(Congannghean.vn)-Bản Cam với 100% đồng bào dân tộc Thái sinh sống, đến đầu năm 2014 vẫn còn là bản nghèo nhất xã Cam Lâm, huyện Con Cuông (Nghệ An). Mặc dù lưới điện Quốc gia đã tỏa đi trong phạm vi cả nước, vậy mà bản Cam vẫn chưa có điện. Bên cạnh đó, đời sống kinh tế người dân hết sức khó khăn, giao thông đi lại cách trở, thông tin liên lạc bị hạn chế, điện thoại bàn không có, điện thoại di động cũng không thể bắt sóng.
Từ trung tâm huyện Con Cuông, hỏi đường vào bản Cam mọi người cho biết: “Bản tuy chỉ cách trung tâm UBND xã Cam Lâm không xa nhưng đường đi khó khăn lắm. Phải dũng cảm lên nhé”. Để đến được bản Cam, chúng tôi phải thuê xe ôm chạy từ Quốc lộ 7 vào khoảng gần 10 cây số. Vượt qua biết bao cánh rừng với núi xanh thẳm chọc trời, mây mù bao phủ, khe suối nước xanh như ngọc và những con đường vắt qua đèo núi chênh vênh, nhiều nơi dốc dựng đứng, bên cạnh lại là vực sâu hun hút nguy hiểm rình rập. Những người lần đầu tới bản Cam đều có cảm giác bất an khi ngồi xe máy ôm, chạy trên những con đường nhỏ độc đạo dốc đứng gập ghềnh, mà chỉ một sơ suất nhỏ là xe và người rơi xuống vực sâu.
Chúng tôi thở phào nhẹ nhõm khi đã vào được tới bản. Đường đi lối lại hầu hết chỉ là các con đường mòn ngoằn ngoèo. Từ gia đình này qua gia đình khác phải lội qua khe, lần mò trên lối mòn, đất đá ngổn ngang. Nhà ông Quang Văn Lịch - Bí thư chi bộ nằm bên cạnh một cánh rừng. Đó là ngôi nhà sàn đã cũ, mặt sàn được lát một lớp tre dát nhỏ mỏng, bước đi chân cứ có cảm giác lạnh lẽo. Ông Lịch cho biết: Bản Cam hiện có 127 hộ dân tộc Thái với 587 khẩu, nhưng có 250 người dân bị thiếu đói. Tỷ lệ hộ nghèo tại bản Cam chiếm đến 70%. Người dân bản Cam sinh sống dựa vào nghề đi rừng, chặt củi và làm nương rẫy.
Người dân bản Cam hiện vẫn còn nhiều khó khăn |
Chúng tôi được già làng Vi Văn Kim mời về thăm gia đình. Già làng kể rằng, ông không có vợ, mà cũng không muốn lấy vợ, vì người Thái ở bản Cam nghèo lắm. Mùa đông, hàng trăm em nhỏ và cụ già phải chịu đói và chịu rét khổ lắm. “Dân bản Cam thèm ánh điện lắm, nghe nói Nhà nước đầu tư cho điện về bản mà hàng chục năm nay vẫn không thấy”, già làng Kim cho biết. Trong ánh lửa bập bùng, già bản vừa cho củi thêm vào bếp vừa kể cho chúng tôi biết về bản Cam với những điều huyền bí. Ông chỉ tay về hướng Tây, nơi ấy thời vua Lê có Mê cung lộ, nơi quân ta trú ẩn và bất ngờ ra quân đánh thọc vào bọn giặc Tàu. Tướng giặc nghe nói chốn Cam Lâm là khiếp sợ. Hiện nay cái Mê cung lộ ấy vẫn còn nguyên giá trị nhưng không ai dám tới và đi vào. Ông còn nhấn mạnh: Bản Cam và xã Cam Lâm là quê hương các anh hùng áo vải chống ngoại xâm và là nơi ẩn chứa biết bao câu chuyện huyền thoại…
Bà con bản Cam đa số thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo. Dân bản Cam nghèo do chưa đưa được khoa học kỹ thuật nông nghiệp vào sản xuất và trồng hoa màu, trồng cây ăn quả. Bà con vẫn sản xuất theo lối cổ truyền là đục lỗ tra hạt trên sườn núi để trồng lúa, hoa màu và vào rừng khai thác lâm sản mang về bán để kiếm tiền sinh sống, chữa bệnh và cho con em đi học. Cái nghèo khiến người dân càng không có tri thức. Mấy năm gần đây, may mắn là cả bản đã có một em tốt nghiệp Đại học Luật Hà Nội, nhưng ra trường lại khó xin việc làm. Đây là một dấu lặng buồn cho chính quyền huyện Con Cuông khi chưa quan tâm, ưu tiên cho con em các dân tộc vùng sâu, vùng xa đã có chí vượt khó đi học.
Việc đến trường của các em cũng hết sức khó khăn. Các em nhỏ phải đi bộ gần 10 cây số trong đêm giá lạnh để sáng mai kịp tới trường đúng giờ học. Cam Lâm cũng có trường học bán trú, nhưng chưa thể có trường học nội trú. Hầu hết con em đi học “lúc đi trời tối, lúc về trời cũng tối mịt”. Người dân mòn mỏi trông Nhà nước đầu tư một khu vực nội trú cho con em đi học xa nhà, nhưng vẫn chỉ là trong giấc mơ.
Thương bản Cam, thương lắm các em nhỏ chăm học còn sống trong nghèo đói. Mong rằng Nhà nước cần quan tâm tới bản Cam, tới một bộ phận người dân tộc Thái còn biết bao khó khăn.
.