Gia đình xã hội
Nghị lực của người đàn bà mù 37 năm nuôi con tàn tật
(Congannghean.vn)- “Nhiều lúc nhìn cảnh đời bất hạnh của mình, của con cái, tôi chỉ muốn chết đi cho lòng được thanh thản. Nhưng rồi nhìn con nằm đó, tôi lại sợ. Sợ một ngày nào đó nằm xuống vì không đứng vững được nữa thì các con tôi sẽ sống như thế nào”, lấy tay gạt vội những dòng nước mắt, bà Hồ Thị Vân (65 tuổi) trú tại xóm 12, xã Quỳnh Thạch, huyện Quỳnh Lưu trải lòng.
Về xóm 12, xã Quỳnh Thạch, qua một con kênh nhỏ hẹp, ngoằn ngoèo, hỏi thăm mãi mới đến được nhà của bà Hồ Thị Vân - người đàn bà mù đang sống cùng con trai tàn tật. Trong ngôi nhà hai gian cũ nát, nằm xiêu vẹo bên mảnh vườn đã bị bỏ hoang từ lâu, chỉ nhìn thấy một bộ bàn ghế cũ kỹ, chiếc tivi đen trắng đặt đối diện với chiếc giường nhỏ. Nhìn lên là chiếc bàn thờ đặt di ảnh của người cha tàn tật đã mất cách đây hơn 10 năm. Nằm trên chiếc giường nhỏ là anh Nguyễn Bá Cường (SN 1978), con trai của bà Vân.
Trông anh giống như một đứa trẻ 10 tháng tuổi. Anh chỉ nặng khoảng 9 kg, chân tay đều bị teo dúm lại, chỉ còn trơ lớp da mỏng, sần sùi bọc lấy lớp xương nhỏ xíu. Anh bị liệt nửa người, mọi hoạt động đều nhờ cả vào đôi bàn tay yếu ớt và cái đầu cử động một cách khó khăn. Chỉ có khuôn mặt là già đi theo năm tháng. Nhìn anh, chúng tôi không khỏi xót xa vì không nghĩ, anh đã sống như vậy suốt 37 năm. 37 năm qua, anh Cường sống trong hình hài của một đứa trẻ, chỉ biết nằm yên một chỗ, mọi sinh hoạt hàng ngày từ tắm rửa đến ăn uống đều phải nhờ vào đôi bàn tay yếu ớt của người mẹ.
Ngồi bên cạnh anh Cường là một người phụ nữ già nua, ốm yếu, đôi mắt thâm quầng, nước da đen sạm vì dãi dầu mưa nắng. Nhìn qua, ai cũng đoán được đó là bà Hồ Thị Vân - người đàn bà bất hạnh. Khi hỏi đến chuyện buồn, mắt bà đẫm lệ. Bà Vân bắt đầu kể, nỗi đau như vừa mới xảy ra ngày hôm qua.
Bà Vân bên người con tật nguyền |
Sau thời gian tham gia quân ngũ, bà Vân phục viên trở về địa phương và lập gia đình với ông Nguyễn Bá Lượng - một người đàn ông bị tàn tật ở địa phương. Rồi ba người con trai lần lượt chào đời. Niềm vui chưa trọn thì nỗi đau ập đến. Trong ba người con của bà, chẳng đứa nào được khỏe mạnh bình thường cả. Đứa không tàn tật thì cũng ốm đau. Anh Cường là con thứ hai trong gia đình.
Ngoài anh Cường, người con đầu của bà Vân là anh Nguyễn Bá Hùng (SN 1974) cũng bất hạnh không kém. Mặc dù chân tay lành lặn, đi lại được nhưng anh lại gầy yếu. Cuộc đời anh là chuỗi ngày dài với những bước đi nặng nề. Đi được vài bước, anh phải đứng lại thở dốc, cố gắng lấy sức để đi tiếp. Có lẽ trong ba anh em, người may mắn nhất là người con út Nguyễn Bá Phương (SN 1985).
Dù may mắn hơn hai người anh nhưng anh Phương cũng không được khỏe mạnh như những người bình thường khác. Số phận bất hạnh của những con người trong gia đình đã làm cho cuộc sống khó khăn lại càng cùng quẫn. Hơn 10 năm về trước, người chồng tàn tật, đau ốm liên miên đã bỏ lại 4 mẹ con bà Vân mà ra đi. Sau khi chồng mất, bà Vân một mình gồng gánh cuộc sống nuôi ba người con tật nguyền, đau yếu.
Được biết, gia đình bà Hồ Thị Vân vốn là một trong những hộ nghèo nhất xã. Hiện tại, nguồn thu nhập của hai mẹ con phụ thuộc vào hai sào ruộng công và số tiền trợ cấp chế độ 202 của anh Cường. Để có tiền trang trải cuộc sống, cơm cháo hàng ngày cho con, bà Vân phải lặn lội đi làm thuê cho nhà người ta, ai thuê cấy, thuê gặt hay cuốc đất ở đâu, bà cũng cố gắng làm. Sau nhiều ngày vất vả, bà như yếu sức, đôi mắt bà cũng trở nên mờ dần.
Nhắc đến cuộc sống hiện tại, khuôn mặt bà như vui hơn. Anh Nguyễn Bá Hùng may mắn gặp được một người phụ nữ lỡ thì, hơn anh 6 tuổi, đồng cảm, chấp nhận cùng anh nên nghĩa vợ chồng. Ngày chúng tôi đến, anh Hùng đang cùng Hội người tàn tật đi bán tăm, đũa ở các tỉnh miền Trung. Còn người con út là Nguyễn Bá Phương cũng đã có vợ, có con và đang thuê nhà sống gần đó. Sau khi lo cho hai người con có gia đình, bà Vân như đỡ đi một phần gánh nặng. Hiện tại, bà đang sống cùng anh Nguyễn Bá Cường để hàng ngày chăm sóc cho anh - một công việc rất đỗi quen thuộc với bà suốt 37 năm qua.
Đoàn Hoàng