Gia đình xã hội

Ngày xuân bắt vợ ngoại ở cổng trời

09:35, 27/01/2014 (GMT+7)

(Congannghean.vn)-Trong mấy năm gần đây, mỗi khi hoa đào chớm nở, hoa ban trắng xóa núi rừng là lúc các chàng trai dân tộc Khơ Mú, Thái và Mông tại các bản làng ở xã Mường Típ, Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) vượt núi thẳm, rừng sâu để đi “bắt vợ ngoại”. Đó là những cuộc tình cưới theo “lệ”, chàng trai Việt với cô gái đất Triệu voi yêu nhau, thế là nên vợ, nên chồng chứ không theo Luật Hôn nhân và gia đình. Nhưng rồi có những cuộc tình không biên giới chìm sâu vào nỗi buồn man mác…

Chúng tôi đến huyện Kỳ Sơn khi mùa Xuân sắp về, hỏi đường đi Mường Típ mọi người dân đều nói: “Đường vô cùng khó đi, núi cao, vực sâu phải đi bằng xe ôtô 2 cầu mới đến được, tốt nhất là đi xe máy ôm”. Sáng hôm sau, chúng tôi quyết định đi bộ để đến Mường Típ lúc trời còn mù sương. Trèo núi, vượt qua khe, đi gần 2 giờ đồng hồ mà vẫn chưa thấy Mường Típ đâu. Đi được gần 5km, gặp một chàng trai người Mông, tóc đen, thân hình vạm vỡ, vai mang gùi, tay cầm chiếc dao sáng loáng đi rừng.

Anh ta nhìn chúng tôi rồi hỏi: “ Mấy anh chị đi Mường Típ à?”. Đang chuyện trò thì gặp hai cô gái Khơ Mú có khuôn mặt như bông hoa rừng, áo váy sặc sỡ. Hai bên ra giá đi xe ôm 50 nghìn đồng một người và chúng tôi tiếp tục lên đường. Hai nữ xế nổ máy vẻ sành điệu, xuyên rừng cổ thụ với những tầng cây xanh biếc trải dài miên man. Bên đường, những cánh hoa ban, hoa đào chúm chím sắp nở. Chúng tôi đi liên tục hơn 1 giờ đồng hồ nữa thì đến được Mường Típ và bản TaĐo. Trước mắt tôi, những ngôi nhà dân giống như những tổ chim kết lại treo lơ lửng. Lúc này, hoàng hôn tím dần đang buông xuống, trời đã choàng màn đêm mờ ảo lên núi rừng mông lung, huyền thoại.

Bản Tiền Tiêu, xã Nậm Cắn - Nơi có những cặp vợ chồng Việt - Lào chung sống

Vào một gia đình người Khơ Mú, chúng tôi xin nghỉ qua đêm. Cơm nước xong, bên bếp lửa bập bùng, già làng Lừ Phò Thi dáng người nhỏ thó, giọng khàn khàn kể chuyện trai làng đi tìm vợ bên nước Lào: Bọn trai làng phải vượt cổng trời rồi trèo qua núi Pù Hiêng, sau đó vượt dòng sông Nậm Mộ. Từ bờ sông chỉ cần đi dăm phút đồng hồ là đã qua nước bạn Lào rồi. Nếu đi tiếp, cũng chỉ cần thêm mấy bước chân là đến xã Na Mương, huyện Noọng Hét (Lào). Ông Thi kể rằng, cùng thời trai trẻ với ông, có một thanh niên trong bản sau nhiều lần qua biên giới đến Noọng Hét tìm người yêu, đã gặp được cô gái Lào da trắng, tóc đen xinh đẹp.

Tình yêu đến với họ nhanh như cơn gió rừng thổi trên nương, chỉ mấy ngày sau đó, hai gia đình đồng ý cho hai người làm lễ cưới. Những ngày họ sống bên nhau tuy có khó khăn về vật chất nhưng thật hạnh phúc. Còn trường hợp vợ chồng Phò Văn Tuy và Moong Mẹ Tuy nên duyên như một thiên tình sử. Lúc đó bà Moong Mẹ Tuy còn là con gái, đã ngầm “đồng ý” cho anh chàng Tuy thổi sáo. Khi nghe tiếng sáo gợi tình, nàng vội lấy chiếc lá làm khèn thổi nghe reo như tiếng chim, ra hiệu cho chàng đến ngõ để nàng chạy xuống cầu thang nhà sàn chờ anh đưa nàng vào rừng rồi trốn về Việt làm vợ chồng.

Khi làm lễ đính hôn, nhà trai phải mang qua nhà gái bên Lào một chú lợn 90 kg, 5 con gà trống mào đỏ mới biết gáy, một bình rượu cần, mấy vòng bạc trắng. Sau đó chín ngày là tổ chức rước dâu, lại thịt một con lợn đực nặng khoảng 70 kg, hông mấy nồi nếp đồi và 3 chum rượu cần cho người cùng bản làng ăn uống từ trưa tới lúc tắt ánh mặt trời. Rồi họ đốt lửa rừng cùng nhảy và múa lăm vông suốt đêm, trong tiếng khèn réo rắt điệu của bản tình ca Mông muôn thuở. Từ đó, họ tự chăm lo cuộc sống, rồi sinh những đứa con rất kháu khỉnh và khỏe mạnh mang dòng máu cha Việt, mẹ Lào.

Gia đình vợ chồng Phò Văn Tuy nhờ chịu khó lao động, chăn nuôi nên tuy còn trẻ đã có của ăn, của để. Đây là cặp vợ chồng Việt - Lào may mắn và hạnh phúc. Kể đến đây, cụ Lừ Phò Thi mỉm cười, rồi ngủ say sưa bên bếp lửa bập bùng. Còn hai chị em chúng tôi ngủ trên chiếc giường gần bếp than hồng trong sự mến khách của người dân Khơ Mú.
Chúng tôi được già bản đưa đến thăm gia đình anh Học Phò Kèn cũng lấy vợ người Lào là chị Học Mẹ Duy. Ngôi nhà của đôi vợ chồng nằm ven sườn núi được rừng cây bao bọc.

Cô gái người Lào lấy chồng Việt về bản Ta Đo, Mường Típ

Anh Kèn kể: Qua Lào tìm vợ cũng không dễ dàng trôi chảy đâu, phải vượt qua 3 ngọn núi cao chọc trời, phải vượt qua sông Nậm Mộ hung dữ, giá lạnh. Đó là người yêu bên Lào thử thách sự dũng cảm và tình yêu sâu nặng không quản gian nguy để đến với nhau. Ngày ấy, bên Lào quê hương chị Duy sống du canh du cư trên núi cao. Vùng đó, khí hậu độc địa lắm, mới qua thổi khèn lá mấy buổi tối, anh Kèn đã bị ốm và sốt cao. Chị Duy lúc đó là cô gái xinh nhất bản, lại siêng năng, cần cù.

Chị xin phép cha mẹ chăm sóc chàng trai người Việt bị ốm. Với sự chăm sóc ân cần của nàng Duy, chẳng mấy hôm chàng trai Kèn hồi phục khỏe mạnh và hai người nảy nở tình yêu thương thắm thiết như nước dòng sông Nậm Mộ trong xanh không gợn đục. Sau đó, họ nên duyên vợ chồng. Cuộc sống hạnh phúc êm ấm nhưng cũng còn lắm khó khăn, vì quê hương này khí hậu khắc nghiệt, trồng cây lương thực rất khó. Tuy làm cây thuốc phiện dễ sinh lời, nhưng họ đã đoạn tuyệt không trồng cho bọn người xấu. Các con của anh chị giờ đã lớn, họ biết trồng lúa nước, trồng cây ăn quả có giá trị để mang ra thị trấn Kỳ Sơn bán, hoặc đổi hàng về ăn Tết.

Ông Lương Xuân Liệu - Trưởng bản Ta Đo cho biết: Bản Ta Đo có 8 cặp vợ chồng Việt - Lào, hầu hết cuộc sống ban đầu còn vất vả. Bởi các cô gái Lào xinh xắn, hiền dịu lắm, nhưng chỉ quen đốt nương, làm rẫy, không quen việc chăn nuôi và trồng trọt cây thâm canh. Già làng của bản khuyên họ trồng ngô trên đồi, trồng lúa nước gần suối lấy lương thực để dự trữ, nhưng cái lý của họ là trồng lúa, ngô thì vào rừng bẻ măng kiếm ăn nhanh hơn.

Bởi vậy, hiện có 60% cặp vợ chồng Việt - Lào thuộc diện nghèo hoặc cận nghèo. Mấy năm gần đây, nhờ Chính phủ cung cấp thêm lương thực, tiền bạc để làm đường từ thị trấn Mường Xén vào trung tâm xã và cung cấp thuốc men chữa bệnh, nên đồng bào Mông, Khơ Mú và Thái ngày càng ấm no, không cần mời thầy cúng mà vẫn đuổi cái bệnh tật đi xa. Mọi người chăm chỉ làm ăn, xây dựng làng bản, đoàn kết biên giới Việt - Lào ngày càng giàu đẹp.

Có thể nói, từ khi Việt Nam mở cửa với nền kinh tế thị trường, tại các bản Xốp Típ, Phà Nọi, Vang Phao, Na My và Ta Đo, tỷ lệ các cặp vợ chồng Việt - Lào khá đông. Mặc dù cán bộ dân số UBND xã đã đến tận các gia đình vận động thực hiện Luật Hôn nhân và gia đình, nhưng họ cứ im lặng ăn hỏi, cưới dâu bên Lào cho con trai Việt. Họ chưa làm các thủ tục trước khi kết hôn đúng theo quy định của pháp luật. Từ đó, việc đăng ký khai sinh cho các con đến tuổi đi học cũng như để quản lý hộ tịch, hộ khẩu  gặp nhiều khó khăn.

Lê Hoa

Các tin khác