Càng nhiều hồ chứa, càng lắm nỗi lo
“Khúc ruột” miền Trung, nơi “hứng bão” cho cả nước cũng là nơi có mật độ hồ chứa thủy lợi, thủy điện nhiều nhất cả nước. Đơn cử, tỉnh Thanh Hóa có 610 hồ chứa nhưng có đến 92 hồ không đảm bảo an toàn. Tại tỉnh Hà Tĩnh có 345 hồ chứa lớn nhỏ, 57 đập dâng với tổng dung tích trên 785,6 triệu mét khối nước. Trong số đó, 100 hồ chứa và đập nhỏ đã xuống cấp, đặc biệt 17 hồ đập lớn... đã báo động đỏ. Quảng Bình và Quảng Trị có 277 hồ thủy lợi phần lớn hư hỏng, xuống cấp…
Còn tỉnh Nghệ An có 625 hồ chứa với tổng dung tích hơn 387 triệu mét khối nước thì đa số đã “già” hơn tuổi 40. Trong đó có tới 500/625 đập và thành hồ sạt lở, thấm, nứt, có nguy cơ vỡ trong mùa mưa. Báo cáo của tỉnh Nghệ An cho thấy, để sửa chữa số hồ chứa mất an toàn cần tới hàng nghìn tỷ đồng nhưng ngân sách mỗi năm chỉ cấp cho tỉnh này khoảng 7-8 tỷ đồng.
Sự thiếu thống nhất dẫn đến việc các hồ đập xả lũ làm tăng thêm tình trạng
ngập lũ tại miền Trung vào mùa mưa
Thống kê mới nhất của Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT), hiện nay, trên cả nước có gần 7.000 hồ chứa thủy lợi, thủy điện đang hoạt động. Phần lớn các hồ chứa, nhất là các hồ thủy lợi vừa và nhỏ đã được xây dựng từ 30 đến 40 năm trước nên số liệu tính toán, kinh nghiệm thiết kế, kỹ thuật thi công hạn chế, do đó nhiều hồ đập không còn phù hợp với điều kiện mưa lũ cực đoan hiện nay. Việc thực hiện các quy định pháp luật về quản lý an toàn đập của chủ đập chưa đầy đủ, nghiêm túc. Nhiều chủ đập chưa thực hiện kiểm định đập và kiểm tra tính toán lại dòng chảy lũ, khả năng xả lũ; chưa cắm mốc giới xác định phạm vi vùng phụ cận bảo vệ đập; chưa xây dựng phương án bảo vệ đập, phương án phòng chống lụt bão bảo đảm an toàn đập; chưa lập, phê duyệt phương án phòng chống lũ lụt vùng hạ du.
Quản lý hồ chứa: “Trên bảo, dưới không nghe”
Chỉ thị số 21/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhận định “công tác quản lý Nhà nước về an toàn đập của các Bộ, ngành, địa phương dù đã có nhiều cố gắng nhưng vẫn còn lúng túng, bị động”. Thực tế thì phần lớn hồ chứa loại nhỏ đang nằm rải rác tại các địa phương gần như “ngoài vùng phủ sóng” của Trung ương.
Các Bộ như Bộ NN&PTNT, Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ Công Thương chỉ “quản” những hồ lớn, còn với những hồ chứa loại vừa và nhỏ thì được phân cấp cho địa phương, nhưng “ông chủ” thực sự lại là các đơn vị khai thác thủy lợi. Bởi vậy mới dẫn đến tình trạng, cứ mỗi mùa mưa, khi chính quyền lo ngay ngáy chuyện chống lũ cho dân thì các hồ đầy nước lại thi nhau “tháo van” xả lũ, thêm nước cho vùng hạ lưu, tăng nhanh tình trạng ngập lụt. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nêu dẫn chứng, trong cơn bão số 11 đang gây lũ lụt lớn khắp các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình thì khu vực này có đến 13/20 hồ thủy điện lớn đang xả lũ, chưa kể các hồ thủy lợi.
Ngược lại, nhiều địa phương cũng phản ánh, công tác dự báo mưa chưa được chính xác, dẫn tới câu chuyện “xả lũ giữa lúc mưa to”. Thậm chí, ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa khẳng định “cứ nghe dự báo từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương thì rất nguy hiểm”. Đồng tình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Đinh Viết Hồng cũng cho rằng, trong cơn bão số 10 vừa qua, sự cố tràn hồ Vực Mấu một phần do dự báo mưa chưa chuẩn. Phó Chủ tịch Nghệ An phân trần: “Mưa ở Bắc Nghệ An đo được từ 400-600mm chỉ trong thời gian 10 tiếng, trong khi, con số dự báo từ ngành Khí tượng thấp hơn nhiều nên hồ Vực Mấu với dung tích 75 triệu mét khối nước bắt buộc phải xả”.
Phó Chủ tịch tỉnh Nghệ An dẫn chứng: Số liệu đo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương tại Tĩnh Gia - Thanh Hóa chỉ được 150mm, tại Quỳnh Lưu 388mm, trong khi số liệu từ các hồ đo được là 700-800mm.
CAND
.