Gia đình xã hội

Những làng nghề góp hương xuân

07:17, 02/02/2014 (GMT+7)

(Congannghean.vn)- Hàng chục năm nay, các làng nghề trên địa bàn huyện Đô Lương nổi tiếng với nghề bánh đa, kẹo lạc, bánh tráng, mộc mỹ nghệ, mộc dân dụng… Tuy các làng nghề có mùa vụ quanh năm, nhưng vào những tháng cuối năm, không khí làm việc ở làng nghề rất khẩn trương. Mỗi nhà đều nỗ lực để hoàn thành những đơn hàng cuối cùng của năm cũ, chuẩn bị đón Tết.

Trên con đường vào các làng nghề, đâu đâu cũng bắt gặp người dân nhộn nhịp cho ra lò những mẻ bánh tráng, bánh đa, kẹo lạc, những loại bánh truyền thống với mùi thơm thật nồng nàn, ấm cúng. Cảm nhận của chúng tôi là nơi đây, mùa Xuân như đang đến sớm. Dọc con đường của làng, những chiếc xe bán tải chở cây đào, cây quất được uốn tỉa, tạo thế cầu kỳ từ các nhà vườn lớn trong tỉnh mang về trang trí, điểm tô cho các cơ sở sản xuất; ngược lại, những chiếc xe tải lớn chở sản phẩm bánh đa, bánh tráng của làng nghề tỏa đi muôn nơi… hối hả vào, ra.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Không phải đợi Tết mà hầu như lúc nào, bánh đa, kẹo lạc cũng có mặt trong những bữa ăn của người dân. Ở các làng nghề, nhà nào cũng có ít nhất một lò bánh đa, kẹo lạc. Gần Tết, các lò bánh hoạt động hết công suất để cung ứng cho thị trường. Làng nghề bánh đa, kẹo lạc tập trung chủ yếu ở Vĩnh Đức, khối 10, thị trấn Đô Lương, huyện Đô Lương, đã từ lâu nổi tiếng và đây cũng là nguồn thu nhập chính của hàng trăm hộ dân nơi đây. Những người thợ phụ đang nâng niu từng chiếc bánh đặt lên các phên, từng vỉ bánh tráng mỏng được căng ra, trải dài trong nắng sớm từ nhà ra đến ngõ.

Cơ sở sản xuất bánh đa, kẹo lạc Công Thảo là cơ sở sản xuất có quy mô lớn của làng. Theo anh Nguyễn Văn Công, chủ cơ sở cho biết: “Hiện tại, mỗi ngày, một lò bánh đa, kẹo lạc làm được 30 kg bánh đa thành phẩm, 500 kg kẹo lạc. Ngày Tết, sản phẩm gấp 3 đến 4 lần ngày thường. Ngoài cung cấp cho các huyện trong tỉnh, còn tiêu thụ ở nhiều tỉnh khác”.

Mùa này, không khí ở những làng nghề trở nên nhộn nhịp hơn cả. Vào vụ Tết, làng nghề bánh tráng ở xã Tân Sơn (Đô Lương) có hàng chục nhân công. Từ sáng đến tối, làng nghề luôn nhộn nhịp người nhào bột, trở bánh, phơi bánh… Hình ảnh những chiếc bánh tráng tròn xoe, thơm nức của các chị, các bà như hòa lẫn vào hàng trăm chiếc bánh nhỏ xinh còn dẻo thơm nằm trên những chiếc phên nứa, tạo ra mùi vị thơm ngon riêng biệt cho thương hiệu “Bánh tráng Đô Lương”.

Làng nghề bánh tráng ở đây có trên 200 hộ làm nghề, nhiều hộ đã vươn lên thoát khỏi cảnh đói nghèo và lo cho con cái học hành, có việc làm. Trung bình mỗi lò bánh thủ công với một lao động chính (tráng bánh) và một người phụ giúp, có thể làm ra gần 200 chiếc bánh/ngày. Với giá ngày thường thì thu nhập sau khi trừ chi phí, có lãi gần 200.000 đồng. Ở một xã thuần nông, bình quân ruộng đất trên đầu người thấp, mức sống chưa cao thì cách lựa chọn nghề làm bánh tráng để tạo thêm thu nhập của hàng trăm hộ dân ở xã Tân Sơn là một hướng đi có hiệu quả.

Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm là rất lớn, nên một số gia đình đã mạnh dạn đầu tư mua sắm máy móc để sản xuất bánh công nghiệp, mở rộng quy mô sản xuất và thu hút nhiều lao động tham gia. Chị Thảo, người làm bánh theo kế nghiệp của gia đình cho biết, bước vào mùa Tết, nhà nào cũng làm bánh gấp nhiều lần so với ngày thường. Bánh làm ra ngày nào, bạn hàng đến lấy hết ngày đó. Do đó, các cơ sở cũng phải thuê thêm nhân công mới làm kịp.

Hàng ngày, gia đình chị Thảo làm ra 1.000 cái bánh lớn, nhỏ, nay tăng lên hơn 3.000 cái. Chị tâm sự, cũng nhờ nghề làm bánh tráng, không chỉ những cơ sở như của chị mà nhân công làm thêm cũng có cơ hội kiếm thêm thu nhập vào dịp Tết. Riêng thời điểm giáp Tết, thu nhập có thể tăng lên gấp đôi. Khoản thu nhập này rất đáng kể so với mặt bằng đời sống người dân nông thôn trong tỉnh. Ngoài ra, nhiều gia đình còn tận dụng nước lò hơi, cặn bột để nuôi lợn, phát triển kinh tế gia đình.

Nếu như Đức Vĩnh (thị trấn Đô Lương) và xã Tân Sơn nổi tiếng với làng nghề bánh đa, kẹo lạc, bánh tráng, là nơi mở hướng thoát nghèo cho nhiều hộ dân, thì ở xã Đông Sơn và xã Thái Sơn (huyện Đô Lương) lại nổi tiếng với nghề mộc dân dụng, mộc mỹ nghệ như: Đồ thờ tự, đồ trang trí và các vật dụng phục vụ sinh hoạt trong gia đình được người tiêu dùng ưa chuộng.

Đáp ứng nhu cầu đó, từ trước Tết, làng nghề truyền thống này đã hối hả chuẩn bị hàng hóa phục vụ người tiêu dùng... Bình quân mỗi năm, sản xuất của làng nghề mộc Tĩnh Gia, xã Thái Sơn đạt 40 tỷ đồng, lãi 7,6 tỷ đồng, mỗi lao động thu nhập gần 60 triệu đồng/năm. Chính từ nghề này mà các hộ gia đình ở Tĩnh Gia đã vươn lên khá giả, lo cho con cái ăn học.

Về thăm làng nghề sản xuất đồ mộc mỹ nghệ, mộc dân dụng Tĩnh Gia, xã Thái Sơn, không khí Tết đã tràn ngập khắp ngả đường, ngõ xóm. Cả làng đang chạy đua với thời gian, mọi người tích cực tạo ra những sản phẩm đẹp để có đủ hàng cung cấp cho các mối bán buôn phục vụ dịp Tết. Có thể nói, nghề mộc Tĩnh Gia có từ lâu đời, năm 2013, thôn chính thức được công nhận là làng nghề của tỉnh. Hiện có hơn 80 hộ có nghề, trong số đó, nhiều hộ có quy mô phát triển lớn. Là địa phương thuần nông nên nghề mộc dân dụng, mộc mỹ nghệ trở thành nghề làm giàu của người dân, sản phẩm làm ra ngày càng đạt yêu cầu về chất lượng, tạo được thương hiệu trên thị trường.

Hiện nay còn nổi tiếng hơn bởi sự phong phú, đa dạng của nhiều sản phẩm chạm trổ. Ông Nguyễn Quang Sơn - Tổ trưởng làng nghề mộc truyền thống Tĩnh Gia cho biết: Ở đây, nhiều gia đình con cái đều được truyền dạy và theo nghề mộc. Nghề mộc không còn là một nghề kinh tế mà trở thành nét truyền thống văn hóa lâu đời của những thế hệ người dân Tĩnh Gia. Nghề này tuy không giàu nhanh, nhưng có thể cho thu nhập ổn định quanh năm.

Những tháng giáp Tết, hàng bán chạy lên gấp đôi, gấp ba ngày thường, vất vả, tất bật nhưng chúng tôi rất mừng, vì sản phẩm làng nghề đã chinh phục thẩm mỹ của khách hàng. Công việc không quá vất vả, lại thu nhập khá nên làng nghề không chỉ thu hút lao động địa phương mà còn có nhiều lao động từ các xã lân cận tới làm công. Ngoài các đại lý bán đồ mộc từ nơi khác tới đặt mua hàng, thì các hộ làm nghề mộc cũng mang sản phẩm đi bán buôn, bán lẻ ở các đại lý hoặc bán lẻ trong và ngoài tỉnh.

Rời các làng nghề ở huyện Đô Lương vào lúc xế chiều, những chiếc xe vẫn tấp nập, hối hả vào làng nhập hàng. Thấp thoáng bóng dáng người dân làng nghề cần cù không ngơi tay, nụ cười giòn tan. Những chiếc bánh tráng tròn, đều đặn được xếp đầy vỉ phơi trước sân nhà. Những người thợ mộc tần tảo, cần mẫn của các làng nghề mộc đang tất bật ngày đêm tạo ra sản phẩm để chuẩn bị đón một mùa Xuân mới. Ở đó, có những giọt mồ hôi và có cả những nụ cười, báo hiệu một năm ở các làng nghề được no đủ.

Trường Khuyên

Các tin khác