Thế nhưng, có những phiên tòa, đặc biệt là những phiên tòa xử án ma túy, chúng tôi không khỏi day dứt bởi đằng sau mỗi bản án là số phận mờ mịt của những đứa trẻ vô tội. Những đôi mắt ngơ ngác, sợ hãi của những đứa trẻ - con của những tội nhân buôn bán “cái chết trắng” cứ ám ảnh chúng tôi mãi không dứt.
Cuối năm 2012, khi thời tiết vẫn còn nguyên giá lạnh, rét cắt da, cắt thịt, chúng tôi ngược lên huyện miền núi Kỳ Sơn - nơi cách trung tâm của tỉnh Nghệ An gần 300 km để theo dõi phiên tòa hình sự xét xử lưu động. Lần đầu tiên có phiên tòa lớn ở huyện, bởi vậy, ngay từ sáng sớm, đông đảo người dân là đồng bào các dân tộc kéo tới Trung tâm Văn hóa huyện - Nơi sẽ diễn ra các phiên tòa xét xử để theo dõi. Một người đàn bà khắc khổ, tay dắt đứa trẻ 3 tuổi, tay bế đứa khác chừng hơn 1 tuổi cố gắng chen vào hội trường nhưng bị giữ lại bởi quy định, không để trẻ em vào khu vực xét xử, trừ trường hợp là người liên quan trực tiếp tới các vụ án.
Người đàn bà cố gắng diễn tả bằng vốn tiếng Kinh ít ỏi rằng, 2 đứa bé này là con của bị cáo Vi Thị May - Người phụ nữ sắp bị đưa ra xét xử về tội Mua, bán trái phép chất ma túy. Nhìn 2 đứa trẻ tội nghiệp cứ dán mắt về phía mẹ rồi mếu máo đòi vào, chúng tôi đành bố trí cho 3 bác cháu chiếc ghế gần cổng phòng xét xử.
Giờ nghỉ nghị án, hai đứa con của May cứ nằng nặc đòi vào với mẹ, còn May chỉ có thể hướng đôi mắt nhòe nhoẹt nước ra chỗ hai con. Mặc cho bác gái cố gắng giữ lại và liên tục dọa “các chú Công an bắt” nhưng em bé 3 tuổi vẫn cố bứt khỏi tay bác rồi chạy ào vào chỗ mẹ, dù một cánh tay vẫn đang phải bó bằng lá rừng và treo vào cổ bằng một đoạn dây vải cáu bẩn. Quá bất ngờ, chúng tôi cũng không thể giữ cháu lại. Nhào vào lòng mẹ, em bé khóc nức nở, May cũng khóc. Hai mẹ con cứ ôm riết lấy nhau khiến cả phòng xét xử không khỏi xót xa. Nghe một chuỗi dài tiếng Thái mà em bé nói với mẹ, chúng tôi chẳng hiểu gì nhưng nghe da diết lắm.
Phút nao lòng của bị cáo
Chồng May buôn bán ma túy rồi chết trong tù về bệnh AIDS khi May đang mang thai đứa con thứ 2. Rồi chính May cũng dẫm vào vết xe đổ của chồng khi đứa con chưa tròn năm. Với số lượng ma túy quá lớn, mặc dù đang nuôi con nhỏ nhưng May không được phép tại ngoại, hai đứa nhỏ phải gửi cho bác nuôi hộ. “Con chị bị ngã gãy tay chiều hôm qua, không có tiền đi viện nên tôi kiếm tạm mấy lá thuốc để băng bó cho nó”, người bác cho chúng tôi biết. 15 năm tù là mức án Vi Thị May phải nhận, cũng không hẳn là quá cao so với hành vi phạm tội của May. Thế nhưng, 2 đứa nhỏ phải sống ra sao khi đã mất cha, giờ lại vắng mẹ, trong khi đó, người bác của chúng phải chật vật kiếm ngày 2 bữa cơm để nuôi mấy đứa con của mình và cả 2 đứa cháu?
Gần đây, TAND tỉnh Nghệ An đưa ra xét xử vụ án Vũ Đức Mạnh (trú tại TP Nam Định, tỉnh Nam Định) cùng đồng bọn phạm tội Mua, bán trái phép chất ma túy. Ngán ngẩm thay, cả 5 đồng phạm của Mạnh trong đường dây Mua, bán, vận chuyển hàng trăm bánh hêrôin xuyên biên giới Việt - Lào đều là phụ nữ. Tại phiên tòa, tôi bắt gặp những đứa trẻ bé xíu, trong đó có con trai của bị cáo Nguyễn Thị Nhung (trú tại thị xã Thái Hòa) - Một trong những mắt xích quan trọng của đường dây vận chuyển ma túy từ Lào về Việt Nam) ngừng hút sữa, giương đôi mắt ngây thơ lên hỏi dì: “Răng mẹ không lại gặp cháu?”.
Không chỉ có con của bị cáo Nhung mà còn có những đứa trẻ là con của bị cáo Đinh Thị Huệ (trú tại TP Vinh), Nguyễn Hoài Thu, Nguyễn Thị Châu (trú huyện Quế Phong) cũng có mặt. Chúng tới Tòa để được gặp mẹ và nuôi hy vọng mẹ sẽ trở về trong một ngày gần nhất. Thế nhưng, liệu chúng có hiểu rằng, với số lượng hêrôin khổng lồ ấy, đường về của mẹ chúng gần như đã khép lại và sẽ có người vĩnh viễn ra đi? Phiên tòa bị hoãn để Cơ quan điều tra củng cố thêm một số chi tiết của vụ án. Điều đó đồng nghĩa là, những đứa trẻ ấy sẽ có thêm một lần được gặp mẹ mình, dẫu rằng cuộc gặp gỡ ấy chỉ có thể thực hiện qua đôi mắt nhòe nhoẹt nước của cả mẹ lẫn con.
Có những lần cùng đồng đội bắt đối tượng thi hành án, tôi cứ ám ảnh mãi về những đứa trẻ giương đôi mắt sợ hãi và đầy cầu khẩn hướng về phía những người mặc sắc phục Cảnh sát đang thực thi nhiệm vụ. Chuyện chẳng đằng, cha mẹ chúng mới không được hưởng sự khoan hồng của pháp luật dành cho những phạm nhân đang nuôi con nhỏ. Và những đứa trẻ bỗng nhiên trở thành “mồ côi” ngay cả khi bố mẹ vẫn đang còn sống. Chỉ khác rằng, cuộc sống mới của bố mẹ các em chỉ gói gọn trong 4 bức tường trại giam và họa hoằn lắm mới được gặp con mình trong vài phút ít ỏi thăm nuôi.
Những đứa trẻ ấy sẽ sống và lớn lên như thế nào khi ngôi nhà không còn hơi ấm của cha, của mẹ. Và tại sao chúng lại phải chịu thiệt thòi vì chính những lỗi lầm của các bậc sinh thành? Trong những bức tường của trại giam kia, chắc hẳn bố mẹ các em đang đau đớn, day dứt khôn nguôi bởi chính họ đã cướp mất tuổi thơ của con mình.
K.Hòa - T.Đức
.