Gia đình xã hội
Tiêm phòng mới khống chế được dịch sởi
16:04, 19/04/2014 (GMT+7)
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định như vậy trong buổi họp báo về tình hình dịch sởi diễn ra chiều 18/4 tại Hà Nội.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định, không có thuốc nào đặc trị được bệnh sởi, tiêm phòng là biện pháp duy nhất để phòng tránh lây nhiễm bệnh sởi. Các bà mẹ, phụ huynh nên đưa con em đi tiêm chủng sởi đầy đủ, đúng lịch, có như thế mới khống chế được dịch sởi đang lây lan trong cộng đồng. Người dân cũng không nên hoang, lo lắng khi trẻ có dấu hiệu mắc bệnh mà nên đưa trẻ đến cơ sở gần nhất khám và điều trị kịp thời, hạn chế đưa trẻ lên các bệnh viện tuyến trên nhằm tránh lây nhiễm sởi trong bệnh viện.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, dịch sởi năm nay xảy ra ở hầu hết tất cả các nước trong khu vực, kể cả những nước đã công bố loại trừ bệnh sởi như Mỹ. Việt Nam nằm trong bối cảnh chung toàn cầu. Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính, dễ lây. Khi tiếp xúc có đến 90% có khả năng lây nhiễm. Thế nhưng, một trong nguyên nhân gây tử vong là viêm phổi. Trên thế giới 1 năm có 1 triệu trẻ em tử vong do viêm phổi. Ở Việt Nam, khi thời tiết vào mùa đông xuân miền Bắc là mùa dịch chồng dịch, virus trùng virus nên gây tử vong cao hơn.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, việc không công bố không có nghĩa là không có dịch. Ở nước ta, khi đã công bố dịch đối với tỉnh, thành phố đã vượt quá tầm kiểm soát, virus biến đổi mang tính độc lực cao, tức mức độ cao hơn thông báo (ở các nước khác), khi đó, cần thiết cần áp dụng hành chính cao hơn như hạn chế hội họp, giao thông, đóng cửa trường học, cưỡng chế cách ly… Theo tình hình hiện nay, theo đúng tiêu chí của Tổ chức Y tế Thế giới, Bộ Y tế đã thông báo nước ta đã và đang có dịch sởi.
Chỉ có tiêm phòng mới khống chế được dịch sởi - Ảnh minh họa |
Hiện nay, Bộ Y tế đang triển khai rất quyết liệt các biện pháp để kịp thời phòng, chống dịch bệnh sởi. Theo đó, từ tháng 1-2013, khi chỉ có 4 tỉnh, thành phố có dấu hiệu mắc sởi, Bộ Y tế đã chỉ đạo tổ chức tiêm vét và tiêm tại ổ dịch đồng loạt cho trẻ tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước với số lượng khoảng 710.000 trẻ. Đồng thời, Bộ Y tế đã thành lập 5 đoàn kiểm tra công tác triển khai kế hoạch tiêm vắc-xin phòng chống dịch sởi. Đặc biệt, Bộ Y tế sẽ xuất cấp tất cả máy dự trữ quốc gia để phục vụ phòng, chống dịch. Tính đến thời điểm này, tổng số 42 máy thở đã được cấp để phục vụ công tác điều trị được tốt hơn.
Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tăng cường rà soát quy trình khám và điều trị bệnh, sàng lọc và phân loại bệnh nghi sởi để có phương án điều trị hiệu quả, kiểm soát phòng chống lây nhiễm chéo đối với bệnh nhi đang điều trị trong bệnh viện, phân tuyến điều trị phù hợp. Đồng thời, pháp đồ điều trị sởi sẽ được rà soát nhằm giảm thiểu tử vong ở trẻ; bổ sung máy thở, cung ứng đầy đủ phương tiện và thuốc, bảo đảm dinh dưỡng cho trẻ điều trị tại bệnh viện, đặc biệt là những trẻ khó ăn uống nhằm nâng cao thể trạng cho các bệnh nhi.
Về con số 25 trẻ tử vong, ông Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, giải thích rằng, đây là số trẻ em tử vong chắc chắn do bệnh sởi; 83 trường hợp khác tử vong do các nguyên nhân liên quan đến sởi như bội nhiễm tác nhân vi sinh vật kháng thuốc và tử vong do di chứng của bệnh sởi.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, trong giai đoạn 2000-2012, nhờ có vắc-xin đã cứu sống cho 13,8 triệu trẻ em trên toàn thế giới. Tuy nhiên, sởi vẫn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em. Mỗi giờ trôi qua, có 14 trẻ tử vong do sởi trên toàn cầu.
Tại Việt Nam, từ đầu năm 2014 đến ngày 18-4-2014, đã ghi nhận 3.256 trường hợp mắc sởi trên 8.779 người bị phát ban nghi mắc bệnh sởi. Phần lớn số mắc là trẻ em dưới 10 tuổi, trong đó, 87% ca mắc sởi không được tiêm chủng hoặc không rõ tình trạng tiêm chủng vắc-xin sởi.
Theo chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới và báo cáo của các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur, hiện nay, các chủng virus gây bệnh sởi gây bệnh tại Việt Nam chưa có sự biến đổi về gen cũng như độc lực của virus sởi. Đến nay đã ghi nhận 25 trường hợp tử vong xác định do sởi trong số 112 trường hợp tử vong có liên quan đến bệnh sởi. Số tử vong ghi nhận chủ yếu ở các tỉnh miền Bắc, trong đó, 50% số trẻ tử vong tại Hà Nội.
|
Nguồn: QĐND