Gia đình xã hội

Lập 5 đoàn kiểm tra công tác điều trị bệnh sởi

09:38, 19/04/2014 (GMT+7)
Ngày 18/4, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 1302/QĐ-BYT về việc thành lập Đoàn kiểm tra Công tác điều trị và phòng, chống dịch bệnh sởi tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
 
Theo Quyết định của Bộ Y tế, thành lâp 05 đoàn kiểm tra công tác điều trị và phòng chống dịch bệnh sởi tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh để khắc phục tình trạng quá tải bệnh viện, giảm tử vong và giảm số ca mắc bệnh sởi, tăng cường công tác tuyền thông. 
 
5 đoàn công tác sẽ do 5 Thứ trưởng Bộ Y tế phụ trách có nhiệm vụ kiểm tra, đánh giá toàn diện công tác điều trị và phòng chống dịch bệnh sởi tại 2 địa phương nói trên.
 
Nội dung kiểm tra cụ thể như sau: Về công tác điều trị bệnh sởi: kiểm tra tình trạng nhập viện của bệnh nhân mắc sởi mới; Công tác phát hiện, sàng lọc và cách ly bệnh nhân bị sởi; Công tác phòng chống nhiễm khuẩn tại các khoa phòng; Phác đồ điều trị bệnh sởi tại các bệnh viện; Thực hiện quyết định 1313/QĐ-BYT về việc ban hành hướng dẫn quy trình khám bệnh tại khoa khám của bệnh viện; Công tác truyền thông phòng lây nhiễm chéo trong các bệnh viện. Về công tác phòng, chống dịch sởi: Rà soát số mắc và chết của địa phương theo địa lý, tuổi, giới; Số liệu triển khai kế hoạch tiêm vét vắc xin sởi theo từng quận, huyện; Quy trình tiêm chủng theo quy định của Bộ Y tế; Tình hình giám sát, phát hiện sớm và xử lý ổ dịch tại cộng đồng; Công tác truyền thông để đảm bảo các bà mẹ đưa con đi tiêm chủng phòng sởi đầy đủ, đúng lịch.
 
Theo yêu cầu của Bộ trưởng, các đoàn phải tiến hành kiểm tra trước ngày 23/4.
 
Điều trị cho bệnh nhân sởi tại Bệnh viện Nhi Trung ương
Điều trị cho bệnh nhân sởi tại Bệnh viện Nhi Trung ương
 
Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã ký Công văn hoả tốc số 2035/BYT-DP gửi Chủ tịch UBND 12 tỉnh thành phố đề nghị triển khai các biện pháp quyết liệt khống chế dịch sởi.
 
Để kiểm soát bệnh sởi trong thời gian sớm nhất, Bộ Y tế đề nghị 12 tỉnh, thành bao gồm: Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Đồng Nai, Bình Dương, Thái Bình, An Giang, Vĩnh Long giám sát chặt chẽ tình hình bệnh sởi tại cộng đồng và các cơ sở y tế phát hiện sớm, tổ chức cách ly các trường hợp mắc bệnh, xác định các khu vực có nguy cơ lây nhiễm sởi, đối tượng có nguy cơ cao để thực hiện khoanh vùng dịch và xử lý triệt để ổ dịch. Thực hiện báo cáo hàng ngày tình hình dịch bệnh sởi về Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng) để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
 
Tổ chức phân tuyến điều trị tại các bệnh viện, tập trung các nguồn lực phục vụ thu dung, điều trị bệnh nhân, không để tình trạng chuyển tuyến bệnh nhân trong khả năng điều trị để tránh lây nhiễm bệnh sởi và các bệnh đường hô hấp.
 
Thiết lập khu vực riêng khám, điều trị bệnh sởi, có biển cánh báo và phân luồng khám chữa bệnh, thực hiện khám sàng lọc, phân loại bệnh nhân, khử khuẩn buồng bệnh và thường xuyên hướng dẫn người chăm sóc trẻ thực hiện các biện pháp phòng bệnh để hạn chế lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Riêng TP. Hà Nội tổ chức tốt việc thu dung, điều trị bệnh nhân tại các bệnh viện vệ tinh điều trị sởi để giảm quá tải cho bệnh viện tuyến Trung ương.
 
Khẩn trương rà soát thuốc, trang thiết bị, vật tư, hóa chất phục vụ công tác phòng chống dịch sởi, dự trù kinh phí trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để đáp ứng kịp thời cho công tác phòng chống dịch.
 
Bộ Y tế đề nghị các đơn vị thực hiện quyết liệt chiến dịch tiêm vắc xin sởi và tiêm vét vắc xin sởi theo Quyết định số 601/QĐ-BYT ngày 20/2/2014 của Bộ Y tế, đảm bảo trên 95% số trẻ em trong đối tượng được tiêm vắc xin sởi và đảm bảo an toàn tiêm chủng theo quy định, hoàn thành trong tháng 4/2014. Huy động sự tham gia của các ban ngành, các tổ chức chính trị, xã hội vào công tác tuyên truyền, động viên các gia đình có con nhỏ trong độ tuổi tiêm chủng đến các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn để được tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi để phòng chống bệnh sởi.
 
Khi chưa đủ điều kiện công bố dịch theo Quyết định số 64/2010/QĐ-TTg ngày 25/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ về điều kiện công bố dịch, công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm, các địa phương tiến hành việc cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh một cách chính xác. Tổ chức tuyên truyền đưa trẻ đi tiêm vắc xin sởi, và thực hiện các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
 
Đẩy mạnh truyền thông vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh, đưa trẻ đi tiêm vắc xin sởi theo khuyến cáo của Bộ Y tế…
 
Bố trí cấp bổ sung kinh phí phục vụ công tác phòng chống dịch sởi, thực hiện tốt các chế độ, chính sách cho cán bộ y tế tham gia công tác phòng chống dịch sởi theo Quyết định số 73/QĐ-TTg ngày 28/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập và chế độ phụ cấp chống dịch, Thông tư số 10/2014/TTLT-BYT-BNV-BTC-BLĐTBXH ngày 26/02/2014 liên tịch Bộ Y tế, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều của Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các quy định khác.
 
Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến ngày 18/4/2014, cả nước ghi nhận 3.256 trường hợp mắc sởi trên 8.779 người bị sốt phát ban nghi mắc bệnh sởi tại 61/63 tỉnh thành phố. Số mắc tập trung chủ yếu ở trẻ em chưa được tiêm vắc xin phòng sởi. Đã ghi nhận 25 ca tử vong do sởi đã xác định trên 112 trường hợp tử vong liên quan đến bệnh sởi.
 
Nguyên nhân chính do thời tiết đông - xuân trẻ mắc bệnh sởi kết hợp các bệnh đường hô hấp khác, đồng thời các bà mẹ đã đưa trẻ đến khám chữa bệnh vượt tuyến tại các bệnh viện tuyến Trung ương gây hiện tượng quá tải cục bộ và sự nhiễm khuẩn chéo.

Nguồn: ĐCS

Các tin khác