Chuyện ghi ở nơi có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất huyện
Theo thống kê năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo của xã Thạch Ngàn (Con Cuông, Nghệ An) cao ngất ngưởng (trên 60%). Trước đây, đời sống người dân xã Thạch Ngàn quá khó khăn, mọi người trong bản kéo nhau vào rừng chặt phá gỗ, săn bắt động vật. Xã Thạch Ngàn trở thành “điểm nóng” về khai thác lâm sản và phá rừng. Cán bộ, đảng viên và bà con nhiều đêm trằn trọc, trăn trở phải làm gì để thoát nghèo. Năm 1992, mô hình làm kinh tế vườn rừng kết hợp chăn nuôi để thoát nghèo của thương binh Vi Văn Thi ở bản Kẻ Trai bắt đầu cho thấy hiệu quả. Ông nhận đất rừng khoanh nuôi bảo vệ, khai hoang trồng thêm các loại cây lấy gỗ và cây nguyên liệu: Nứa, mét, mây, lim, dổi, dẻ… trên mảnh đồi hơn 4 ha, rồi cùng vợ làm ruộng, chăn nuôi, phát triển kinh tế.
Chỉ sau 5 năm, rừng phát triển tươi tốt và ông có gỗ làm nhà, có gỗ bán. Trong vườn ông có những cây gỗ trên 10 năm tuổi. Hiện nay, riêng tính thu nhập từ rừng trên 20 triệu đồng/năm. Ông Vi Văn Thi tâm sự: “Rừng là vốn quý mang lại nhiều lợi ích. Trải qua nhiều khó khăn, nay cánh rừng đã tươi tốt. Tôi có nguyện vọng để con cháu mãi giữ màu xanh này cho bản làng, không chỉ thế mà phải luôn luôn trồng rừng, có như vậy rừng mới bền vững”. Yêu màu xanh của những cánh rừng, cuộc đời ông Thi luôn gắn bó và tiếp tục trồng rừng. Bởi theo ông, cứ phá rừng kiếm lợi trong chốc lát thì dễ, nhưng trồng rừng và giữ rừng bền vững thì mới khó. Lợi ích của rừng đem lại cho con người là rất lớn, vừa kinh tế, vừa giữ được môi trường sinh thái. Việc làm của ông khiến cho nhiều người trong bản, trong xã học tập làm theo.
Nhiều hộ gia đình ở xã Thạch Ngàn đã thoát nghèo nhờ phát triển kinh tế đúng hướng |
Từ mô hình phát triển kinh tế rừng, gắn bó với đất rừng, xã Thạch Ngàn có thêm nhiều gương làm ăn mới như vợ chồng Thắng - Loan, lấy cây mía, chăn nuôi làm chủ lực vươn lên thoát nghèo, trở thành hộ giàu. Hay gương sáng hội viên Vi Thị Hiền, lấy chăn nuôi trâu, bò phát triển kinh tế gia trại. 5 năm trở lại đây, nhờ biết chuyển đổi cây trồng, mùa vụ, lấy cây mía, cây sắn và cây nguyên liệu, kết hợp đẩy mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm làm hàng hoá, cải thiện đời sống, xã Thạch Ngàn đã khởi sắc đi lên.
Đến chuyện xin ra khỏi hộ nghèo
Khi cái Tết Giáp Ngọ 2014 sắp về, mọi người đang hối hả ngược xuôi để lo Tết. Câu chuyện 23 hộ dân xã Thạch Ngàn làm đơn xin ra khỏi hộ nghèo trở thành chuyện giật gân, nóng hổi nhất huyện Con Cuông. Trong 23 hộ xin ra khỏi hộ nghèo, chỉ có 1 hộ người Kinh, còn 22 hộ người Thái ở các bản Đồng Tâm, Đồng Thắng, Khe Đóng, Kẻ Gia. Đồng chí Võ Đình Thành - Bí thư Đảng uỷ xã cho biết: Hiện nay, cả 23 hộ xin ra khỏi hộ nghèo, xã đang tiến hành thẩm tra lại thực tế có hộ nào thật sự khó khăn để có biện pháp động viên giúp đỡ, nhưng nhìn chung, tất cả đều rất phấn khởi, chủ động sản xuất tăng gia, phát triển kinh tế.
Ông Vương Đình Ẩn ở bản Thạch Tiến, xã Thạch Ngàn vừa làm đơn xin xã cho gia đình ông ra khỏi hộ nghèo tâm sự: Vẫn biết rằng, ra khỏi hộ nghèo bước đầu gặp khó khăn, mất một số quyền lợi, nhưng tôi tin sẽ vượt qua và quyết tâm vượt qua, cứ ngồi trông vào nó làm cho con người ta lười biếng ra. Điều quan trọng là, nếu ai cũng cố tình ở mãi trong diện hộ nghèo thì không những gia đình không vươn lên được mà còn cản trở bước tiến của xã hội. Ông cho biết, khi ra khỏi hộ nghèo, thấy lòng mình thanh thản hơn, đầu mình thấy minh mẫn hơn, nghĩ ra nhiều cách làm ăn, sáng tạo hơn trong sản xuất và chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình mạnh hơn. Tất cả các hộ trong diện xin ra khỏi hộ nghèo đều ý thức rõ, nghèo là hèn, là yếu. Trong khi chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước luôn tạo điều kiện cho nhân dân vay vốn, tập huấn kỹ thuật..., mình phải chủ động nắm lấy cơ hội, tự giác vươn lên thoát nghèo, bớt gánh nặng cho Nhà nước. Những suy nghĩ mộc mạc nhưng đầy trách nhiệm của bà con thật đáng quý trọng.
Tại Hội nghị Tổng kết công tác Hội Cựu chiến binh năm 2013 của huyện Con Cuông, ông Lang Vi Hạnh - Chủ tịch Hội CCB huyện cho biết, trong 23 hộ xin ra khỏi hộ nghèo, đi đầu có 9 hộ của Hội Cựu chiến binh. Từ khi xin ra khỏi hộ nghèo, họ có thêm nghị lực và kinh tế gia đình đang phát triển mạnh. Huyện hội đang phát động đợt thi đua học tập gương sáng của họ. Và đề nghị cấp trên khen thưởng, động viên những người đã tự giác thoát nghèo.
Trong đâu đó, không ít kẻ cố tình giả nghèo, sơ tán của cải khi đoàn kiểm tra đến thẩm định để bám bằng được “đói nghèo”. Câu chuyện 23 hộ xin ra khỏi hộ nghèo, tưởng như chuyện lạ nhưng là thật ở các bản Đồng Thắng, Đồng Tâm, Khe Đóng, Kẻ Gia, Thạch Tiến, xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông.
.