Gia đình xã hội
Câu chuyện cảm động về người đàn ông hơn 3 thập kỷ chăm vợ trên xe lăn
(Congannghean.vn)- Có những cuộc tình chỉ thoáng qua như một làn gió nhẹ, nhưng cũng có những câu chuyện tình vượt qua mọi thử thách, định kiến của xã hội để đi đến kết cục có hậu chẳng khác gì loài hoa bất tử vậy. Câu chuyện cảm động về người đàn ông đã dành trọn hơn 3 thập kỷ cuộc đời của mình để chăm sóc cho người vợ bị tật nguyền đã thật sự làm cho nhiều người phải thán phục. Dù ông biết rằng, vợ mình suốt ngày chỉ ngồi bất động một chỗ trên chiếc xe lăn, nhưng với tấm lòng chân thành của mình, ông vẫn yêu và viết nên một câu chuyện tình kỳ diệu ngay giữa mảnh đất thành Vinh đầy nắng gió.
Tình yêu không biên giới
Chuyện của ông Nguyễn Văn Sự quê ở thôn Bách Chính (xã Lam Hồng, huyện Nam Trực, Nam Định), cùng với người vợ Nguyễn Thị Hương chẳng khác gì một câu chuyện cổ tích thời hiện đại vậy. Hoàn cảnh gia đình bà Hương ngày ấy thật bi đát, nhà nghèo, không mảnh đất cắm dùi, con cái lại đông, trong nhà lại chẳng ai có nghề nghiệp. Đã thế, ngay từ lúc lọt lòng mẹ, bà Hương lại không được may mắn như những cô gái bình thường khác. Hai chân bị teo tóp, lại thường xuyên bị đau ốm, bị ngất xỉu mỗi khi trái gió trở trời. Tưởng rằng, cuộc sống gia đình khó khăn, bệnh tật hành hạ sẽ khiến "cửa sổ tâm hồn" của bà mãi mãi bị khép lại trong u buồn.
Nhưng rồi điều kỳ diệu đã xảy ra, bỗng một hôm, một chàng trai khỏe mạnh, với dáng vẻ phong trần và nụ cười hiền hậu xuất hiện bên cạnh. Ngày ấy, ông Sự đi làm công nhân xây dựng, do hai người cùng ở một huyện, sau giờ làm việc ông ở lại để bảo vệ công trình xây dựng. Trong những ngày mưa to gió lớn, không phải đi làm, ông lại lân la đến nhà bà Hương.
“Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”, ở gần bà, ông chợt nhận ra rằng: “Lúc đầu, làm quen với Hương, tôi cũng ái ngại lắm. Mọi người trong công trình và bà con hàng xóm đồn thổi bảo tôi là thằng điên. Người ta thường đánh giá nhau qua vẻ bề ngoài, nhưng lại không thấy được bản chất tốt của họ. Tôi thấy Hương tuy suốt ngày chỉ ngồi trên chiếc xe lăn, mọi việc ăn uống, đi lại dường như phải nhờ người khác, nhưng đầu óc của Hương lại rất tỉnh táo như những người bình thường khác. Không những vậy, tấm lòng chân thành, ý chí chiến đấu mãnh liệt với bệnh tật, sự lạc quan, yêu đời của Hương đã làm trái tim tôi thổn thức. Và cũng từ ngày đó, tôi thương thầm nhớ trộm Hương. Một thời gian không lâu sau, chúng tôi đã bỏ qua mọi nghi kỵ của xã hội để đến với nhau”.
Ông Sự - người đã hơn 30 năm chăm sóc vợ bị tật nguyền trên đường đi xin ăn |
32 tuổi, lần đầu tiên trong đời trái tim ông rung động trước một người con gái tật nguyền. Họ dìu dắt nhau ra Bắc, vào Nam, ra miền Trung mưu sinh với đủ nghề khó nhọc. Do bà Hương chẳng làm được gì, một mình ông bươn chải, lúc đi phụ hồ, lúc bán vé số, rửa chén bát, nhặt phế liệu…nhưng nghề mưu sinh chính vẫn là rong ruổi các ngả đường trong phố ăn xin.
Năm 1987, sau một thời gian phiêu bạt mưu sinh ở đất Bắc, số phận một lần nữa đưa đẩy đôi vợ chồng nghèo trôi dạt vào mảnh đất thành Vinh trên chuyến tàu đầy ắp những kỷ niệm. Nhớ lại chuyến tàu “định mệnh” ấy, bà Hương không khỏi xúc động: “Ngày ấy, ở quê tôi phong trào nhảy tàu rất phổ biến. Đêm ấy, trời rét như cắt da, cắt thịt, sau một đêm đi xin ăn, hai vợ chồng dừng lại ở một ga tàu.
Ông Sự cõng tôi lên, nhưng cõng đến cả chục lần lại bị người ta đuổi xuống. Mặc dù lúc ấy đang là mùa đông giá lạnh, nhưng nhìn thấy mồ hôi của chồng chảy đầm đìa, tôi đã không cầm được nước mắt. Nhưng may mắn, trước lúc chuyến tàu khởi hành, ông Sự cũng đã dùng hết sức lực của mình cõng tôi lên toa. Và sau 2 ngày, 2 đêm, cả hai vợ chồng đã có mặt tại Vinh để bắt đầu một cuộc sống mới đầy khắc nghiệt”.
Hiện tại, cả hai vợ chồng đang thuê trọ ở số nhà 20, đường Nguyễn Thúc Tự, khối Tân Hòa, phường Vinh Tân (TP Vinh). Ông Sự cười vui: "Đã yêu nhau thì nên nhớ đừng bao giờ tính chuyện giàu nghèo, tuổi tác, ngoại hình..., miễn là có tình cảm chân thành thôi. Với tôi, tình yêu với vợ chẳng bao giờ có biên giới".
Hơn 30 năm hy sinh vì vợ
Những năm tháng đầu tiên xin ăn ở đất Vinh, vợ chồng ông gặp muôn vàn éo le. Cảnh mất cắp, bị bọn nghiện hút “xin đểu”…diễn ra như cơm bữa. Một lần “ngủ bụi” ở đường Trần Phú, do mệt quá nên vợ chồng ông đã bị kẻ xấu lấy mất hơn 1 triệu đồng cùng xe đạp, giấy tờ... Mặc dù, số tiền ấy không nhiều, nhưng với vợ chồng ông đó là một khoản tiền mấy năm trời chắt chiu, dành dụm. Sau một ngày mưu sinh vất vả, trở về căn nhà trọ đơn sơ, ông lại nấu ăn, cắt thuốc, giặt quần áo, chải tóc cho vợ...
Đêm đêm, khi mọi người đã chìm vào giấc ngủ say nồng, ông lại để cho vợ ngon giấc, còn mình thì lặng lẽ ra đường để nhặt phế liệu, mua thức ăn, nước uống chuẩn bị bữa cơm sáng. Có lần bà bị đau nặng, không thể ngồi xe lăn, ông lại cõng vợ trong đêm tối lạnh giá đến bệnh viện. Hạnh phúc lớn nhất chính là người con Nguyễn Văn Điệp, 24 tuổi, đang sửa xe máy ở Quán Bàu rất ngoan ngoãn. Hằng ngày, sau giờ làm việc, anh Điệp lại ghé thăm bố mẹ. Mặc dù mỗi ngày rong ruổi khắp các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, số tiền vợ chồng kiếm được chỉ vỏn vẹn 50 đến 60 nghìn đồng, nhưng không bao giờ thấy vợ chồng cãi vã, hắt hủi nhau.
Trái lại, càng khó khăn, vất vả, bệnh tật, họ càng đùm bọc, thương yêu nhau hơn. Do đi lại quá nhiều, nên ông Sự thường xuyên bị đau cổ chân, các khớp bị tê buốt nhưng không có ngày nào đôi chân ông ngừng nghỉ mà vẫn đều đặn đi khắp các ngõ ngách để kiếm tiền nuôi vợ. Nhiều lúc trên đường đời khắc nghiệt, vợ chồng ông lại tìm đến ngôi chùa Cần Linh ở phường Cửa Nam (TP Vinh) để tìm chút bình yên thanh thản trong đời.
Chia tay vợ chồng ông Sự khi hoàng hôn bắt đầu buông xuống, tôi vẫn không thể nào quên câu nói của người đàn ông giàu lòng nhân ái ấy: "Tôi sống chỉ có một ước mơ vô cùng bé nhỏ, đó là ước sao hằng ngày được nhìn thấy nụ cười của vợ". Người ta thường nói: "Đã say một chén cũng say, đã nên tình nghĩa một ngày cũng nên". Câu nói ấy với đôi vợ chồng nghèo này thật chẳng sai chút nào.
Đinh Tiến Giang