Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201311/nhuc-nhoi-nan-tao-hon-418455/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201311/nhuc-nhoi-nan-tao-hon-418455/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Nhức nhối nạn tảo hôn - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 21/11/2013, 14:43 [GMT+7]

Nhức nhối nạn tảo hôn

(Congannghean.vn)-Miền Tây Nghệ An đang được sự quan tâm đầu tư phát triển cả về cơ sở vật chất lẫn nâng cao trình độ của con người. Tuy nhiên, miền Tây vẫn đang còn đó những tập tục lạc hậu, tệ nạn mại dâm, ma túy, buôn bán người, trong đó, nạn tảo hôn đang diễn ra khá phổ biến. Tảo hôn đang làm cho những cặp vợ chồng sống trong đói nghèo, tương lai của những đứa trẻ sinh ra không được đảm bảo. 
 
Trong những năm gần đây, bản Tà Sỏi, xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu trở thành "điểm nóng" về nạn tảo hôn. Tà Sỏi là bản đặc biệt khó khăn của xã Châu Hạnh với hơn 140 hộ, bản chỉ cách trung tâm huyện 4 km, nhưng tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 50%, trình độ dân trí thấp, tình trạng trẻ em bỏ học giữa chừng còn nhiều, đó cũng là nguyên nhân làm cho nạn tảo hôn gia tăng. Theo số liệu thống kê từ cán bộ Dân số - Kế hoạch hoá gia đình của bản, trung bình mỗi năm, bản có hơn 30 cặp tảo hôn, nhiều em gái khoảng 13 - 14 tuổi đã phải làm vợ.
 
Chị Lô Thị Lan năm nay mới 20 tuổi mà đã có 2 cháu, cháu đầu đang học lớp 1, cháu thứ 2 mới được 5 tháng tuổi, chị Lan kết hôn ở tuổi 13. Vì nhà nghèo, bỏ học giữa chừng nên đến tuổi 13 thì bị bắt về làm vợ. Sau khi lấy chồng ra ở riêng, cả 2 vợ chồng cố gắng làm lụng nhưng vẫn không đủ ăn.
 
Tại địa bàn xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu, từ năm 2010 - 2012, trung bình mỗi năm có hơn 60 cặp tảo hôn, chủ yếu ở các bản Kẻ Nính, Khe Hán, Khe Bá. Riêng bản Tà Sỏi, 6 tháng đầu năm 2013, đã có hơn 20 cặp tảo  hôn, em nhỏ tuổi nhất là Lô Thị Ba, 13 tuổi, mới lấy chồng được mấy tháng nay. Em Ba cho biết: "Em bỏ học từ năm lớp 6, ở nhà không biết làm chi thì lấy chồng thôi, bố mẹ cũng không ngăn cấm, vì ở đây lấy chồng sớm là bình thường, 18 tuổi chưa lấy là không ai bắt về làm vợ nữa".
 
Nạn tảo hôn đã ảnh hưởng lớn đến chất lượng sống của những đứa trẻ vùng cao
Nạn tảo hôn đã ảnh hưởng lớn đến chất lượng sống của những đứa trẻ vùng cao
 
Tà Sỏi, Châu Hạnh là một trong những bản, xã điển hình của vùng cao về nạn tảo hôn, nạn tảo hôn đã quay trở lại nhức nhối hơn, để lại hậu quả lớn hơn so với những năm trước. Theo ông Vi Văn Dục - Trưởng bản Tà Sỏi thì: "Nhận thức của người dân còn thấp, còn bị chi phối theo phong tục của người Thái, khi người con trai thích người con gái nào đó anh ta có quyền bắt vợ. Dù người con gái không ưng nhưng cũng phải chấp nhận. Chính phong tục tập quán lạc hậu này đã tạo ra những cản trở cho công tác dân số, hôn nhân và gia đình nơi đây".
 
Ông Lê Quang Hướng - Phó Chủ tịch UBND xã Châu Hạnh cho biết: Các truờng hợp kết hôn tuổi vị thành niên đều tổ chức lén lút không thông qua chính quyền cơ sở, hầu như ở xã nào cũng có tình trạng kết hôn ở tuổi vị thành niên, song không thể đưa ra con số thống kê chính xác. Hệ lụy của những đám cưới vợ - chồng đang tuổi tới truờng "ăn chưa no, lo chưa tới" là đói nghèo, con cái sinh ra còi cọc. Bố mẹ chưa trưởng thành nên ý thức và kinh nghiệm chăm sóc con cái cũng vì thế mà rất hạn chế. Vấn đề về chất lượng dân số bị đe doạ, đói nghèo, chậm phát triển sẽ tiếp tục duy trì nếu tình trạng tảo hôn không được ngăn chặn và đẩy lùi.
 
Không chỉ người dân tộc Thái có tục bắt vợ mà đồng bào Mông còn bị chi phối bởi tập tục này một cách nặng nề hơn. Ở các xã, bản có đông người Mông sinh sống thì nạn tảo hôn còn diễn biến phức tạp hơn. Em Vờ Y. L., 15 tuổi, ở xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn phải bỏ học vì bị bắt về làm vợ than thở: "Cán bộ vận động nhiều rồi nhưng tập tục khó bỏ lắm, con trai nó thích là nó đi bắt về thôi, mà đã về nhà trai là làm ma nhà đó rồi, con gái không dám bỏ về, có về cũng không đứa con trai nào lấy, vì đã là ma nhà khác nên đành phải ở lại làm vợ người ta thôi".
 
Có thể mỗi năm, ở tỉnh ta có tới hàng trăm cặp tảo hôn, những cặp tảo hôn không đăng ký kết hôn do chưa đủ tuổi nên số liệu thống kê rất khó chính xác, mặt khác, các gia đình có con em tảo hôn đều dấu chính quyền địa phương. Những đứa trẻ sinh ra cũng chưa thể làm giấy khai sinh do bố mẹ chưa đăng ký kết hôn nên mọi chế độ cho trẻ đều không được đảm bảo, ảnh hưởng rất lớn đến tương lai sau này.
 
Nạn tảo hôn đang diễn biến phức tạp tại vùng sâu, vùng xa ở tỉnh ta, hệ lụy phía sau là rất lớn. Chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng cần tập trung công tác tuyên truyền, vận động để bà con xoá bỏ các hủ tục lạc hậu để hạn chế tình trạng tảo hôn làm ảnh hưởng lớn đến sự phát triển và vi phạm pháp luật.
.

Ngọc Hùng - Ngọc Bích