Gia đình xã hội
Xôn xao vụ một hiệu phó tự tuyên bố... vỡ nợ hàng tỉ đồng
08:25, 23/04/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Chuyện thật như bịa này vừa diễn ra tại Trường Tiểu học Tiến Thủy (Quỳnh Lưu, Nghệ An). Dù đã hơn một tháng trôi qua, nhưng sức nóng của vụ việc không hề giảm. Đơn thư tới tấp, thơ ca hò vè chế giễu được học sinh truyền miệng. Nhiều cặp vợ chồng giáo viên “cơm không lành, canh không ngọt” vì đi vay giúp "sếp" rồi mang vạ vào thân.
Vỡ nợ
Ngày 15/3/2014, tin cô Nguyễn Thị Vân - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tiến Thủy (huyện Quỳnh Lưu) tuyên bố vỡ nợ, không còn khả năng trả gốc và lãi lan truyền với tốc độ chóng mặt, làm rúng động dư luận vùng quê biển vốn lâu nay thanh bình, yên ả. Phụ huynh tá hỏa, giáo viên hoảng loạn. Mọi người không dám tin đó là sự thật. Cũng dễ hiểu thôi, bởi cô Vân (SN 1974) lâu nay được xem là người kiên trì phấn đấu. Mặc dù ra trường là trung cấp sư phạm nhưng cô đã theo học tại chức lên cao đẳng để được bổ nhiệm hiệu phó, sau đó tiếp tục theo học tại chức để mới đây nhận được bằng đại học. Cô chuyên lo việc quản lý, chồng là thợ chài, họ không phải chủ kinh doanh, gia đình không gặp đột biến, vậy cô vay tiền làm gì mà "vỡ" hàng tỉ đồng?
Sau khi thông báo mình "mất sạch" chỉ còn ngôi nhà đang ở, cô Vân bán luôn nhà cho một người bà con được 640 triệu đồng, trả Ngân hàng Công thương hết 150 triệu đồng. Rồi cô kê lên số nợ hơn 1,1 tỉ đồng gồm: Ông Hà (Linh) 250 triệu đồng, chị Nga (Bảy) 175 triệu đồng, cô Hương 200 triệu đồng, Dũng (Dương) 120 triệu đồng, cô Bình 120 triệu đồng, Hà (Thế) 100 triệu đồng, chị Hoa 50 triệu đồng, cô Lục 50 triệu đồng, Thủy (Tiến) 25 triệu đồng... chia ra mỗi người được trả 44%, ai muốn lấy thì phải nộp lại giấy vay nợ gốc. Các chủ nợ đành "ngậm bồ hòn" chấp nhận. Khi nhận tiền, các chủ nợ phát hiện số nợ cô Hương 200 triệu đồng và Dũng (Dương) 120 triệu đồng được kê khống để kéo tỉ lệ % xuống nên yêu cầu phải có mặt 2 người hoặc phải có giấy vay. Nhưng ông Dũng (anh con bác chồng) đại diện cô Vân, khất: Họ ở tận Quế Phong hôm sau sẽ về gặp.
Ngôi nhà của cô Vân đã bán để trả nợ |
Tuy nhiên, số nợ trên mới chỉ là “tảng băng nổi” trong số nợ của cô Vân. Một số giáo viên dưới quyền không dám ho he nhưng nay thấy "sếp" bán nhà không trả cho mình, vợ chồng lục đục phải cầu cứu hiệu trưởng. Điển hình như: Cô Hà 10 triệu đồng, cô Hoài 10 triệu đồng, cô Thủy 20 triệu đồng. Khốn khổ nhất là cô Nguyễn Hoa sống đơn thân, nể nên cho "sếp" Vân mượn sổ lương thế chấp ngân hàng vay 60 triệu đồng. Thấy “bở”, cô Vân tiếp tục mượn thêm 15 triệu đồng. Tiến xa hơn, cô Vân tiếp tục nhờ cô Hoa vay “nóng” người khác 65 triệu đồng, tổng cộng thành 140 triệu đồng nay không được trả đồng nào. Thậm chí có người như cô Lục, cô Bình là những giáo viên nghèo không có tiền nhưng sẵn sàng đứng ra dùng uy tín của mình vay tiền của người khác cho cô Vân như cô Bình 220 triệu đồng, cô Lục 50 triệu đồng, ơn đã không được lại còn bị chửi bới, thách thức: “Thích kiện cứ kiện, tôi theo đến cùng vì tôi đã trả hết nợ”.
Những khuất tất cần được làm rõ
Sau một thời gian dài "ốm" do bị vỡ nợ, ngày 16/4, cô Vân có mặt tại trường. Để làm rõ vụ việc, Hiệu trưởng, Bí thư Chi bộ nhà trường Đinh Văn Hải lập tức tổ chức cuộc họp bất thường có lãnh đạo, thanh tra, tổ chuyên môn nhà trường tham dự, đồng thời mời những người có liên quan đến. Cô Vân đã công nhận mình có nợ số tiền trên và xin lỗi cô Lục cùng bà Thắng Xoan vì mình đã nặng lời. Cô hứa sẽ dần dần trả số nợ trên. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là, khi cô Hoa được phân công làm thư ký định ghi biên bản thì bà hiệu phó kiên quyết không cho ghi?
Để có cái nhìn toàn diện, chúng tôi đã gặp và có cuộc trao đổi thẳng thắn với vợ chồng cô Vân. Khi được hỏi nguyên nhân vỡ nợ, họ trình bày: "Chồng làm ăn không được, vợ ốm đau". Còn cô Vân thì cho rằng: "Tôi đã trả hết nợ, giải quyết xong hậu quả. Anh em đồng nghiệp đồng cảm chia sẻ không thắc mắc gì”.
Một hiệu phó lợi dụng uy tín, cả ngày ngập đầu trong chuyện vay mượn nợ nần thì còn tâm trạng đâu để lo việc quản lý? Cô sẽ như thế nào khi đối diện với các em học sinh và cán bộ cấp dưới? Hơn một tháng trôi qua, nhưng không ai hiểu vì sao cô Vân "vỡ nợ". Trao đổi với chúng tôi chiều 19/4, thầy Hải cho biết: "Về phía nhà trường cũng chỉ biết kịp thời làm đúng chức trách của mình. Hiện, chúng tôi đã báo cáo vụ việc lên chính quyền địa phương và Phòng GD&ĐT huyện giải quyết".
Thay lời kết
Việc vay hàng tỉ đồng rồi tuyên bố "vỡ nợ" là không thể chấp nhận đối với một hiệu phó đang quản lý 47 cán bộ giáo viên dưới quyền và dẫn dắt 938 học sinh trong một trường chuẩn Quốc gia trên quê hương Tiến Thủy anh hùng và đất học Quỳnh Lưu. Hơn nữa, việc tuyên bố "vỡ nợ" ẩn chứa đầy những điều khuất tất. Đề nghị Đảng ủy xã Tiến Thủy, Phòng GD&ĐT huyện Quỳnh Lưu cần có những quyết định nghiêm khắc và báo cáo sự việc với cơ quan Cảnh sát điều tra.
Đình Lộc