Từ những cuộc vui… “chết tiền”...
Một buổi tiệc gặp mặt, hội họp, ra mắt… với số tiền hàng triệu đồng không còn xa lạ đối với một số sinh viên hiện nay. Ngược lại, họ xài những đồng tiền không phải tự tay mình làm ra một cách hoang phí, miễn sao được vui và được bạn bè nể phục.
Cuộc gặp mặt những người đồng hương quê ở Nam Đàn của bạn Nguyễn Đình Long, sinh viên năm thứ 2 Trường Đại học Vinh là một ví dụ điển hình. Nhóm bạn gồm 12 người, thu được 3,6 triệu đồng tiền đóng góp. Tới ngày họp mặt, tất cả tập trung tại nhà hàng đã được đặt sẵn rồi cùng ăn nhậu cho đến lúc “ngốn” hết sạch số tiền kia mới chịu đứng dậy chào nhau bằng những cái bắt tay thân mật. Được biết, nhóm đồng hương này thể hiện “tình đoàn kết” bằng cách cùng nhau hội họp 1 tháng/lần.
Đáng nói hơn là trường hợp của bạn Nguyễn Mai Ngân, sinh viên năm thứ 3 Trường Cao đẳng Sư phạm Vinh. Nhân dịp sinh nhật lần thứ 21, Ngân chịu chi số tiền 3 triệu đồng vừa xin được của bố mẹ để làm một bữa tiệc “nhỏ” chung vui cùng bạn bè. Một chiếc bánh kem vài trăm nghìn, vài món nhậu đắt tiền cùng dăm thùng bia là kết thúc tăng 1. Để tăng thêm phần ý nghĩa, tất cả lại rủ nhau đi tăng 2 với một chầu karaoke vài tiếng đồng hồ.
Cuộc sống của sinh viên nhìn chung đều rất eo hẹp về kinh tế, số tiền cha mẹ chu cấp hàng tháng chỉ đủ chi tiêu vào các khoản như phòng trọ, ăn uống và sinh hoạt hàng ngày. Chịu chi một số tiền lớn để có một bữa tiệc vui đồng nghĩa với việc sinh viên chịu đói cả tháng. Cũng vì thói ăn chơi một cách quá đà mà nhiều bạn đã bày ra không ít lý do khác nhau để ngửa tay xin thêm phụ cấp từ gia đình. Đó là chưa kể đến những trường hợp lần lượt xách máy tính, điện thoại ra tiệm cầm đồ để “gửi tạm”. Bạn Hoài Nam, sinh viên năm thứ 2 Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh phải gia hạn chiếc laptop của mình đến lần thứ 3 tại tiệm cầm đồ chỉ vì một bữa tiệc ra mắt người yêu với bạn bè vài tháng trước. Đến tận bây giờ, Nam cũng chưa đủ tiền để đưa chiếc laptop của mình trở về vị trí cũ.
Câu nói “nghèo như sinh viên” giờ đây không còn trọn vẹn theo cách hiểu cũng như quan điểm sống của một số sinh viên có xu hướng chạy đua theo thời thượng. Môi trường sống cùng nhiều mối quan hệ không lành mạnh đã làm cho không ít bạn bị tha hóa, sống buông thả, đua đòi. Điều này không chỉ đẩy các bạn vào cuộc sống khốn cùng vì túng thiếu mà còn để lại nhiều hậu quả khó lường. Là một trong những nguyên nhân dẫn đến con đường phạm pháp.
... Đến xu hướng dùng bạo lực
Cách đây không lâu, Báo điện tử Công an Nghệ An đăng tải đoạn clips về nữ sinh ở huyện Đô Lương đánh nhau gây xôn xao cư dân mạng. Trong đoạn clips này, một nữ sinh tóc ngắn, mặc áo đen vừa đánh tới tấp vào mặt, vừa chửi tục theo kiểu “dạy dỗ” rất “đàn chị” đối với một bạn nữ sinh mặc áo vàng. Cuộc ẩu đả diễn ra thu hút rất đông “khán giả” nhưng không một ai trong số đó có ý thức đứng ra can ngăn. Một thái độ vô cảm đến không ngờ.
Giữa một rừng công nghệ thông tin như hiện nay, lớp tuổi teen thỏa sức làm những gì mình mong muốn như chụp hình, quay clips tung lên các trang mạng xã hội như Facebook, Yahoo… Nhưng cũng chính vì quá thuận lợi, quá thoải mái như thế mà không ít bạn trẻ tự mình rơi vào cạm bẫy, dễ dãi buông thả bản thân theo các cuộc hẹn hò chóng vánh, theo các cuộc vui chóng tàn ở… nhà nghỉ, khách sạn. Cũng không ít giới trẻ vì muốn nổi tiếng mà không từ thủ đoạn tạo scandal, tự khoe thân thể mình trên các trang mạng.
Trường hợp của Lê Thị Huyền Anh (bà Tưng), quê ở Yên Thành (Nghệ An) khiến cư dân mạng dậy sóng. Vì muốn nổi tiếng, Huyền Anh không từ thủ đoạn khoe thân thể của mình, có những hành động quá ngông như ngậm bao cao su, không mặc áo ngực khi đến trường… Những hành vi đó không những không chứng minh được họ đã lớn, mà chỉ càng tạo thêm những ánh nhìn và suy nghĩ không mấy tốt đẹp về giới trẻ mà thôi.
Nếu như trước đây, vấn đề vi phạm pháp luật của tầng lớp trẻ chủ yếu là trộm cắp, gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích thì ngày nay, tính chất, mức độ của tội phạm lại nguy hiểm (gây chết người) và phức tạp hơn nhiều. Mới đây, ngày 29/8, TAND tỉnh Nghệ An đưa bị cáo Trương Văn Thuế (SN 1994) trú tại xóm Tiên Long, xã Nghĩa Minh (Nghĩa Đàn) ra xét xử. Gộp cả hai tội danh Giết người và Cố ý gây thương tích, Thuế phải nhận mức án 20 năm tù giam. Hay mức án 7 năm tù giam đối với bị cáo Nguyễn Thế Hưng (SN 1995) trú tại phường Đội Cung (TP Vinh) với tội danh Hiếp dâm trẻ em và Trộm tài sản.
Bên cạnh đó, chưa kể đến một số bộ phận giới trẻ khác có lối sống buông thả, vô lễ với cha mẹ, thầy cô… Điều này càng chứng tỏ đạo đức giới trẻ đang có xu hướng xuống cấp, tha hóa. Các em ngày càng manh động, có xu hướng dùng bạo lực để chứng tỏ mình hơn là dùng tài năng, lối sống trong sạch, lành mạnh.
Xã hội phát triển nhanh, nhận thức con người của giới trẻ thay đổi quá mạnh mẽ, các giá trị xã hội biến đổi chóng mặt… Tất cả hình thành một nếp nghĩ mới, táo bạo, hiện đại, thực tế và có khi thực dụng. Việc người lớn xây dựng chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực hành vi chưa theo kịp với sự bắt nhịp nhanh chóng của lớp trẻ làm cho khoảng cách già - trẻ ngày càng bị nới rộng hơn. Do đó, người lớn nhìn các bạn trẻ “sống” với lăng kính đầy nghi ngại.
Để cho những thế hệ tương lai có cái nhìn tích cực và có trách nhiệm hơn với gia đình, xã hội, các bậc phụ huynh cần có sự quan tâm đúng mức đến nhận thức của con em mình, giúp họ có định hướng đúng đắn về tương lai. Đồng thời, hướng trẻ tới một lối sống lành mạnh, có lý tưởng, biết xây dựng cuộc sống dựa trên những lý tưởng cao đẹp. Thế hệ trẻ là thế hệ của tương lai, những người sẽ nắm giữ rường cột của đất nước. Vì thế, lối sống và suy nghĩ của họ có ảnh hưởng nhất định đến sự phát triển của xã hội. Vậy làm sao để giới trẻ nhận thức được sự nguy hiểm của những lối sống mà họ đang chìm vào để chủ động thay đổi nó là một vấn đề mà xã hội cần phải nghiêm túc nhìn nhận, xem xét và đưa ra những hướng giải quyết tốt nhất.
Đoàn Hoàng
.