Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201402/noi-san-sinh-nhieu-nguoi-con-tai-kiet-451644/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201402/noi-san-sinh-nhieu-nguoi-con-tai-kiet-451644/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Nơi sản sinh nhiều người con tài kiệt - Báo Công An Nghệ An điện tử
Chủ Nhật, 16/02/2014, 14:23 [GMT+7]

Nơi sản sinh nhiều người con tài kiệt

(Congannghean.vn)-Cũng như bao làng quê khác trên lãnh thổ Việt Nam, làng Đông Phái, xã Diễn Hạnh, huyện Diễn Châu (Nghệ An) đã trở thành địa chỉ ghi dấu nhiều chiến tích lịch sử trường tồn cùng dân tộc. Đặc biệt, với lịch sử hàng trăm năm, Đông Phái nay chỉ còn lại dấu tích nhưng đối với mỗi người con xa quê, mỗi khi gợi nhắc về làng lại không thể nào quên được hình ảnh thân thương về một làng quê nông thôn đã sản sinh ra nhiều người con ưu tú, cống hiến cho đất nước trong suốt chiều dài lịch sử xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
 
Chuyện xưa kể rằng, thuở lập làng vào năm Giáp Ngọ (1714), làng Đông Phái có tên sơ khai ban đầu là xóm Kẻ Tra, do cụ Trần Văn Thức cùng con cháu của mình từ làng Phượng Lịch (nay là xã Diễn Hoa) đến đây định cư, lập nghiệp. “Đất lành chim đậu”, từ khi cụ Thức đến khai hoang, lập làng, nhiều gia đình họ Nguyễn, họ Phạm, họ Ngô và con cháu các dòng họ khác cũng lần lượt về đây an cư lạc nghiệp trên mảnh đất Đông Phái này. Với quy mô làng ban đầu chỉ 133 mẫu đất trồng trọt và 18 mẫu đất thổ cư, theo thời gian, Đông Phái được người dân mở rộng để sinh sống. Địa giới hành chính của làng cũng được xác định một cách tương đối như sau: Phía Đông giáp làng Phượng Lịch (xã Diễn Hoa ngày nay), phía Tây giáp làng Tú Mỹ, Hiệu Thượng (nay là xã Diễn Hạnh), phía Nam giáp với làng Hữu Lộc và phía Bắc giáp với làng Mỹ Lý (xã Diễn Kỷ) với quy mô 3 xóm gồm xóm Bắc, xóm Trung và xóm Nam. Các xóm nói trên cách nhau một trục đường ngang chạy theo hướng Đông - Tây và kênh đào nông giang chảy quanh làng.
 
Làng Đông Phái có 3 giếng nước từng là nơi để bà con trong vùng dùng để sinh hoạt. Qua trí nhớ của các cụ cao niên trong làng kể lại, giếng nước làng Đông Phái có những nét riêng và trong hơn so với các giếng làng ở những địa phương khác. Cũng có người đồ rằng, chính mạch nước của làng Đông Phái khác biệt như vậy nên đã nuôi dưỡng, sản sinh ra nhiều người con tài giỏi trong các thời đại của lịch sử. Và, từ Đông Phái, dù ở trong bất cứ hoàn cảnh nào, đi đâu, con cháu làng này cũng thể hiện khí chất kiên cường, thông minh, tài giỏi, được nhiều người nể trọng. Không thể kể hết được tên tuổi, danh vị từ thuở có làng nhưng hiện nay nhiều người con làng Đông Phái học hành giỏi giang đã trở thành tướng tá trong lực lượng vũ trang và đảm nhiệm nhiều chức vụ cao ở Trung ương cũng như địa phương. Đông Phái cũng đóng góp hàng trăm lượt con em lên đường nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc. Nhiều người đã anh dũng hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Cũng có không ít người khi trở về sau chiến tranh đã để lại một phần cơ thể nơi chiến trường…
 
Đình làng Đông Phái
Đình làng Đông Phái
 
Với đặc thù là một làng quê nông thôn Việt Nam được gây dựng từ đầu thế kỷ XVIII, Đông Phái cũng hiện lên với cây đa, giếng nước, sân đình và nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống khác. Đình làng Đông Phái còn là nơi chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử diễn ra của địa phương và dân tộc như: Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930 - 1931, tổng khởi nghĩa dành chính quyền tháng 8/1945… Cũng chính nơi đây, đình làng và chùa Nhãn đã ghi nhiều dấu tích trong tiến trình lịch sử cách mạng của dân tộc. Từ những năm cuối thập niên 70 của thế kỷ XX, thực hiện chủ trương di dân xây dựng vùng kinh tế mới của Đảng và Nhà nước, gần 300 hộ dân làng Đông Phái đã gồng gánh lên vùng đất Phủ Quỳ để khai hoang, mở mang đất sản xuất. Kể từ đó, Đông Phái chỉ còn lại là vùng đất bằng phẳng để Nhà nước thực hiện chủ trương giãn dân, mở rộng đất làm nông trang, nông trại hoa màu, lúa nước. Và, cũng từ ngày đó, người dân làng Đông Phái cũng phải chấp nhận bỏ xứ ra đi để nhường phần đất của làng cho việc phát triển kinh tế của địa phương, nơi mà hàng chục đời đã từng gắn bó, dựng xây.
 
Trải qua nhiều biến cố của thời gian, nay làng Đông Phái không còn nữa nhưng những gì mà tổ tiên, cha ông gây dựng thì dấu tích vẫn còn đó. Vào ngày 13/2 (14/1 AL) năm Giáp Ngọ 2014 này, làng Đông Phái tròn 300 năm gây dựng và cũng là dịp để con cháu gần xa về đây thành kính dâng hương tưởng nhớ đến tiên tổ của mình. Với dáng vóc một làng quê Việt Nam, tuy chỉ còn lại trong ký ức nhưng dù đi xa, con cháu Đông Phái vẫn không thể quên được nơi mình đã từng gắn bó.
.

Đồng Tâm