Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201402/nhieu-dia-phuong-phat-hien-gia-cam-nhiem-cum-cuc-thu-y-van-khang-khang-khong-co-dich-450703/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201402/nhieu-dia-phuong-phat-hien-gia-cam-nhiem-cum-cuc-thu-y-van-khang-khang-khong-co-dich-450703/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Nhiều địa phương phát hiện gia cầm nhiễm cúm: Cục Thú y vẫn khăng khăng "không có dịch"?! - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 13/02/2014, 15:04 [GMT+7]

Nhiều địa phương phát hiện gia cầm nhiễm cúm: Cục Thú y vẫn khăng khăng "không có dịch"?!

Hai người chết vì cúm gia cầm, một cán bộ thú y nghi phơi nhiễm cúm gia cầm, hàng vạn con gia cầm bị tiêu hủy do nhiễm cúm… Dịch cúm gia cầm có mặt tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT ban hành nhiều công điện, văn bản “thúc” cấp dưới ứng phó với dịch cúm gia cầm có nguy cơ bùng phát sau Tết. Trong lúc đó, có vẻ, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) “bình chân như vại” khi vẫn thông báo  là “cả nước chưa có dịch cúm gia cầm”.
 
Cúm gia cầm diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương
 
Trạm Thú y TP Kon Tum cho biết, một cán bộ thú y địa phương khi tiếp xúc với đàn gia cầm nhiễm cúm A H5N1 đang có triệu chứng sốt, mệt mỏi, chán ăn. Người bị nghi nghiễm cúm là chị Lường Thị H. (34 tuổi), cán bộ phụ trách thú y cơ sở phường Ngô Mây, TP Kon Tum. Trước đó, chị H. đã tiếp xúc với đàn gia cầm của một gia đình trong phường để kiểm tra và lấy mẫu xét nghiệm trên đàn gà. Những mẫu này được Cơ quan Thú y Vùng 4 Đà Nẵng chẩn đoán và kết luận dương tính với cúm gia cầm H5N1. Trước đó, vào ngày 28/1/2014 tại phường Lê Lợi (TP Kon Tum) cũng đã phát hiện một ổ dịch với gần 1.000 con gia cầm phải tiêu hủy
 
Ngày 11/2, ông Trang Quang Thành, Giám đốc Sở NN&PTNT Đắk Lắk cho biết, sau khi phát hiện hai ổ dịch cúm gia cầm, cúm A/H5N1 xảy ra tại buôn Com Leo, xã Hoà Thắng (TP Buôn Ma Thuột) và xã Ea Ver (huyện Buôn Đôn), lực lượng chức năng đã tiêu huỷ trên 32 con ngan và 394 con vịt. Cùng ngày, ở thôn Nhan Biều, xã Triệu Thượng, thôn Giáo Liêm, xã Triệu Độ, thôn Thượng Trạch, xã Triệu Sơn của huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị cũng đã xuất hiện cúm gia cầm H5N1. Tương tự, tại xã Giao Hà, huyện Giao Thủy, Nam Định đã phát hiện một ổ dịch cúm A/H5N1 tại một hộ đang nuôi 100 con ngan và 400 con vịt đẻ vào ngày 9/2.
 
Từ đầu năm 2014 đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, bệnh cúm A/H5N1 đã xuất hiện ở đàn vịt chưa được tiêm phòng vaccin phòng bệnh của 4 hộ thuộc xã Duy Trinh và xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên và 3 hộ của hai xã Bình Chánh và Bình Nguyên, huyện Thăng Bình. Trước đó, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau cũng vừa tiêu hủy hơn 100 con gia cầm dương tính với cúm A/H5N1 của gia đình ông Nguyễn Văn Co ở xã Tân Phú.
 
Cán bộ thú y phun thuốc tại một chợ gia cầm sống thuộc  tỉnh Quảng Trị
Cán bộ thú y phun thuốc tại một chợ gia cầm sống thuộc tỉnh Quảng Trị
Ngày 6/2, Chi cục Thú y tỉnh Tây Ninh đã tiêu hủy 500 con vịt thả đồng của ông Cao Văn Hải ở ấp Hòa Bình, xã Hòa Hội, huyện Châu Thành bị nhiễm dịch cúm A/H5N1. Tại tỉnh này, dịch đã xuất hiện từ tháng 1-2014, tính đến ngày 11/2, đã có 3 ổ dịch với hơn 2.000 con gia cầm phải tiêu hủy.
 
Sáng 12/2, Chi cục Thú y TP Đà Nẵng đã triển khai các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm, trong đó có biện pháp tiêm vaccin phòng chống dịch cúm gia cầm. Đối với những hộ chăn nuôi dưới 2.000 con, việc tiêm phòng vaccin được thực hiện miễn phí. Các cơ sở chăn nuôi trên 2.000 con trở lên tự lo kinh phí tiêm phòng dưới sự giám sát của cơ quan thú y.
 
Chậm trễ trong công bố dịch?
 
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Đắk Lắk, một trong những nguyên nhân chính xảy ra dịch cúm gia cầm là do các hộ gia đình chủ quan không tiêm phòng dịch. Vừa tiếc tiền, vừa coi cúm gia cầm là chuyện “ở đâu đó” nên chính những người chăn nuôi đang gây khó khăn cho công tác phòng chống dịch. Cụ thể người dân có thói quen chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ theo hình thức kinh tế hộ gia đình, không chuồng trại, không tiêm phòng vaccin và không khai báo với ngành chức năng khi xuất hiện dịch bệnh.
 
Như Báo CAND đã thông tin, loại virus cúm gia cầm nguy hiểm H7N9 đã “tiến sát” nước ta, cảnh báo nguy cơ cao về khả năng bùng phát dịch bệnh mới. Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Công điện về việc tăng cường công tác phòng chống dịch cúm gia cầm lây lan qua biên giới, trong đó nhấn mạnh: Bộ NN&PTNT và Bộ Y tế cùng các địa phương, nhất là các tỉnh biên giới thường xuyên theo dõi sát tình hình dịch cúm gia cầm trong nước và các nước xung quanh; nhằm phát hiện sớm nhất các chủng virus cúm gia cầm mới, độc lực cao khi mới xâm nhập vào trong nước để có biện pháp xử lý kịp thời.
 
Trong khi các địa phương rất quyết liệt trong công tác phòng chống cúm gia cầm thì trên website của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), cơ quan có chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước chuyên ngành và thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực thú y, thì vẫn im lìm. Đến ngày 12/2, trên website của Cục này chỉ có thông tin về tình hình dịch cúm gia cầm, LMLM và tai xanh ngày 10-2 trong đó nhấn mạnh, cả nước không có tỉnh nào có dịch cúm gia cầm? Báo cáo này vẫn ghi một câu chung chung như các báo cáo trước: Các đoàn công tác của Cục Thú y, các Cơ quan Thú y vùng đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống dịch tại các địa phương. Không có dịch thì chỉ đạo gì?
 
Phải chăng có việc các địa phương không báo cáo có dịch cúm gia cầm, giấu dịch? Đặt vấn đề với Giám đốc Sở NN&PTNT Nam Định thì nhận được câu trả lời, ngay khi có kết quả xét nghiệm dương tính với virus H5N1, tỉnh đã có quyết định công bố dịch trên địa bàn xã Giao Hà, đồng thời báo cáo về Cục Thú y. “Quan điểm của địa phương không bao giờ giấu dịch. Chúng tôi công bố rộng rãi tới người dân trên toàn tỉnh. Nghiêm cấm buôn bán, vận chuyển gia cầm trên địa bàn xã có dịch. Mà muốn giấu cũng không được vì chúng tôi phải đưa mẫu bệnh phẩm tới Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương (Cục Thú y) để xét nghiệm”.
 
Các mẫu bệnh tại các tỉnh khác cũng đều được kiểm nghiệm tại các Cơ quan thú y vùng hay trung tâm kiểm nghiệm, chẩn đoán trực thuộc Cục Thú y. Vậy tại sao Cục Thú y vẫn thờ ơ với việc công bố thông tin để người dân cả nước biết?
 
Chiều ngày 12/2, chúng tôi đã liên lạc với ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Thú y để trao đổi về vấn đề này nhưng ông Thành cho biết, mọi thông tin Cục này sẽ giải đáp vào chiều nay, 13/2.
 
Khánh Hòa: Phát hiện ca nhiễm cúm A/H1N1 đầu tiên
 
Nguồn tin trên đã được bác sĩ Nguyễn Văn Xáng - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa cho biết vào ngày 12/2. Bệnh nhân là Huỳnh Thanh Tuấn, 30 tuổi, trú ở xã Vĩnh Thạnh, TP Nha Trang được gia đình đưa đến nhập viện tại khoa hồi sức tích cực và chống độc từ trưa 5/2 với triệu chứng sốt, ho, khó thở, diễn biến tăng lên suy hô hấp nặng, suy đa phủ tạng. Cùng với việc điều trị viêm phổi theo phác đồ của Bộ Y tế, bệnh viện đã đề nghị Trung tâm Y tế dự phòng Khánh Hòa thu thập mẫu bệnh phẩm để tiến hành xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm ngày 11/2 của Trung tâm Nghiên cứu y khoa nhiệt đới thuộc Trường Đại học Oxford tại TP Hồ Chí Minh cho thấy, mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân Huỳnh Thanh Tuấn dương tính với virus cúm A/H1N1. Các kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân này tại Viện Pasteur Nha Trang ngày 8/2 và tại Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh ngày 10/2 đều cho kết quả dương tính với virus cúm A/H1N1. Do diễn biến bệnh trạng anh Huỳnh Thanh Tuấn rất nặng, ngoài các dấu hiệu và biến chứng của cúm mùa, bệnh nhân còn suy tuyến giáp, nên các bác sĩ phải đặt máy thở, lọc máu liên tục và cách ly để điều trị đặc biệt. Được biết ngoài trường hợp nêu trên, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa đang theo dõi 5 bệnh nhân khác bị nghi cúm do virus, hiện đang chờ kết quả xét nghiệm bệnh phẩm.
.

CAND