Gia đình xã hội

Mùa xuân nơi cổng trời xứ Nghệ

09:16, 30/01/2014 (GMT+7)

(Congannghean.vn)-Chỉ với 40 km nhưng phải mất hơn 2 tiếng đồng hồ từ thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) chúng tôi mới vào đến Mường Lống. Ngồi trên ôtô, đôi lúc phải thót tim bởi những “ổ voi” bổ chát chúa vào gầm xe. Thiếu tá Vừ Bá Mùa - Đội trưởng Đội Công an phụ trách xã, Công an huyện Kỳ Sơn cười bảo: Thế là mừng rồi! Chứ nếu cách đây 1 năm, đi lên Mường Lống chẳng được ngồi ôtô đâu, may lắm chỉ là xe Mink hoặc đi bộ…

Xe chúng tôi chậm rãi “bò” trên con đường mòn như sợi tơ trời vắt hững hỡ qua những sườn núi chênh vênh. Mây trắng quấn quýt, phủ đầy lối đi, chòng chành trong ánh đèn pha vàng vọt. Đi như trôi dập dềnh trong những mảng mây, có đoạn lái xe phải căng mắt ra nhìn bởi phía trước chỉ toàn mây trắng. Mường Lống hiện lên trong màn sương mờ ảo.

Nằm trên đỉnh núi có độ cao 1.485 m so với mặt biển, “cổng trời” xứ Nghệ - Mường Lống được xem như “Đà Lạt giữa lòng miền Trung” hay “Sa Pa trong vùng đất gió Lào”. Mường Lống có 13 bản, gần 4.300 nhân khẩu thuần Mông. Nơi đây một thời được xem là điểm nóng về ma túy. Những năm gần đây, thông qua các chương trình, dự án hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, địa danh một thời "trắng màu anh túc" đã thay đổi bởi màu xanh của cây trồng, những mô hình kinh tế có hiệu quả, người dân có ý thức bám đất, bám bản để phát triển kinh tế.

Ông Và Nỏ Vừ - Bí thư Đảng ủy xã Mường Lống cho biết: Để xoá bỏ được cây thuốc phiện, quả là một việc làm không dễ, khi mà bao đời thói quen trồng cây thuốc phiện như đã thấm vào máu thịt của mỗi người dân ở thung lũng Mường Lống. Cán bộ địa phương phải đi đầu trong công tác xóa bỏ cây thuốc phiện, vận động người dân noi theo. Năm 2000, giống mận tam hoa và đào không hạt được đưa về Mường Lống. 2 năm sau, đồi núi trong thung lũng Mường Lống ngợp trắng hoa mận tam hoa xen lẫn với từng cánh rừng đào màu hồng…

Những năm gần đây, việc xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế cao được chú trọng như trồng chè Tuyết Shan, hoa ly và cây ngô lai trên rẫy dốc; tận dụng diện tích ruộng nước, phát triển chăn nuôi trâu, bò hàng hóa cũng như đặc sản lợn đen, gà đen, gà ác. Các giống cây ngô, gừng, khoai sọ… mang lại hiệu quả kinh tế cao cũng được triển khai ứng dụng.

Thu hoạch hồng tại nhà ông Xồng Phái Đà

Đã gần 15 năm kể từ ngày đầu ươm giống, những gốc đào, gốc mận đã sần sùi trắng, tạo nên nét đẹp riêng cho cành đào, cành mận nơi đây. Chầm chậm bước đi giữa những dãy mận tam hoa nở bung tinh khiết, phủ trắng sương mờ, đế giày lún vào đất bùn màu mỡ, thấy khâm phục trước quyết tâm của chính quyền địa phương và nhân dân Mường Lống. Khi nhận ra cái lạnh 50C thon thót ẩn hiện từ ngoài thấm dần vào da thịt, chợt thấy ấm lòng trước cái vỗ vai ân tình, nụ cười hồn hậu, vô tư của già làng Xồng Phái Đà.

Cách đây dăm năm, gia đình ông là hộ nghèo nhất của bản Mường Lống 2. Thế nhưng, giờ đây, gia đình ông không những có của ăn của để mà còn là hộ gia đình tiên phong trong phát triển kinh tế của bản. Bên cạnh diện tích lớn đất đồi núi trồng mận, đào, hồng, gia đình ông còn đầu tư phát triển chăn nuôi, thu nhập ổn định. Với vai trò là già làng, lại là Trưởng Công an xã, ông Xồng Phái Đà luôn tìm cách giúp đỡ những hộ gia đình gặp khó khăn, hướng dẫn bà con áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đồng thời tích cực tuyên truyền, vận động bà con thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước…

Vào vườn hồng hàng trăm m2 cạnh nhà ông, tôi ấn tượng trước những cây hồng chi chít quả đỏ mọng, vin cành sà xuống mặt đất. Giống hồng Đà Lạt một cây cũng cho khoảng 200 đến 400 quả. Ông Xồng Phái Đà giải thích: “Nơi đây nhà nào cũng trồng đào, mận, hồng.  Những năm trước, đến mùa thu hoạch, khó có thể mang bán bởi đường sá xa xôi. Nhưng bây giờ, đường nhựa đã vào đến trung tâm ủy ban xã. Bà con cũng đỡ khổ đi phần nào.

Tuy nhiên, cước vận chuyển đắt đỏ, dân bản cũng ước mong đường nhựa mở sâu vào tới bản để việc mua, bán thuận lợi hơn”. Chỉ tay vào đàn gà gô sặc sỡ, ông cười vui: Giờ gia đình tôi chú trọng chăn nuôi, gà gô, gà đen là giống gà đem lại hiệu quả kinh tế cao và đã trở thành “thương hiệu”.Để chống chọi chọi với cuộc sống khó khăn, dân bản Mường Lống đã đẩy mạnh chăn nuôi. Giờ đây, hầu như gia đình nào cũng nuôi trâu, bò, lợn đen, gà ác. Những vật nuôi đó dần trở thành thế mạnh chăn nuôi của vùng. Nhiều gia đình nhờ chăn nuôi giỏi mà có của ăn của để như Lầu Chìa Và, Hờ Bá Chù, Xồng Phái Đà ở bản Mường Lống 2; Lầu Bá Giống, Và Chò Thái ở bản Mường Lống 1...

Thung lũng Mường Lống mùa Đông lạnh thấu xương, ngày Hè nhiệt độ cao nhất trong ngày cũng chỉ trên, dưới 300C. Khí hậu nơi đây là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các loại rau màu. Anh Lầu Bá Lồng - Trạm trưởng Trạm Thực nghiệm Kỳ Sơn dẫn chúng tôi vào khu vườn hàng nghìn m2 ngay tại trung tâm xã Mường Lống. Bên cạnh vườn đào với đủ loại giống cây đang mùa nở hoa, vườn rau 500 m2 được anh chăm bón cẩn thận. Từng luống rau cải thảo, cải hoa, cải quấn xanh ngời, vun vén đẹp mắt.

Anh cho biết: Trạm thực nghiệm nghiên cứu các loại cây vùng ôn đới. Các giống đào Mỹ, đào Úc, Lào, Pháp, đào địa phương, các giống lê, hồng… đã được trồng thực nghiệm nơi đây và chuyển giao giống cây cho bà con dân bản. Các giống rau nhanh chóng được nhân giống trong từng khu vườn, trên nương rẫy bởi khí hậu thuận lợi, không dịch bệnh, sâu hại. Mường Lống trở nên ấn tượng với thương hiệu “rau sạch” của mình. Trong ngôi nhà nhỏ của anh Lầu Bá Lồng, chúng tôi trao tay nhau từng chén rượu ngô bên mâm rau, con gà ác cuộn lá chuối. Ăn rau tại Mường Lống không còn cảm giác ngại ngần bởi thuốc trừ sâu, thuốc kích thích. Chẳng e dè khi gói từng bẹ cải thảo cay giòn, bỏ miếng gà ác ngọt bùi cuộn tròn chấm muối trắng ngồi ăn bên bếp lửa hồng…

Chiều nơi cổng trời ùa đến thật nhanh. Cảm giác mây trắng bịn rịn quấn quýt chân người. Vội vã lên xe trước khi trời tối, anh lái xe lại tiếp tục căng mắt, nín thở nhấn ga khi tiếp tục hành trình đi trong sương mờ để quay trở lại thị trấn Mường Xén… Trời mỗi lúc một lạnh hơn. Mường Lống xa xa chìm vào hư ảo. Thêm một mùa Xuân cho dân bản nơi cổng trời hứa hẹn có một cái Tết sung túc, no đủ…

Cảm giác yêu mến chảy tràn qua tim. Vừa rời xa, nhưng lại ước một lần sẽ được trở lại Mường Lống, trong mù sương cổng trời thơ mộng, được thấy những điều đổi thay, tiếp tục được ăn rau cải, gà ác, ngồi uống rượu ngô bên bếp lửa, ngắm mận tam hoa… bỏ qua những lo toan thường nhật, cười thật giòn bên bếp lửa người Mông…

Hương Giang

Các tin khác