Gia đình xã hội
Sống để thờ... con
15:37, 10/04/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-“Người ta mất đi một người con đã đau đớn biết nhường nào, đằng này, vợ chồng tôi mất cả một đàn con. Mỗi lần tiễn con ra đi tôi thấy mình như bị ai đó cắt đi một phần cơ thể. Căn bệnh quái ác đã lấy đi của vợ chồng tôi tất cả, để rồi chẳng còn lại gì ngoài nỗi đau đớn tột cùng”. Lấy tay gặt vội dòng nước mắt, ông Hồ Xuân Hoàn (55 tuổi) trú tại xóm 8, xã Quỳnh Hoa, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) nghẹn ngào nhắc lại nỗi đau.
Sinh năm 1959 trong một gia đình vốn giàu truyền thống cách mạng nên vừa bước sang tuổi 18, ông Hồ Xuân Hoàn đã tình nguyện lên đường nhập ngũ. Sau hai năm chiến đấu, ông xin về phép rồi cùng bà Vũ Thị Lợi nên nghĩa vợ chồng. Hạnh phúc càng nhân lên khi ba đứa con (2 trai, 1 gái) lần lượt chào đời. Nhưng trái ngang thay, cả ba đều chết yểu vì căn bệnh ung thư gan. Đứa thì mới sống được vài tháng, đứa may mắn hơn thì được 2 tuổi cũng lặng lẽ ra đi. Mất mát chồng chất lên nhau khiến bà Lợi ngã quỵ, ngày đêm chỉ biết gào khóc vì nhớ con. Quá đau buồn vì chuyện con cái, ông Hoàn xin xuất ngũ trở về nhà để hương khói cho ba người con xấu số và động viên, an ủi vợ.
Lo sợ sẽ phải gánh thêm mất mát nên mãi đến năm 1985, vợ chồng ông mới quyết định sinh tiếp. Trớ trêu thay, 4 lần sinh nở tiếp theo được 5 người con (trong đó có một lần sinh đôi), vợ chồng ông chưa kịp vui mừng thì cơn “bão” bệnh tật lại ập tới, lần lượt cướp đi sự sống của 5 người con còn lại.
Đắng cay nhất, chỉ trong 7 năm (từ 1996 đến 2002) người con thứ 4, thứ 5 và thứ 7 lần lượt bỏ vợ chồng ông mà đi. Chỉ trong một thời gian ngắn, số phận bất hạnh của những người con đã xé toang bầu không khí gia đình. Chẳng còn gì ngoài tang thương, nước mắt. Trên chiếc bàn thờ nhỏ lúc nào cũng nghi ngút khói nhang. Nỗi đau nối tiếp nhau đã dìm vợ chồng ông xuống đáy sâu vực thẳm.
Trong 8 người con thì vợ chồng ông Hoàn kể nhiều nhất về người con thứ 6 là Hồ Thị Liên (SN 1988) và đứa con trai Hồ Tuấn Anh (SN 1992). Không phải vì ông thương yêu hai người con này hơn mà vì hai người con này gắn bó với vợ chồng ông lâu nhất. Gọi là lâu nhưng cả Liên và Tuấn Anh cũng rời bỏ vợ chồng ông khi chưa bước qua tuổi 18. Liên là đứa khỏe mạnh nhất, lại học rất giỏi. Nhưng đến năm học lớp 11, chỉ sau một cơn sốt nhẹ, Liên đã phải gánh nhận căn bệnh ung thư gan giai đoạn cuối: “Ngày tôi chào nó để đưa Tuấn Anh ra Hà Nội chữa trị, nó đã khóc, sợ mai mốt ngủ quên sẽ không có cơ hội được gặp lại bố và em. Ai ngờ, đó cũng là lần cuối cùng tôi được nhìn thấy nó”. Nhớ con, ông Hoàn lại khóc.
Vợ chồng ông Hoàn liên tiếp phải gánh chịu những nỗi đau khi 8 đứa con lần lượt ra đi |
Sau khi Liên mất, niềm hy vọng cuối cùng đặt cả vào Tuấn Anh, nhưng hy vọng ấy rất mong manh vì khi vừa tròn 3 tuổi, Tuấn Anh đã phải nhập viện điều trị vì bệnh xơ gan. Cứ hàng tháng, ông Hoàn lại cõng con ra Bệnh viện Nhi một lần để điều trị. May mắn thay, đến năm 13 tuổi, số phận đã mỉm cười khi ca phẫu thuật gan cho Tuấn Anh thành công. Niềm vui vỡ òa trên khuôn mặt của đôi vợ chồng khắc khổ, họ hạnh phúc vì lại được nhìn thấy con khỏe mạnh, cắp sách đến trường. Thế nhưng khi chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT (năm 2012), Tuấn Anh lại bị bệnh thận và phổi. Đưa con trở lại bệnh viện để điều trị, bác sĩ chuyên khoa nơi đây ví phổi của Tuấn Anh bị hư tổn giống như miếng sắt để lâu năm ngoài trời bị sét rỉ. Chỉ cần động nhẹ là nó sẽ vỡ vụn ra. Biết được bệnh con mình đang ở giai đoạn cuối, ông Hoàn nuốt nước mắt đưa con về nhà với hy vọng gia đình được ở bên nhau dù chỉ là những ngày ngắn ngủi: “Trước ngày thi tốt nghiệp, tôi vẫn đèo nó xuống trường, vẫn xem phòng thi và làm các thủ tục cần thiết để hoàn thành tâm nguyện cuối cùng của con. Tội nghiệp, nó chưa kịp thi xong tốt nghiệp đã vội ra đi”.
Đón tiếp chúng tôi là một người đàn ông với dáng người thấp đậm. Trông ông già hơn nhiều so với cái tuổi 55, nước da đen sạm, mái tóc bạc trắng, khuôn mặt nhăn nheo hiện rõ trên đôi mắt thâm quầng của một người thiếu ngủ. Giờ đây, khi sóng gió đã lặng dần, ngoài chăm lo cho mấy sào ruộng và hoàn tất công việc của một bí thư chi bộ xóm, vợ chồng ông chỉ biết thui thủi bên nhau. "Nhìn gia đình người ta sớm tối quây quần, ngước lại nhìn mình lại thấy tủi thân. Nhà người ta chỉ một hai đứa con mà thấy hạnh phúc. Còn vợ chồng tôi có cả đàn con mà chẳng đứa nào chịu ở cả. Nhiều lúc thấy cuộc đời thật trớ trêu, bất công quá", bà Lợi nghẹn ngào.
Được biết, từ ngày xuất ngũ, thời gian ông Hoàn ở bệnh viện chăm con nhiều hơn ở nhà. Cũng vì vậy mà suốt mấy chục năm trời, nhân viên của Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai đã quen với sự có mặt của ông cùng những đứa con tội nghiệp. Đứa này chưa xuất viện thì đứa khác lại vào. Trong tình cảnh ấy, hình ảnh người cha tội nghiệp, quần ống thấp ống cao, tất tả chạy từ bệnh viện này qua bệnh viện khác để chăm sóc con. Suốt một đời sống chỉ để bồng bế con vào bệnh viện chữa trị, ông chỉ mong muốn có một tia hy vọng nào đó dù là nhỏ bé để con mình có cơ hội được tái sinh. Vậy mà khi nỗi đau này chưa nguôi ngoai thì nỗi đau khác lại ập đến.
Sau khi bảy người con lần lượt theo nhau về nơi chín suối, người ta lại thấy người đàn ông có khuôn mặt xanh xao, khắc khổ vẫn cố gắng gượng dậy để tiếp tục chăm lo cho đứa con còn lại, vẫn cố gắng cười để tiếp thêm sức mạnh, nghị lực cho con. Rồi người con cuối cùng ra đi, niềm hy vọng dập tắt, lại một lần nữa, người đàn ông này phải gượng dậy để làm chỗ dựa duy nhất cho người vợ bất hạnh. Tang tóc nối liền nhau đã khiến cho bà Lợi sinh chứng trầm cảm, suốt ngày thui thủi, thu mình trong ngôi nhà, ít khi thấy bà tiếp xúc hay nói chuyện niềm nở với ai. Nỗi đau chồng nỗi đau như bào mòn hết tâm can của người đàn bà vốn yếu đuối. Nhiều lúc đi làm về, tim ông Hoàn như bị thắt lại khi nghe tiếng vợ mình gào khóc gọi tên các con.
“Buồn lắm cô ạ, buồn đến nỗi có lần tôi đã ước nếu có một thứ thuốc gì đó uống để quên đi tất cả thì tôi sẽ uống. Nhưng rồi lại nghĩ nếu mình như vậy thì nhà tôi sẽ sống như thế nào đây. Rồi ai là người ngày đêm nhang khói cho những đứa con xấu số. Rồi tôi lại gắng sống, sống bên cạnh vợ và sống để… thờ con”, ông Hoàn nghẹn ngào.
Đoàn Hoàng