Mùng 10 tháng Giêng (tức 9/2/2014), di tích Yên Tử (TP Uông Bí, Quảng Ninh) mới chính thức khai hội, nhưng ngay từ những ngày đầu năm mới Giáp Ngọ, hàng chục vạn phật tử, du khách từ khắp mọi miền Tổ quốc đã hành hương về với non thiêng, nơi được coi là thủ đô Phật giáo Trúc Lâm của đất Việt.
Kết thúc mùa lễ hội năm ngoái có 2,1 triệu lượt khách đến với Yên Tử đã là con số ngoài sức tưởng tượng đối với di tích. Nhưng năm nay, con số này chắc chắn chẳng thấm tháp gì khi chưa khai hội mà mỗi ngày đã có hàng vạn lượt người đến thăm. Riêng ngày mùng 8 Tết, ước tính khoảng 4 vạn người. Nhiều đến mức đường lên chùa Đồng dù cheo leo, hiểm trở và là nơi cao nhất đã không còn lối chen chân. Phần lớn du khách chỉ có thể đứng bên ngoài vái vọng. Cứ đà này, ít nhất Yên Tử thu hút 3 triệu lượt khách trong mùa hội 2014.
Yên Tử bắt đầu mùa lễ hội |
Ông Nguyễn Trung Hải, Trưởng ban quản lý khu di tích và rừng quốc gia Yên Tử cho biết, lượng khách đến với Yên Tử thì mỗi năm một đông hơn, chưa đến ngày hội mà bình quân mỗi ngày đã thu hút tới 1 vạn lượt người. Điều này cũng không bất ngờ, cả thành phố Uông Bí, Giáo hội phật giáo tỉnh đã tập trung mọi ưu tiên trong chỉ đạo điều hành cho Hội Xuân Yên Tử 2014. Trong đó, khâu tổ chức phục vụ du khách chu đáo, tiện lợi nhất, bảo đảm an ninh trật tự, ATGT trên suốt chặng đường 20 cây số từ ngã ba Dốc Đỏ (QL18A) đến tận đường hành hương lên tới chùa Đồng (nơi cao nhất của di tích), phấn đấu đến hết kỳ hội (hết tháng 3 âm lịch) không để xảy ra tình huống, sự vụ xấu.
Đúng như lời ông Hải nói, cả 2 đầu thành phố trên trục QL 18 quan khách rất dễ dàng nhận thấy không khí lễ hội bằng cờ phướn, cờ ngũ sắc, cờ phật giáo rợp trời kèm theo những hướng dẫn cụ thể. Đến đầu chùa Trình cũng là ngã ba rẽ từ QL18 vào đường lên Yên Tử, rất nhiều lực lượng Công an, CSGT, tự vệ địa phương rải kín làm nhiệm vụ hướng dẫn và điều tiết giao thông. Do vậy, dù điểm giao cắt chuyển hướng rất hẹp, mật độ phương tiện quá nhiều, đường đi hẹp, quanh co, đèo dốc, những đoàn xe xuôi ngược rất điềm đạm nhường đường nhau, hầu như không có sự lộn xộn, ách tắc nào xảy ra.
Rút kinh nghiệm từ những năm trước, năm nay, nhiều bãi gửi xe mới đã được quy hoạch theo cách phân bố trên toàn tuyến, phân loại xe máy, xe gửi trong ngày hoặc qua đêm theo từng khu vực khác nhau cũng đã góp phần tăng tính trật tự để việc nhận, trả xe không gây ùn tắc, không cản trở các xe khác đang lưu thông.
Nếu ở các lễ hội khác, điều rất dễ nhận thấy là ngay từ bãi gửi xe đã có biểu hiện áp giá dịch vụ cao ngất ngưởng. Nhưng tại bất cứ bãi gửi xe nào ở rừng Yên Tử, có thể thấy giá cả không khác mấy so với đô thị bên ngoài. Xe đạp 2.000đ/lượt, xe máy 5.000đ, xe ôtô tuỳ theo trọng tải, số chỗ trên xe có giá từ 35-40.000đ/lượt. Giá trên tăng lên gần gấp đôi nếu phải trông giữ cả ngày lẫn đêm. Tuy nhiên cũng có những điểm trông giữ xe do người dân địa phương tự mở, giá cả tùy theo sự thỏa thuận nhưng cũng không hề có sự chặt chém, chủ yếu là trông xe theo yêu cầu của những du khách muốn tự mình khám phá Yên Tử bằng đường ngang ngõ tắt, đường xuyên rừng.
Năm nay, tất cả các loại hàng hoá dịch vụ dọc đường hành hương đã được dẹp bỏ, tất cả được bố trí khu vực chợ Xuân, khu bán hàng lưu niệm khu vực chùa Giải Oan và các kiốt quanh sân ga cáp treo. Theo ghi nhận của chúng tôi, dù di tích ở rất xa trung tâm thành phố nhưng giá cả dịch vụ tại đây có tăng chút ít và ở mức chấp nhận được. Chẳng hạn, chai nước lọc 10.000đ, củ đậu 10.000đ, tô phở 40.000đ. Giá phòng nghỉ trên khu vực chùa Hoa Yên chỉ từ 50-80.000đ/phòng 2 người (không có phòng vệ sinh tuỳ theo tầng thấp hay cao. Cũng không thấy bóng dáng những thầy "lang", sơn tràng bán các sản vật rừng. Số điện thoại thường trực của Ban quản lý được dán khắp nơi, bất kỳ du khách nào cũng có thể phát giác giúp lực lượng chức năng ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi phá rừng, lừa đảo và xâm phạm ANTT.
Du khách vất vả len chân vào Chùa Đồng |
Công ty cổ phần Tùng Lâm (đơn vị nắm quyền khai thác các dịch vụ tại Yên Tử) cũng đã đầu tư hàng tỷ đồng mua sắm dàn xe điện để phục vụ đón khách ngay từ bãi giữ xe đến sân ga cáp treo chùa Giải Oan. Đây là dịch vụ mới phần lớn dành cho người cao tuổi, người khuyết tật có thể dễ dàng hành hương Yên Tử bằng các tuyến cáp treo. Vì vậy, mức giá 8.000đ/lượt/người đi xe điện cũng là điều chấp nhận được.
Điều một số du khách bày tỏ sự không hài lòng là giá vé cáp treo năm nay tăng từ 15-20% so với năm ngoái. Theo đó, giá vé khứ hồi 2 tuyến là 280.000 đồng, vé 1 chiều là 150.000 đồng/lượt/người lớn trẻ em 100.000 đồng/lượt (tăng từ 30.000 đến 50.000 đồng/vé). Ông Nguyễn Văn Thiết - Giám đốc Công ty cổ phần Tùng Lâm giải thích, việc điều chỉnh giá vé đã được tăng giá để bù lỗ cho những năm trước đây. Thêm vào đó, phải trả thêm lương nhân công vận hành tuyến cáp, trả lương tăng cường cho việc thu dọn vệ sinh suốt dọc đường hành hương. Ông Thiết cũng nói rằng việc điều chỉnh tăng đã được báo cáo và đồng ý của UBND tỉnh và TP Uông Bí. Thế nhưng, theo nhiều tăng ni phật tử và Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh, việc tăng giá vé rất dễ gây hiểu lầm là tăng khai thác lợi nhuận, trong khi cả quần thể di tích Yên Tử này có giá trị đầu tư vô cùng lớn của quảng đại chúng sinh nên không hề đặt mục tiêu vì lợi ích kinh tế.
Dù có vài việc chưa thống nhất về quan điểm trong cách tổ chức khai thác dịch vụ nhưng nhìn chung, Yên Tử đã làm được những điều mà ít có di tích, danh lam thắng cảnh khác có được. Đó là sự thiện tâm, đến với lễ hội về với đất Phật, ngoài nhu cầu tinh thần còn là để tưởng nhớ vị vua Trần Nhân Tông suốt đời vì nước vì dân, chân tu hoá Phật Hoàng, về để tự răn mình, để hoá giải lòng trắc ẩn, sân hận ngõ hầu cuộc sống tốt hơn, thiện hơn.
.