Theo số liệu thống kê của Phòng Thu BHXH Nghệ An, tính đến thời điểm ngày 1/11/2013, trên địa bàn toàn tỉnh có 448.394/546.762 học sinh tham gia BHYT, đạt tỷ lệ 82,01%. Trong khi đó, từ năm 2010, BHYT trở thành bắt buộc đối với học sinh, sinh viên và trong năm học này, chỉ tiêu được đưa ra là 100% trường học và 100% học sinh, sinh viên đều phải có trách nhiệm tham gia BHYT.
Bà Trần Thị Thanh Hải - Phó Trưởng phòng Thu BHXH Nghệ An cho biết: Mức đóng BHYT hàng tháng của học sinh, sinh viên bằng 3% mức lương tối thiểu chung. Nhà nước hỗ trợ 100% mức đóng BHYT cho học sinh, sinh viên thuộc diện hộ nghèo, người dân tộc thiểu số; hỗ trợ mức đóng 70% cho học sinh, sinh viên hộ cận nghèo.
Bên cạnh đó, thời gian các đối tượng hỗ trợ cũng được mở rộng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho họ khi tham gia. Tuy nhiên, trên thực tế thì, tỷ lệ các địa phương tham gia BHYT vẫn còn ở mức thấp như thị xã Hoàng Mai 52,09%, Nghĩa Đàn 62,10%, Quỳnh Lưu 66,73%, Hưng Nguyên 69,27%, Con Cuông 70,95%...
Nhận thức rõ những khó khăn, bất cập trong việc thu BHYT đối với các đối tượng là học sinh, sinh viên mà trọng tâm ở đây chủ yếu ở các bậc phụ huynh, vì chính họ là những người có trách nhiệm về các khoản đóng góp của con em mình.
Trong những năm qua, cơ quan BHXH tỉnh có sự phối hợp chặt chẽ với ngành y tế, giáo dục nhằm tuyên truyền, vận động giúp học sinh, sinh viên và các bậc phụ huynh nâng cao nhận thức trong việc xác định tầm quan trọng của việc đóng BHYT. Điển hình như thời điểm đầu năm học này, BHXH tỉnh phối hợp với Sở GD&ĐT, Tỉnh đoàn và UBND huyện Thanh Chương tổ chức buổi truyền thông về công tác BHYT cho học sinh, sinh viên nhằm nâng cao nhận thức cho các em trong việc thực hiện BHYT ngay tại trường học.
Bên cạnh đó, Nhà nước cũng có rất nhiều chính sách hỗ trợ nhằm động viên, khuyến khích các đối tượng tham gia. Tuy nhiên, nhìn vào con số thực tế, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy một điều rằng, nếu cứ theo tiến độ này thì để đạt đến mức thu 100% là điều rất khó thực hiện. Đặc biệt là ở các địa phương miền núi và nông thôn, khi điều kiện kinh tế và đời sống của nhiều hộ gia đình còn gặp nhiều khó khăn thì các bậc phụ huynh không mấy mặn mà với việc cho con em mình tham gia BHYT.
Cần đảm bảo quyền lợi cho học sinh, sinh viên tham gia BHYT - Ảnh minh họa
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng tỷ lệ tham gia BHYT của học sinh, sinh viên ở nhiều địa phương vẫn còn ở mức thấp như hiện nay. Theo lý giải của nhiều bậc phụ huynh thì điều kiện khám, chữa bệnh ở các cơ sở tuyến bảo hiểm chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu nên không thể tạo niềm tin cho họ. Thủ tục hành chính đối với các đối tượng có thẻ BHYT còn rườm rà, mất nhiều thời gian.
Cùng với đó, một vấn đề nổi lên hiện nay đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của dư luận, đó là việc y đức của một bộ phận y, bác sỹ đang bị xuống cấp nghiêm trọng với những biểu hiện suy thoái về đạo đức nghề nghiệp. Tại một số cơ sở tuyến bảo hiểm, chúng ta không khó để nhận ra sự phân biệt, đối xử giữa người khám bệnh bằng thẻ BHYT với người khám bằng dịch vụ nhanh của một số y, bác sỹ. Mặt khác, tại các trường học hiện nay, biên chế cán bộ y tế học đường còn thiếu rất nhiều, chủ yếu làm việc theo hình thức kiêm nhiệm. Chính những yếu tố đó là nguyên nhân cơ bản khiến cho một bộ phận các bậc phụ huynh không mấy mặn mà với việc cho con em mình tham gia BHYT tại trường học.
Mặc dù Nhà nước đã có sự hỗ trợ trong quá trình học sinh, sinh viên tham gia BHYT, nhưng trên thực tế, khi mức lương tối thiểu tăng cũng đồng nghĩa với việc mức đóng sẽ tăng. Trong khi đầu năm học mới, cùng với nhiều khoản mà học sinh, sinh viên phải đóng góp thì việc đóng BHYT cũng là một vấn đề rất khó khăn. Bên cạnh đó, phải thừa nhận một điều rằng, ở một số địa phương chưa thực sự chú trọng vào công tác tuyên truyền, vận động, tác động vào nhận thức của các bậc phụ huynh và con em mình.
Trong khi theo luật thì học sinh, sinh viên là những đối tượng có trách nhiệm tham gia BHYT, nhưng trên thực tế thì lại không có chế tài để bắt buộc hay xử phạt gì nên nhà trường cũng không thể ép học sinh, sinh viên tham gia. Do đó, ở phương diện này, có thể thấy rõ tầm quan trọng của công tác tuyên truyền để các đối tượng tham gia một cách tự nguyện. Và muốn thực hiện tốt điều đó thì yếu tố quyết định đó là phải đảm bảo được quyền lợi khám, chữa bệnh theo chế độ bảo hiểm tại các bệnh viện, cơ sở y tế khi có nhu cầu.
“Riêng về vấn đề tham gia BHYT của học sinh, sinh viên tại các trường học hiện nay thì ngành giáo dục thấy rõ được vai trò và trách nhiệm của mình. So với các năm trước thì rõ ràng năm nay, tỷ lệ tham gia của các địa phương có những chuyển biến theo hướng tích cực. Chúng tôi đã có sự phối hợp với ngành BHXH tỉnh và các cơ quan, ban, ngành có liên quan nhằm nâng cao hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động để tỷ lệ tham gia BHYT đạt được mức cao hơn nữa. Bên cạnh đó, trong năm học này, ngành giáo dục cũng đưa việc tham gia BHYT vào chỉ tiêu thi đua của các trường học và cũng là một trong những yếu tố để xét trường chuẩn Quốc gia ” - Ông Nguyễn Văn Cầu, bác sỹ phụ trách Y tế học đường, Sở GD&ĐT Nghệ An chia sẻ.
BHYT học sinh, sinh viên là một chính sách xã hội lớn mang đến nhiều lợi ích cho các đối tượng tham gia, do đó, nó thực sự trở nên cần thiết và quan trọng đối với môi trường học đường. Thiết nghĩ, trong thời gian tới, các cấp ban, ngành liên quan nên có nhiều giải pháp khả thi hơn nữa nhằm nâng cao tỷ lệ tham gia BHYT tại các trường học, đặc biệt là công tác tuyên truyền, vận động, tác động vào nhận thức của các bậc phụ huynh. Và trên hết, đó là phải đảm bảo được mọi quyền lợi khi khám, chữa bệnh tại các bệnh viện, cơ sở y tế. Có như thế mới tạo được niềm tin để họ cho con em mình tham gia.
Ngọc Anh
.