(Congannghean.vn)-Cùng với thiên tai, lũ lụt hàng năm, nạn khai thác cát trái phép đã làm cho bờ sông Lam sạt lở nghiêm trọng nhiều nơi. Thậm chí, có những đoạn mới được kè đá chống sạt lở, nay cũng đã bị sụt xuống sông…
Sau đợt lũ lụt kéo dài vừa qua, hiện tại, bờ sông Lam đoạn qua bãi Xuân Hòa, thuộc địa phận xóm 3, xóm 4, xã Nam Cường, huyện Nam Đàn lại tiếp tục bị sạt lở. Trước đó, tại địa điểm này, đầu năm 2012, UBND huyện Nam Đàn đã khởi công xây dựng bờ kè rọ đá, bê tông trên chiều dài hơn 1,8 km để chống sạt lở bờ sông. Công trình có tổng mức đầu tư trên 24 tỷ đồng, từ nguồn vốn Nhà nước, trong đó chi phí đấu thầu xây lắp là 18 tỷ đồng. Tuy nhiên, mới đưa vào sử dụng chưa được bao lâu thì công trình này đã bị sạt lở nghiêm trọng, nhiều đoạn rọ đá và bê tông rơi xuống lòng sông. Qua quan sát trực tiếp tại hiện trường cho thấy, ngoài đoạn kè đá bị sụt xuống sông gần 100 m, thì còn khoảng 200 m bờ đất nối từ kè đá đến chân cầu Yên Xuân là bờ đất nguyên thổ cũng bị sạt lở.
Đoạn bờ sông gần 200 m bị sạt lở, uy hiếp đường sắt Bắc - Nam |
Được biết, đoạn bờ sông này thuộc quyền quản lý của ngành Đường sắt. Nhiều năm trước, ngành Đường sắt đã có phương án đóng cọc bê tông chống sạt lở để bảo vệ đường sắt. Tuy nhiên, phương án đó đã không khả thi và tình trạng sạt lở vẫn xảy ra hàng năm. Hiện nay, bờ cọc bê tông của ngành Đường sắt đóng có đoạn cách bờ sông hàng trăm mét, nhiều cọc bê tông đã bị nước sông cuốn đi từ năm nào.
Về nguyên nhân sạt lở, ông Đinh Xuân Quế - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn cho biết: Do thiên tai, lũ lụt hàng năm làm biến đổi dòng chảy, làm cho thềm sông yếu, sụt xuống. Một nguyên nhân khác là tình trạng khai thác cát tự phát trên sông Lam chưa được giải quyết dứt điểm, nạn hút cát trái phép đã làm xói hỏng chân kè.
Từ thực trạng trên cho thấy, nếu các cơ quan chức năng liên quan và UBND huyện Nam Đàn không có biện pháp chấm dứt sớm nạn khai thác cát, sỏi tự phát trên sông Lam thì tiền của Nhà nước đổ ra làm kè đá chống sạt lở sẽ tiếp tục trôi xuống sông theo thời gian…