Gia đình xã hội

Nỗi buồn giữa bản nghèo

08:38, 19/01/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Sinh được 5 đứa con thì cả 5 đứa đều bị tật nguyền, nỗi bất hạnh, khổ đau của người đàn bà người Thái ở miền Tây xứ Nghệ chẳng mấy ai thấu hiểu được.
 
Được trưởng bản Lò Văn Dần giới thiệu, chúng tôi tìm đến nhà bà Lục Thị Huệ (SN 1959) ở bản Cam, xã Cam Lâm, huyện Con Cuông lúc bà cùng hai đứa con tật nguyền đang lủi thủi trong gác bếp.
 
Là chị cả trong gia đình có hai chị em, bà Huệ bị tật ở chân từ nhỏ. Lên 14 tuổi, mẹ của bà bỏ chồng con mà đi sau cơn bạo bệnh. Một năm sau, trong một lần đi làm nương, bà Huệ bị một người đàn ông cưỡng hiếp. Sau lần ấy, bà Huệ có mang rồi sinh được một bé trai đặt tên là Lục Văn Sơn. Con trai bà sinh ra không thấy mặt cha và phải sống nhờ vào sự cưu mang, đùm bọc của ông ngoại. Không đầy một năm sau, cha của bà qua đời, từ đó bà lủi thủi một mình nuôi con khôn lớn. Nhưng buồn thay, lúc con trai bà biết đi lại bị tật cả hai chân, cuộc sống của mẹ con bà Huệ càng thêm khốn đốn.
 
Năm 1983, qua người mai mối, bà Huệ kết hôn với ông Quang Văn Chung (SN 1957) là người ở bản Cam, xã Cam Lâm và con trai bà được mang họ của ông Chung từ đó. Lấy nhau về, bà Huệ sinh cho chồng được tất cả 4 người con (2 trai, 2 gái). Thật không may, cả 4 đứa con của vợ chồng bà sinh ra vốn lành lặn nhưng đến lúc tập đi đều bị dị tật như đứa con riêng của bà. Con gái thứ hai (SN 1984) bị điếc 2 tai; con gái thứ ba (SN 1990) bị tật 2 chân. Với hy vọng có chỗ dựa lúc về già, vợ chồng bà Huệ sinh thêm 2 cậu con trai năm 1993 và 1997 nhưng cả hai người con trai này cũng đều bị dị tật như các anh chị trước của mình. Quá đau đớn, tuyệt vọng, nhiều đêm bà Huệ chỉ biết khóc thương cho số phận mình. May sao, chồng bà là người biết thương và cảm thông cho nỗi đau của vợ: “Ta nuôi con rứa không lành thì cũng phải chịu, giờ khóc than thì giải quyết được gì. Thôi thì hãy gắng gượng mà nuôi chúng” - Ông Chung an ủi người vợ bất hạnh.
 
Bà Huệ cùng 2 đứa con và cháu ngoại tật nguyền
Bà Huệ cùng 2 đứa con và cháu ngoại tật nguyền
Bao năm qua, chồng bà và cô con gái bị câm phải làm lều sống trong rẫy để trồng lúa, ngô để nuôi 7 miệng ăn. Cuộc sống nghèo túng, vất vả nên phải 3 - 5 tháng bố con ông Chung mới về thăm nhà một lần để đưa lương thực cho mấy mẹ con, bà cháu ở nhà trông ngóng. Bữa ăn hàng ngày của gia đình bà Huệ chỉ có cơm trắng với rau rừng. Ngày trước, bà Huệ còn đi rẫy làm lúa nuôi con nhưng 3 năm trở lại đây bà chỉ ngồi một chỗ vì đau lưng, mỏi chân. Thật không may, cả hai cô con gái của bà cũng chịu cảnh không chồng mà có con. Con trai của cô con gái (SN 1984) giờ đã học lớp 1 và chưa một lần được nhìn thấy mặt cha. Từ khi con gái thứ 3 của bà Huệ sinh con đến giờ (vì mẹ không có sữa, cháu phải uống sữa ngoài) nên khoản tiền hỗ trợ tàn tật của 6 mẹ con bà đều dành để mua sữa nuôi cháu. Chưa đầy một tuổi, cháu ngoại của bà Huệ cũng bị dị tật ở chân. Không chỉ vậy, đầu năm 2013, bà Huệ phải đi mổ ruột thừa tốn kém không ít nên cuộc sống của gia đình đã khổ lại càng khốn khó hơn. Mới sang tuổi 54 nhưng vì bệnh tật và lo nghĩ quá nhiều nên trông bà Huệ chẳng khác nào cụ bà 80.
 
Trong 3 gian nhà nền đất lợp prôximăng được bà con dân bản và chính quyền địa phương dựng từ năm 2006 không có cái gì đáng giá ngoài 4 chiếc giường cũ kỹ, cùng 1 chiếc võng gai và vài bức ảnh gia đình. Hàng ngày, chỉ nghe tiếng đôi nạng gỗ lộc cộc của người con trai tật nguyền 37 tuổi và tiếng khóc, tiếng dỗ dành con của cô con gái thứ không chồng. Mùa Xuân sắp đến, khắp nơi người người, nhà nhà chuẩn bị vui Tết, đón Xuân nhưng mấy mẹ con, bà cháu bà Huệ chỉ mong có cơm ăn, áo ấm chứ nào mong mỏi những điều xa xôi.

Duy Ngợi

Các tin khác