Gia đình xã hội

Điều trị tích cực, cách ly, tránh lây nhiễm

15:22, 23/04/2014 (GMT+7)
Nhằm giảm tử vong cũng như giảm số mắc trước dịch sởi đang phức tạp trên cả nước, khi số tử vong đã ở mức bất thường với 119 trẻ, ngày 22/4, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị tăng cường công tác điều trị bệnh sởi cho các bệnh viện (BV) từ Đà Nẵng trở ra phía Bắc, nhằm giảm tử vong cũng như lây nhiễm.
 
Đây là việc làm cần thiết trong bối cảnh số tử vong đã cao gấp 6 lần trong 10 năm qua, hơn nữa, theo GS. TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TW, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn Bộ Y tế, dịch sởi năm nay đã thay đổi toàn bộ những đặc điểm dịch tễ thông thường: Trẻ chưa đến tuổi tiêm phòng bị mắc với tỉ lệ cao, tới 10% trẻ dưới 9 tháng tuổi. Bệnh hay gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, nhưng nay lại xuất hiện ở nhiều người lớn. Thậm chí, có người đã ở tuổi 50 vẫn mắc. Dịch sởi thường xảy ra vào mùa đông - xuân, thời tiết lạnh ẩm ở miền Bắc, nhưng miền Nam nóng nực cũng bùng phát. Vì thế, Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế đã họp và bổ sung phác đồ điều trị với các loại thuốc đặc hiệu và thiết bị hỗ trợ. “Tuy nhiên bệnh truyền nhiễm nhóm B không phải là tối nguy hiểm” - GS. TS Nguyễn Văn Kính nhấn mạnh.
 
Tại hội nghị này, những kinh nghiệm của BS. Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa nhiễm, BV Nhi đồng I TP HCM, nơi cũng tiếp nhận nhiều bệnh nhân mắc sởi, nhưng không có trường hợp nào tử vong, cũng không xảy ra quá tải, có lẽ là những bài học kinh nghiệm quý mà chính các BV tuyến TW ở Hà Nội cũng phải học tập. Đó là thái độ làm việc quyết liệt, chứ không chỉ nói suông, là sự áp dụng kiến thức khoa học bằng cả cái tâm của người thầy thuốc, chứ không phải chỉ là những nguyên tắc khô cứng. Từ đầu năm đến nay, BV đã điều trị cho 1.002 ca mắc bệnh sởi, trong đó, có 117 bé biến chứng do mắc các bệnh về hô hấp, 2 ca phải thở máy và 10 ca phải thở máy thở nhân tạo áp lực.
 
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TW cũng quá tải vì sởi
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TW cũng quá tải vì sởi
Để tránh quá tải, BV xây dựng tiêu chuẩn nhập viện, chứ không thể nhận tràn lan. Những trường hợp chưa đến mức nhập viện, hoặc đã giảm bệnh, bác sĩ phải giải thích cặn kẽ để người nhà đưa bệnh nhân về điều trị, hoặc chuyển tuyến dưới. Những bệnh nhân đã được điều trị thì ghi rõ vào sổ y bạ là “tái khám ở tuyến dưới”, để không quay trở lại BV, vừa giảm phiền phức cho bệnh nhân, vừa giảm căng thẳng cho thầy thuốc. “Thái độ rõ ràng trong phân tuyến điều trị có ý nghĩa quan trọng để giảm tải BV” - BS. Trương Hữu Khanh cho hay.
 
Như vậy, theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Y tế tại buổi làm việc ở BV Bệnh nhiệt đới TW ngày 21/4 thì rõ ràng, BV Nhi TW chưa làm được điều này, khi “các bà mẹ đưa con vượt tuyến đến BV nhưng không về, BV đành phải nhận”. Hoặc có nơi, tuyến dưới vẫn chuyển lên những bệnh nhân không đúng theo phân cấp chữa trị của tuyến trên. Đó chính là nguyên nhân khiến BV Nhi TW quá tải vì sởi những ngày qua, dẫn đến con số tử vong không hề thấp!
 
Câu chuyện của BS. Trương Hữu Khanh cũng khiến mọi người cảm động, là ngay khi xuất hiện 5 đứa trẻ cùng mắc sởi, ông trăn trở vì sao lại 5 đứa mắc liền? Có những đêm, nhìn chúng khò khè trên giường bệnh, ông đã rơi nước mắt. Câu trả lời là hàng loạt biện pháp được tiến hành, một cách khoa học và quyết liệt, nhằm ngăn các ca bệnh khác: Cách ly trẻ bị sởi nặng với trẻ bị bệnh nhẹ.
 
Trước diễn biến phức tạp của dịch sởi, thiết bị nào mua được thì mua, không thì BV đi mượn, xin cấp vv… tuyệt đối không để trẻ mắc sởi thiếu oxy vì trẻ rất yếu. Khi trẻ mắc sởi từ khoa khác chuyển sang, điều trị hết giai đoạn cách ly, phải chuyển về khoa cũ, tránh lây bệnh gốc của trẻ đó sang trẻ mắc sởi. Khi có dịch, BV huy động tất cả các khoa và phải có một nhóm tham vấn chuyên môn. Nếu chưa dùng hết các loại thuốc thông thường, đã dùng loại thuốc đặc trị, bác sĩ phải xin ý kiến Trưởng khoa để bảo vệ trẻ.
 
Từ tình hình thực tế của dịch sởi, PGS. TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, yêu cầu các BV tập trung nhân lực và các phương tiện cho điều trị bệnh sởi. Trước mắt, cần phân luồng đi lại một chiều từ phòng khám; phân công các bác sĩ, điều dưỡng giỏi, có kinh nghiệm để khám, chữa cho bệnh nhân sởi, tránh lây lan và biến chứng. Tổ chức khu vực cách ly bệnh nhân sởi, đặc biệt là có các biện pháp chống nhiễm khuẩn, lây nhiễm chéo trong BV, từ bài học của BV Nhi TW, khiến có ngày, các bác sĩ phải vật lộn với bệnh sởi nhiều nhất thế giới. Các BV cũng phải áp dụng các biện pháp thông khí, dinh dưỡng, cảnh báo, giám sát. Chính phủ đã cho phép thực hiện các vấn đề về hậu cần như trang thiết bị, chế độ cho bệnh nhân và bác sĩ theo chế độ có dịch. Trong giai đoạn này, các BV phải tập trung camera, TV cho tuyên truyền về phòng, chống lây nhiễm chéo trong BV.
 
Cả GS. TS Nguyễn Văn Kính và PGS. TS Lương Ngọc Khuê đều lưu ý các bác sĩ tránh nhầm sởi với các loại sốt phát ban khác.
 
Theo Bộ Y tế, đến ngày 21/4, cả nước có thêm 51 trường hợp mắc sởi được xác định trong số 230 trường hợp sốt phát ban dạng sởi tại 25 tỉnh, thành. Có 3 trường hợp bệnh nhân nặng xin về tại BV Nhi TW và BV Bạch Mai. Như vậy, cả nước hiện có 9.473 trường hợp sốt phát ban dạng sởi tại 61/63 tỉnh, thành phố, trong đó có 25 trường hợp tử vong do sởi trong số 119 trường hợp tử vong có liên quan đến sởi. Hà Nội vẫn là nơi cao nhất về số mắc và tử vong, nên bắt đầu từ 22/4, thay vì chỉ mở một điểm tiêm vaccin sởi miễn phí tại Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, theo chỉ đạo của Bộ Y tế, Sở Y tế Hà Nội đã triển khai mở rộng các điểm tiêm miễn phí vaccin sởi cho tất cả trẻ từ 9 tháng đến 6 tuổi chưa được tiêm vaccin hoặc chưa tiêm đủ 2 mũi vaccin sởi tại 100% trung tâm y tế các quận, huyện của Hà Nội.

 

Nguồn: CAND

Các tin khác