Gia đình xã hội

Ùn ùn đi xem đất 'bỗng dưng'… nổi (!?)

09:27, 22/04/2014 (GMT+7)
Hai ngày qua, hàng ngàn người dân ở nhiều nơi đã ùn ùn đổ về ấp Phú Giao, xã Thạnh Quới, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) để xem… đất “bỗng dưng” nổi một cách bất thường giữa mặt ruộng.
 
Vừa chạy tới gần cầu Phú Giao, tại cơ sở sản xuất gạch ngói Hưng Phát, chúng tôi tấp xe vào lề đường thì có một thanh niên khoảng 30 tuổi chạy lại vồn vã: “Gửi xe vào xem đất nổi đi các chú ơi. Chuyện xưa nay chưa từng thấy ở địa phương. Từ đây vào đó khoảng 200 mét thôi”. Dù đã nghe nhưng chúng tôi vẫn ra vẻ ngạc nhiên: “Làm gì có chuyện đất bỗng dưng nổi, chắc mấy ông xe ôm lại bịa chuyện để câu khách thôi”. Tôi vừa dứt lời thì một phụ nữ trạc 50 tuổi chen vào: “Tin hay không là tùy các chú, nhưng tụi tôi ở đây thấy rõ ràng đất nổi lên giữa mặt ruộng mà. Lúc đầu nổi thấp, sau đó nổi lên cao khoảng 2 mét. Khi thấy đất nổi, chủ đất cho máy ủi san bằng thì đất lại chuyển sang nổi chỗ khác. Tụi tui không nói dóc các chú đâu”…
 
Anh Trần Văn Thành (người địa phương) cho biết: “Vào khoảng 15h ngày 19/4, một số người dân ở địa phương đi ra ruộng bỗng dưng phát hiện mặt ruộng của gia đình anh Quách Văn Lũy (44 tuổi, con trai ông Út Tịch-chủ lò gạch) tự nhiên nhô cao mà không có sự tác động nào của con người hay phương tiện máy móc. Ban đầu đất chỉ nổi khoảng nửa mét, sau đó nổi cao lên gần 2m. Thấy hiện tượng này, nhiều người “truyền” cho nhau nghe để đến xem. Một đồn mười, mười đồn trăm… khiến cho hàng ngàn người tò mò, hiếu kỳ ở địa phương và nhiều nơi khác bỏ công ăn việc làm kéo đến… xem đất nổi.
 
Ông Sơn Mết (50 tuổi, sống gần lò gạch Út Tịch) cho biết, phần đất mặt ruộng đột nhiên nhô cao bất thường là có thật. Bởi trước đó vào khoảng 15h ngày 19/4, khi đi ngang qua khu đất của gia đình ông Lũy, ông đã thấy nhô cao khoảng 0,5m, nhưng đến sáng 20/4, thì phần mặt ruộng chỗ nhô cao nhất lên đến 1,8m.
 
Thấy hiện tượng lạ, nhiều người dân cho rằng có Thần, Phật hiển linh nên đã mang nhang, đèn, trái cây… đến sì sụp cúng bái (!?). Có người mang cả chai nước đến “xin lộc” về nhà uống để cầu may. Có người lấy viên đất nhỏ khấn vái sau đó mang về nhà.
 
Theo quan sát của chúng tôi, nước được bà con lấy từ một cái ao đã cạn chỉ còn lại lớp bùn đen đặc quánh. Phía trên đó là đống đất cao ngất của cơ sở sản xuất gạch ngói Hưng Phát. Để lấy nước, nhiều người đào sâu xuống khoảng 40cm rồi múc nước đổ vào chai mang về.
 
Tại nơi được cho là đất nổi, chúng tôi thấy ngoài người lớn, còn có không ít trẻ em chừng trên dưới 1 tuổi cũng được cha mẹ đưa đến để xem đất nổi, bất chấp cái nắng như đổ lửa của mùa khô Nam bộ… Nhiều phụ nữ vừa cúng bái, vừa lấy tay xoa xoa nơi đất nứt thành vệt dài. Thậm chí, có người còn tần ngần trước một tảng đất to, một gốc tre đã khô với thái độ rất… thành kính.
 
Trao đổi với chúng tôi ngay nơi bà con cho là đất nổi, anh Quách Văn Lũy cho biết: Gia đình anh có một lò gạch hoạt động cách đây vài chục năm. Trước đây, gia đình đào lấy đất làm gạch ở khu ruộng phía sau gần lò gạch khiến cho nơi lấy đất sâu khoảng 2m và dùng chỗ lấy đất làm ao nuôi cá, diện tích khoảng 5.000m2. Cách đây 2 năm, do nuôi cá không hiệu quả và để có chỗ tập kết đất sản xuất gạch, gia đình anh đã mua đất ở nơi khác về đổ vào ao cá. Mỗi năm đổ một vài đợt, cứ thế đất ngày càng cao như quả đồi. Có thể do lượng đất đổ vào quá nhiều (hàng trăm mét khối), lại chất thành đống cao hàng chục mét trong khi đó, nền đất vốn là ao sâu nên không vững khiến cho đáy ao bị lún xuống, bùn đùn lên ở phía dưới chân đống đất nên từ đó bà con đồn với nhau đất bỗng dưng nổi và ùn ùn kéo đến xem và cúng bái.
 
Trước dư luận xôn xao, có thể gây mất ANTT ở địa phương, gia đình anh Lũy đã cho phương tiện san ủi phần đất nhô cao xuống thấp để tránh sự tò mò của người dân. Anh Lũy nói: “Mấy ngày nay, gia đình chúng tôi rất khổ sở vì tin đồn đất bỗng nhiên nổi này.
 
Mỗi ngày có mấy trăm người kéo nhau đến xem và mang nhang, đèn, trái cây đến cúng bái khiến cho công việc của mình bị ảnh hưởng. Chúng tôi mong cơ quan chức năng và báo chí giải thích giúp để bà con hiểu đúng vấn đề, tránh bị kẻ xấu đồn thổi vừa bỏ bê công ăn việc làm, vừa tốn kém tiền bạc nữa”. Để đảm bảo ANTT, xã Thạnh Quới đã cử Công an xã có mặt tại hiện trường trong những ngày vừa qua. Đồng chí Lê Quốc Khải, Phó trưởng Công an xã Thạnh Quới cho biết: “Hiện tượng sụt lún đất bình thường, không ngờ bà con lại đồn đại và đẩy thành chuyện tâm linh. Hàng ngày có hàng trăm người đổ về khiến cho công tác giữ gìn ANTT của địa phương có phần căng hơn. Chúng tôi cũng khuyến cáo bà con không nên mê tín mà ảnh hưởng tới sinh hoạt, cuộc sống và công việc”.
 
Chiều 21/4 trao đổi với chúng tôi, ông Lê Hồng Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Quới, nhấn mạnh: “Đây chỉ là hiện tượng bình thường, do lò gạch của gia đình anh Lũy dự trữ đất quá nhiều và chất thành đống quá cao trên nền đất là ao cũ nên dẫn đến tình trạng đất bị chài, sạt xuống thấp. Còn phần gò trên cao bị nứt dài là do nắng nóng và đất khô nên nứt nẻ và người dân không nhìn thấy mới đồn thổi là mặt ruộng nhô cao gây xôn xao dư luận. Chúng tôi mong bà con mình đừng vì những chuyện như vậy mà bỏ bê công ăn việc làm, gây tốn kém, ảnh hưởng đến sức khỏe”.
 
Người dân thắp nhang khấn vái đống đất
Người dân thắp nhang khấn vái đống đất
 
Vị trí được cho là đất nổi
Vị trí được cho là đất nổi
 
Một cặp vợ chồng đang thắp nhang khấn vái
Một cặp vợ chồng đang thắp nhang khấn vái
 
Công an xã Thạnh Quới có mặt tại hiện trường để giữ gìn ANTT
Công an xã Thạnh Quới có mặt tại hiện trường để giữ gìn ANTT
Nhiều người bỏ công ăn việc làm đi coi “đất nổi”
Nhiều người bỏ công ăn việc làm đi coi “đất nổi”

 

Nguồn: CAND

Các tin khác