(Congannghean.vn)-Xã Trung Thành có nhiều di sản văn hóa cổ quý hiếm được xây dựng cách đây hàng trăm năm. Tuy nhiên, trải qua một thời gian dài, đã có nhiều di tích cổ bị xuống cấp và có di sản đang bị chính con người hủy hoại. Nếu các cơ quan chức năng không có các biện pháp kịp thời ngăn chặn, có thể chỉ trong một thời gian ngắn, quần thể các di sản văn hóa cổ quý giá tại đây sẽ bị hư hỏng, khó phục hồi, tôn tạo.
Về văn hóa tâm linh, xã Trung Thành được các bậc cha ông xây dựng một quần thể đình, đền, chùa mang dấu ấn di tích lịch sử chống ngoại xâm. Bên cạnh đó, còn có các hang động cổ rất quý hiếm với phong cảnh nên thơ, hữu tình, mang vẻ đẹp đất nước con người xứ Nghệ. Trải qua thời gian, những di sản cổ quý giá này đang dần xuống cấp, có thể trở thành phế tích, tuy đã được người dân tự giác góp công, của để tôn tạo, nhưng do khó khăn về tài chính nên chưa tu bổ được bền vững như mong muốn.
Theo người dân kể lại thì tại vùng núi cao phía Tây của xã, có hang ông Tác Bảy, đây là căn cứ của những nghĩa quân ông Tác Bảy đánh giặc Pháp. Hang này dùng để cất dấu quân trang, vũ khí, lương thực và là nơi trú ẩn của hàng trăm binh sĩ yêu nước. Tuy nhiên, cách đây chưa lâu bị một nhóm người dùng mìn phá hang lấy đá xây dựng. Xã Trung Thành còn có hang Chiêng Trống cổ xưa phong cảnh hữu tình. Hàng năm, nhiều người dân và khách du lịch mọi miền trong cả nước thường tới đây vãn cảnh. Trèo lên đỉnh hang Chiêng Trống, nhìn xuống thấy hiện ra một giếng nước xanh biếc như ngọc trai.
Chỉ cần cầm một hòn sỏi nhỏ ném rất nhẹ xuống giếng, tức thì có tiếng vang ngân lên thánh thót như tiếng cồng chiêng xa xăm trong cõi hư vô, có lúc nghe như tiếng nhạc, tiếng đàn hạc vang dịu như một dàn hợp xướng êm đềm làm du khách không muốn rời hang. Theo nhiều người dân sinh sống tại đây cho biết, cách đây 6, 7 năm, có một số người ngang nhiên phá kỳ quan này để lấy đá xây dựng. Nhiều người dân rất nuối tiếc khi một di sản văn hóa bị chính con người xóa sổ không thương tiếc. Hiện nay, nơi này trở thành nơi hoang phế.
Chiếc cầu đá cổ được xây dựng cách đây hàng trăm năm tại xã Trung Thành |
Hoặc tại địa phận giáp ranh của xã Trung Thành và xã Nam Thành, có chiếc cầu đá cổ bắc qua đầm nước Voi đằm. Chiếc cầu đá này do các nghệ nhân cổ xưa ghép hoàn toàn bằng các phiến đá được chế tác khá công phu. Cầu có chiều dài gần 30 m, chiều rộng khoảng 1,5 m, có 17 trụ cầu được kiến trúc theo lối cầu vồng chịu lực với 40 tấm đá lớn. Mỗi tấm đá hình chữ nhật chiều dài khoảng 1,7 m, chiều rộng khoảng 0,9 m. Chiếc cầu đá này nối xóm 5, xã Trung Thành đi qua phía bắc xã Nam Thành. Cầu được xây dựng đã hàng trăm năm nhưng đến nay vẫn còn nguyên vẹn và chịu lực trọng tải khá tốt.
Chiếc cầu cổ này là niềm tự hào của người dân trong vùng. Đây là cây cầu huyết mạch nằm trên dòng thủy mạch địa linh, như là con đường đá trên mặt nước cho người dân qua lại sản xuất, buôn bán thương mại. Ở ngay phía bắc của cầu thuộc địa phận xã Trung Thành hiện còn nguyên giá trị một tấm bia đá 4 mặt, được khắc chữ Hán, thuộc thời nhà Nguyễn, để ghi công những người đóng góp xây dựng cầu. Thế nhưng, phía nam cầu, một số người đã đổ đất trên con đường nối với chiếc cầu cao hơn mặt cầu tới 1,5 m. Việc làm này khiến cầu bị xuống cấp và có thể hư hỏng nghiêm trọng. Các cơ quan chức năng cần có các biện pháp ngăn chặn và kế hoạch trùng tu, bảo vệ chiếc cầu đá cổ này.
Xã Trung Thành còn có một quần thể 7 đền chùa, đình làng. Mỗi đền, chùa là một công trình với lối kiến trúc cổ độc đáo. Theo các vị cao niên tại xã Trung Thành cho biết thì đây là hệ thống chùa chiền kiến trúc theo văn hóa cổ, đã có hàng trăm năm nay, gồm các đền thờ: Bạch Lang Công Chúa từ thời Lê; đền Bà Chúa. Theo truyền thuyết thì vị thần ở đền Bà Chúa chuyên cứu nhân độ thế bằng các vị thuốc lá mọc quanh chùa, để chữa các bệnh hiểm nghèo. Tiếp đến là đền Ông, đền Chính Sứ và chùa Phúc, ngôi chùa được xây dựng đầu thế kỷ 20 để thờ Phật. Bên cạnh chùa Phúc, có đền thờ Đức Thành hoàng. Quần thể đền, chùa cổ tại xã Trung Thành là nét đẹp kiến trúc cổ xưa, nơi người dân giao lưu văn hóa tâm linh nhớ về cội nguồn trong các dịp lễ, ngày Tết cổ truyền của dân tộc.
Trải qua năm tháng cùng những thăng trầm của lịch sử, hệ thống đền, chùa, đình làng ở xã Trung Thành đang ngày bị xuống cấp. Mong rằng, các cấp, các ngành chức năng cần sớm có kế hoạch bảo tồn, tôn tạo các quần thể di sản, di tích văn hóa cổ quý hiếm này của dân tộc.