Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201405/ngu-dan-mien-trung-quyet-tam-bam-bien-bao-ve-ngu-truong-482815/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201405/ngu-dan-mien-trung-quyet-tam-bam-bien-bao-ve-ngu-truong-482815/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Ngư dân miền Trung quyết tâm bám biển bảo vệ ngư trường - Báo Công An Nghệ An điện tử
Chủ Nhật, 11/05/2014, 15:49 [GMT+7]

Ngư dân miền Trung quyết tâm bám biển bảo vệ ngư trường

Mặc dù Trung Quốc đã có những hành động ngang ngược, quấy phá trên khu vực lãnh hải thuộc địa phận của Việt Nam, song những ngày qua, hàng nghìn ngư dân trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế vẫn bám biển, vươn khơi xa; để cùng ngư dân cả nước bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc…
 
Dọc các xã biển thuộc huyện Phú Vang (Thừa Thiên - Huế), dù ở cảng cá, hay các quán xá ven đường, đâu đâu cũng thấy bà con ngư dân xôn xao bàn tán và phẫn nộ trước hành động ngang ngược của Trung Quốc khi đơn phương đặt giàn khoan Haiyang Shiyou-981 (Hải Dương-981) trên vùng biển thuộc lãnh hải của Việt Nam.
 
Hơn 9h sáng 10/5, chúng tôi tìm về cảng cá Thừa Thiên - Huế (thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang), nhưng hoạt động buôn bán và thu mua cá của bà con ngư dân với các chủ thuyền vừa cập cảng vẫn còn tấp nập. Khuôn mặt phờ phạc sau mấy đêm thức trắng với vầng trán lấm tấm mồ hôi, ngư dân Lê Phức (37 tuổi, trú thôn Tân Lập, thị trấn Thuận An), chủ tàu cá mang số hiệu TTH-91030 có công suất 500CV vẫn cố gắng chia sẻ: “So với các mùa trong năm thì tháng 5 là tháng đi biển thuận lợi nhất khi có nguồn hải sản dồi dào. Tuy nhiên, trong những ngày qua có nhiều tàu của Trung Quốc vào vùng đặc quyền kinh tế của nước ta, dùng vòi rồng để tấn công và uy hiếp tàu cá ngư dân khiến hoạt động đánh bắt khó khăn vô cùng. Để có thể bám ngư trường và không bị tàu Trung Quốc truy đuổi, không ít tàu cá phải chạy vòng qua khu vực giàn khoan Hải Dương-981...”.
 
Ngư dân ở thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế, tất bật chuẩn bị cho chuyến ra khơi mới
Ngư dân ở thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế, tất bật chuẩn bị cho chuyến ra khơi mới
Kéo chúng tôi lên chiếc tàu cá vừa cập cảng tiếp thêm nhiên liệu để sẵn sàng cho chuyến ra khơi mới, lão ngư Trần Văn Minh (trú thôn Tân Bình, thị trấn Thuận An) cũng chia sẻ nỗi lòng: “Gia đình tui làm nghề đi biển đã suốt 3 đời nay. Sau nhiều năm dành dụm, đầu năm 2013, vợ chồng tui quyết định vay vốn ngân hàng thêm nửa tỷ đồng để đóng mới tàu cá công suất 400CV này. Rứa mà giờ nghe Trung Quốc đem cả giàn khoan và nhiều tàu quân sự, tàu hải tuần qua vùng biển mình để đe dọa, uy hiếp... không cho ngư dân đánh bắt hải sản trên ngư trường truyền thống của mình thì tui và bà con ngư dân ở đây bức xúc lắm. Để tỏ rõ quyết tâm và đoàn kết bám biển giữ gìn lãnh hải, anh em chúng tôi đã cắm trên tàu của mình những lá cờ đảo sao vàng mới tinh để thể hiện những cột mốc chủ quyền mỗi khi ra biển lớn”.
 
Lại ngược về các xã Phú Thuận và Phú Hải (huyện Phú Vang), chúng tôi còn bắt gặp nhiều ngư dân đang tất tưởi chuẩn bị ngư lưới cụ và các nhu yếu phẩm như gạo, mì tôm, lương khô, nước lọc... cho một chuyến đi biển mới. Đang loay hoay kiểm tra lại chiếc Icom lần cuối, cũng là phương tiện duy nhất để ngư dân liên lạc vào đất liền mỗi khi gặp sự cố, lão ngư Nguyễn Thanh Ngơi (60 tuổi), tổ trưởng tổ tàu đoàn kết số 10 xã Phú Thuận không thể giấu hết bức xúc và lo lắng trước thông tin Trung Quốc đặt giàn khoan và có nhiều hành động cản trở các tàu cá của ngư dân Việt Nam.
 
Một chuyến tàu đầy ắp tôm, cá vừa trở về từ vùng biển Hoàng Sa
Một chuyến tàu đầy ắp tôm, cá vừa trở về từ vùng biển Hoàng Sa
Ông Ngơi bày tỏ: “Nghe thông tin Trung Quốc càn quấy trên biển Đông, cản trở hoạt động đánh bắt của ngư dân Việt Nam mà chúng tôi bức xúc và phẫn nộ dữ lắm. Tuy nhiên, không phải vì thế mà ngư dân Thừa Thiên-Huế lại bỏ tàu, bỏ biển không dám ra khơi. Hôm qua, Chi hội nghề cá đã có cuộc họp nhanh và toàn thể hội viên đều nhất quyết đồng lòng ra khơi bám biển, bảo vệ ngư trường”.
 
Ông Nguyễn Văn Chường, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận còn cho biết, hiện trên địa bàn xã có khoảng 130 tàu cá đánh bắt gần và xa bờ thuộc 10 tổ tàu đoàn kết của xã. “Trước những thông tin căng thẳng trên vùng biển Đông, những ngày qua, chính quyền địa phương đã kêu gọi bà con ngư dân đoàn kết và nỗ lực bám biển để bảo vệ ngư trường...”. Ông Phan Minh Thắng, Chủ tịch UBND xã Phú Hải cũng thông tin rằng, hiện có gần 100 tàu cá của ngư dân địa phương đã chuẩn bị sẵn sàng cho chuyến ra khơi vào ngày 11/5.
 
Theo ông Nguyễn Văn Khuyến, cán bộ thủy sản Phòng NN&PTNT huyện Phú Vang, trong những ngày qua, ngư dân ở các xã vùng biển thuộc địa bàn huyện đã quyết tâm ra khơi và thu lợi lớn từ “lộc biển” dù hoạt động đánh bắt, khai thác có khó khăn hơn trước do bị tàu cá Trung Quốc quấy phá. “Tính từ đầu năm đến nay, sản lượng hải sản do ngư dân của huyện đánh bắt ước tính đạt 4.500 tấn, tăng rất nhiều lần so với cùng kỳ năm ngoái. Mặt khác, nhờ tôm, cá, mực... được giá nên sau nhiều chuyến biển, nhiều ngư dân đã tiến hành cải hoán hoặc đóng mới tàu cá công suất lớn. Đây là tín hiệu lạc quan khi việc bám biển, giữ gìn ngư trường của ngư dân Miền Trung đang gặp phải nhiều khó khăn, thử thách”, ông Khuyến bày tỏ.
 
Trong tiếng gió biển rì rào với những ngọn sóng đầu bạc thi nhau vỗ bờ liên hồi, tôi lại nghe đâu đó những giọng nói của bà con ngư dân Phú Thuận, Phú Hải thể hiện hào khí và quyết tâm bám biển không sờn lòng. Với những ngư dân can trường như anh Phức, ông Ngơi, ông Minh và hàng trăm ngư dân trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế thì không gì có thể ngăn cản việc họ vươn khơi xa và sẵn sàng đoàn kết, đồng lòng cùng ngư dân các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên... giữ gìn ngư trường để bảo vệ vững chắc lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc.
.

Nguồn: cand.com.vn