Gia đình xã hội
Trách nhiệm vì sự an toàn thực phẩm thức ăn đường phố
15:31, 14/04/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Với những đặc tính nhanh chóng, tiện lợi, giá cả phải chăng, từ lâu nay, thức ăn đường phố là một nhu cầu của người dân đô thị và các địa phương có nhịp độ kinh tế phát triển. Sự phát triển các loại hình thức ăn đường phố là một nhu cầu tất yếu của xã hội, đem lại nhiều thuận tiện cho người tiêu dùng và đã trở thành văn hóa ẩm thực của mỗi vùng miền. Tuy nhiên, bên cạnh sự thuận tiện này là những mối nguy hại đến sức khỏe, tính mạng khách hàng, thậm chí là đối với cả cộng đồng, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm của các cấp, các ngành và chính mỗi người dân.
Thức ăn đường phố: Tiện ít, hại nhiều!
Thức ăn đường phố, thức ăn vỉa hè hay ở các lề đường là các loại đã được chế biến sẵn, phục vụ tại chỗ theo yêu cầu của khách hàng, được bày bán trên vỉa hè, lề đường ở các đường phố, khu phố nơi tập trung đông người hoặc những điểm công cộng khác như ở các khu du lịch, công viên, siêu thị, điểm giải trí... Với nếp sống đô thị cùng những mặt tích cực của nó, những loại thức ăn này ngày càng trở nên phổ biến, bởi giá cả phải chăng, đa dạng về chủng loại, số lượng; đặc biệt là với đặc trưng cần đầu tư ít về vốn và các cơ sở, thiết bị cần thiết, lại tạo được nguồn thực phẩm đáng kể cho nhiều đối tượng lao động (nhất là phụ nữ, người lao động từ nông thôn ra thành thị).
Cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước, ở Nghệ An, thức ăn đường phố có mặt khắp mọi nơi, từ quán ăn bình dân bên đường, hiện diện từ những quầy hàng di động đến tận các hang cùng ngõ hẻm của đô thị mỗi khi có nhu cầu của khách hàng. Tại thành phố Vinh - trung tâm lớn của tỉnh, thức ăn trên đường phố có khắp nơi, từ quán ăn bên vỉa hè, đến xe đẩy bán hàng ăn di động, thậm chí với chiếc xe đạp, người bán hàng cũng có thể cung cấp cho khách hàng bất kể nơi đâu, dù đó là công trường xây dựng bụi mù mịt, hay trước các cổng trường, bên cạnh khu vệ sinh, gần nơi cống thoát hay rãnh nước thải công cộng, trong khi không được trang bị những dụng cụ phòng tránh nhiễm bệnh cho khách hàng.
Nhiều thực phẩm được bày bán trôi nổi trên các đường phố, tiềm ẩn mất ATVSTP |
Đó là chưa nói đến các mặt hàng được bày bán không có nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, giấy tờ hợp lệ, nguồn nguyên liệu không được lựa chọn kỹ, thậm chí sản phẩm ra thị trường bị hư hỏng, để từ ngày này qua ngày khác không được kiểm tra... Người bán hàng thường còn hạn chế kiến thức cơ bản về vệ sinh an toàn thực phẩm, điều kiện kinh tế hạn hẹp nên có thể thức ăn dễ biến chất, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Việc sản xuất và bày bán thiếu hạ tầng cơ sở và vệ sinh môi trường về nguồn cung cấp nước sạch, xử lý rác thải, chất thải, các công trình vệ sinh liên quan... trong khi hoạt động kinh doanh thực phẩm đường phố cũng khó kiểm soát do sự đa dạng, cơ động và tạm thời không thường xuyên đã dẫn đến mối nguy cơ cho sức khoẻ cộng đồng.
Nâng cao trách nhiệm người tiêu dùng - cung cấp
Thực hiện Kế hoạch số 01 /KH-BCĐTƯVSATTP ngày 12/3/2014 của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm, về việc triển khai Kế hoạch “Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm” năm 2014; trên cơ sở thực tế công tác đảm bảo vệ sinh thực phẩm trong thời gian qua và dự báo diễn biến năm 2014, UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch 143 ngày 1/4 về triển khai “Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm” năm 2014, với chủ đề: An toàn thực phẩm thức ăn đường phố.
Ông Đào Trọng Dũng - Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, Sở Y tế Nghệ An cho biết: Với chức năng thường trực Ban Chỉ đạo các hoạt động đảm bảo VSATTP tỉnh, trong Tháng hành động triển khai từ 15/4 đến 15/5, nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền cơ sở các cấp, Ban Quản lý khu lễ hội, Ban Quản lý khu công nghiệp, người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm thức ăn đường phố; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đảm bảo an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, chợ đầu mối, đặc biệt là các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố; đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn thực phẩm thức ăn đường phố trên các phương tiện thông tin đại chúng. Phấn đấu 100% cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố ký cam kết chấp hành đầy đủ các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm trong "Tháng hành động"; giảm 10% số vụ ngộ độc thực phẩm do sử dụng thức ăn đường phố trong thời gian diễn ra "Tháng hành động" so cùng kỳ năm 2013. Các hoạt động chính trong tháng cao điểm gồm: Tổ chức hội nghị triển khai và lễ phát động (10/4); triển khai chiến dịch truyền thông; thanh tra, kiểm tra liên ngành việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất lượng VSATTP và công tác thông tin, báo cáo.
Để phát huy những tiện ích của thức ăn đường phố mang lại và hạn chế thấp nhất tình trạng mất vệ sinh của thức ăn đường phố, góp phần giảm thiểu ngộ độc thực phẩm, các bệnh truyền qua thực phẩm do thức ăn đường phố, đảm bảo an sinh xã hội và mĩ quan đô thị, chúng ta cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ. Đó là, việc tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục cho nhân dân về vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là tuyên truyền cho những người cung cấp thức ăn đường phố những kiến thức về chế biến, lưu giữ và phân phối thức ăn đường phố đảm bảo vệ sinh. Quan trọng hơn, tổ chức, cá nhân cung cấp thực phẩm phải đặt yếu tố cộng đồng và xã hội lên trên, vì lương tâm của chính mình. Còn người tiêu dùng phải là những người “tiêu dùng thông thái”, biết lựa chọn thức ăn phù hợp, đảm bảo các yếu tố về vệ sinh… Cùng với công tác tuyên truyền, bộ phận thường trực và các cơ quan chức năng cần có những chế tài đủ mạnh trong việc kiểm tra, thanh tra các cơ sở kinh doanh mặt hàng này, nhằm đủ sức răn đe những người không đủ hoặc không thực hiện đúng các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Xuân Thống