Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201312/gia-canh-nguoi-dan-ong-co-hang-nghin-cai-u-tren-co-the-429418/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201312/gia-canh-nguoi-dan-ong-co-hang-nghin-cai-u-tren-co-the-429418/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Gia cảnh người đàn ông có hàng nghìn cái u trên cơ thể - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 17/12/2013, 13:51 [GMT+7]

Gia cảnh người đàn ông có hàng nghìn cái u trên cơ thể

(Congannghean.vn)-Trên cơ thể anh, cơ man không biết bao nhiêu là u. Cái lớn, cái bé chen chúc nhau, hành hạ anh cả trong bữa ăn, giấc ngủ. Nhưng tội nhất vẫn là 2 đứa con, không biết rồi đây, chúng sẽ như thế nào khi trên da hai đứa trẻ bắt đầu xuất hiện những vết chàm to tướng, dấu hiệu xuất hiện của những u là u khắp người như bố. Anh là Phan Hữu Ánh (SN 1975) ở xóm 19, xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn.
 
Hàng nghìn cái u “chen chúc” trên cơ thể
 
Sinh ra bình thường như bao đứa trẻ khác, năm 10 tuổi, trên da anh bắt đầu xuất hiện những vết chàm loang lổ khắp người. Năm 1999, anh và chị Hoàng Thị Liệu (SN 1976) nên duyên vợ chồng.
 
“Lúc đó, trên cơ thể anh ấy chỉ có vài u nhỏ sau lưng, cứ nghĩ chăm chữa bệnh là sẽ khỏi và cũng thương anh ấy hiền lành nên tôi mới lấy”, chị Liệu nói.
Anh Ánh và hai đứa con đang rất cần sự cưu mang của xã hội
Anh Ánh và hai đứa con đang rất cần sự cưu mang của xã hội
 
Những cái u càng lúc càng “tung hoành” khắp người anh, không chỉ sau lưng mà giờ, tay, chân, nhất là trên mặt không còn chỗ cho u mọc nữa. Ban đầu, u chỉ như những nốt mụn dưới da, lâu dần phát triển to như đầu đũa ăn, như ngón tay cái, đến giờ thì có u đã to như cái trứng. U nhỏ thì không đau, nhưng những cái càng to, da cứ mỏng dần, mềm và đụng phải là đau.
 
“Lúc u chưa xuất hiện hàng loạt, anh ấy còn làm được việc đồng áng giúp tôi, mọc càng nhiều và u càng to, anh ấy càng lú lẫn. Giờ nói thì nói thế, tí nữa hỏi lại, anh ấy không nhớ gì hết, anh ấy hay ốm hơn và không làm được việc nặng. Cả ngày chỉ biết đi chăn trâu và giặt quần áo cho cả nhà. Ai nói gì, anh ấy cũng cười”, chị Liệu kể.
 
Chỉ khổ cho hai đứa trẻ
 
Từ khi sinh con, chị cũng bị bệnh u máu trong miệng, cái u cứ làm má chị sưng vù lên, đi mổ hai lần nhưng chưa được. Chồng không làm được việc gì nên chị vừa phải làm công việc của người bố vừa làm người mẹ trong nhà. Ngoài việc đồng áng, chị còn đi mò cua, bắt ốc bán kiếm thêm tiền trang trải cho cuộc sống của cả gia đình và mua thuốc cho chồng, cho con.
 
Do ảnh hưởng chất độc da cam từ bố nên đứa con đầu lòng là cháu Phan Hữu Hoàng (SN 2000) bị dị tật ở chân. Chân trái của cháu nhỏ, chia thành 3 khúc như bị gãy, cháu đi mà người cứ đổ về một bên. Anh chị đưa cháu đi mổ 2 lần nhưng không khỏi. Không chỉ bị dị tật ở chân, thần kinh của cháu cũng không được ổn định. Thích làm gì là làm, khi thì cháu im lặng cả ngày, nhưng khi lên cơn, cháu lại cười một cách ngây ngô. Đã 13 tuổi nhưng cháu chỉ nặng hơn 20 kg. Cháu thứ hai là Phan Hữu Thuận (SN 2005), khi sinh ra cháu hoàn toàn bình thường khiến anh chị rất vui mừng. Niềm vui chưa được bao lâu thì gần đây, trên cơ thể cháu bắt đầu xuất hiện những vết chàm giống anh Ánh lúc nhỏ.
 
Chồng đã thế, giờ lại thêm 2 đứa con, đứa lớn thì chàm đã nổi đầy người, còn đứa nhỏ chàm bắt đầu xuất hiện từng đám. Thương chồng, thương con, nhưng đến cái ăn chị còn phải chạy từng bữa, làm gì có tiền đưa chồng, đưa con đi bệnh viện.
 
Cháu Hoàng thật thà, đi bệnh viện mới có sữa uống, cháu thèm sữa, còn cháu Thuận, đi học thấy các bạn ngày nào cũng mang mì tôm đến lớp, xin thì các bạn không cho nên cứ đi học về là khóc.
 
Ngồi cả buổi, nhưng phải hỏi đi hỏi lại mấy lần, anh Ánh mới nói: “Muốn cho 2 con đi bệnh viện kiểm tra nhưng chưa có tiền, giống tôi thì khổ lắm”.
 
Chúng tôi ra về đúng giờ cháu Thuận đi học, thấy xe máy dựng ngoài sân, cháu cứ mang cặp đứng nhìn. Hỏi ra mới biết, “thấy bạn bè được bố chở đi học bằng xe máy, cháu thích lắm. Bình thường, bố chở cháu bằng xe đạp, trường xa nên bố đi chậm, cháu toàn bị bạn trêu”. Nhìn ánh mắt ngây thơ đó, chúng tôi đã ngược đường đưa cháu đến trường.
.

Lê Việt - Nhuận Như