yếu tố có ý nghĩa quyết định là Đảng và Nhà nước ta đã thực hiện phương châm đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vì thế, chúng ta kiên quyết phản đối và ngăn chặn mọi hành vi của một số kẻ xấu lợi dụng tâm trạng phản đối Trung Quốc của nhân dân ta đã có những hành động gây rối, phá hoại hoạt động sản xuất kinh doanh của các công ty nước ngoài ở Việt Nam, trong đó có các công ty của Trung Quốc. Vì những hành động đó trái với luật pháp Việt Nam, đi ngược lại chủ trương đại nghĩa và đại đoàn kết của Đảng và Nhà nước ta.
 
Thiết nghĩ, trong thời đại toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày nay, Trung Quốc không thể phớt lờ dư luận quốc tế và sẽ phải tôn trọng chủ quyền chính đáng của Việt Nam đã được luật pháp quốc tế công nhận.

Nguồn: cand.com.vn

Các tin khác