Tâm điểm: Thất kinh cách làm sạch nội tạng
Khác với các nước phương Tây, ở Việt Nam, nội tạng động vật lại được cho là món ăn khoái khẩu và bổ dưỡng. Những quán lolotica (lòng lợn tiết canh) mọc lên khắp nơi, người ăn cứ ăn, người mua cứ mua, song, nó có sạch và đảm bảo vệ sinh hay không thì nhiều người phớt lờ.
Thế mới hay, tuần qua, người tiêu dùng đã phải giật mình, khiếp sợ khi báo chí đồng loạt loan tin tại một lò giết mổ ở Thanh Oai (Hà Nội), nội tạng sau khi được tách khỏi thân lợn, được vứt thành đống trên nền gạch. Một vài người tay cầm vòi xịt, chân đi ủng còn bám đầy phân, nước thải, dùng hết sức giậm vào từng đống nội tạng rồi vứt ra một góc chờ các tiểu thương đến thu gom để bán ra thị trường.
Ăn lòng lợn tiết canh thế này... |
Theo tiểu thương đến lấy hàng, tuy chuyên bán các loại nội tạng tươi sống nhưng chưa bao giờ chị mua chế biến cho gia đình ăn. Ế quá thì bán với giá rẻ như cho cho các quán cơm bình dân, bởi “trong lòng lợn chứa rất nhiều giun sán. Có lần rửa lòng lợn trước khi đem ra bán mà tôi nôn ọe mấy lần vì những con sán dài, những con giun ngoe nguẩy đầy trong lòng lợn. Một bộ lòng mà phải đến gần cả bát con giun sán”.
...ai biết trước đó chúng được vứt bừa bãi trên nền nhà, giun cả bát và được tẩy sạch bằng hóa chất, dẫm bằng ủng. |
Trước đó không lâu, tại khu chợ tự phát gần cầu Rạch Đĩa 1, đường Lê Văn Lương (phường Tân Hưng, Quận 7, TP.HCM), người bán nội tạng còn giặt nội tạng sống bằng tay, khi thì dùng bùi nhùi rửa chén để chà. Với những miếng nội tạng thâm ố chuyển màu vì đông lạnh lâu ngày, người bán còn chà mạnh dưới nền gạch ngập nước thải đen ngòm.
Đến tay người tiêu dùng, không ai hay biết thực phẩm đã bẩn từ gốc, lên bàn ăn bỗng tươi ngon nhờ hóa chất độc hại.
Tin nóng: Đậu phụ độn thạch cao
Theo người làm đậu phụ, nếu làm đậu bằng nước muối, cứ 2,7kg đậu nành sẽ nấu ra được 7kg đậu phụ còn làm bằng thạch cao, thì cũng với số đậu đó sẽ cho ra sản lượng gấp đôi. Vì vậy, đậu phụ làm bằng nước muối thường có giá thành cao gấp đôi. Trong khi đó, dân buôn bán đậu phụ dạo lại cho biết, không có thạch cao thì làm sao ra đậu phụ được.
Theo TS. Trần Bích Lam, giảng viên bộ môn công nghệ thực phẩm, khoa Kỹ thuật hoá học (ĐH Bách khoa TP.HCM), thạch cao (Cacbonat canxi) là chất được cho phép sử dụng trong thực phẩm, dược phẩm và nhiều lĩnh vực khác như nha khoa, mỹ thuật, kim hoàn... Cacbonat canxi được sử dụng trong sản xuất đậu phụ vì là chất giúp tạo kết tủa trong sữa đậu nành. Khi cho quá nhiều thạch cao vào, miếng đậu phụ sẽ có độ cứng, cầm nặng tay. Chỉ bằng cảm quan bên ngoài thì không thể phân biệt đậu phụ làm bằng thạch cao xây dựng hay thạch cao thực phẩm.
TS. Lam cho biết, thạch cao dùng trong xây dựng có lẫn nhiều tạp chất, tuỳ theo vùng khai thác có thể chứa các kim loại nặng như chì, thuỷ ngân, cadmi... Nếu sử dụng thạch cao còn lẫn nhiều tạp chất cho thực phẩm sẽ gây bệnh tuỳ theo loại kim loại nhiễm phải, chẳng hạn như nhiễm chì sẽ gây ngộ độc chì, đau bụng, buồn nôn, suy gan, thận, trẻ em bị thiểu năng trí tuệ.
Xúc xích bẩn Trung Quốc tuồn vào VN
Ngày 10/9, khi kiểm tra bất ngờ một lô hàng thực phẩm lậu được tuồn vào nội địa, Đội Quản lý thị trường số 1 phối hợp với Tổ liên ngành chống buôn lậu TP. Lào Cai đi tuần tại khu vực bờ sông Nậm Thi tại km 1+500 quốc lộ 70 thuộc địa phận phường Lào Cai - TP Lào Cai phát hiện và bắt giữ 264 kg xúc xích, hơn 3.600 quả trứng gia cầm... không có giấy tờ liên quan.
Trước đó, chỉ trong buổi sáng ngày 14/8, các cơ quan chức năng tỉnh Lào Cai cũng đã bắt giữ hơn 200kg xúc xích có nguồn gốc từ Trung Quốc nhập lậu về Việt Nam.
Hàng nhập lậu từ Trung Quốc ồ ạt tấn công thị trường nội địa từ nhiều ngả đường đang là vấn nạn gây nhức nhối. Trong đó, đáng lo ngại nhất là các loại mặt hàng thực phẩm. Các cơ quan chức năng hiện mới thống kê được những lô hàng bị bắt, còn bao nhiêu thực phẩm lậu lọt vào nội địa thì... bó tay.
Phát hiện 1,5 tấn mực khô giả
Ngày 11/9, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Trị cho biết, số mực khô xé nhỏ 1,5 tấn không rõ nguồn gốc, có biểu hiện “đàn hồi như dây thun” được bắt giữ vào ngày 27/8 khi kiểm tra một chiếc xe chạy từ Hải Phòng vào TP.HCM là mực giả.
Theo kết quả kiểm định của Trung tâm kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm thuộc Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên - Huế cho thấy đây không phải mực khô. Thành phần chính của loại mực khô này là chất xơ; hàm lượng protein chỉ đạt khoảng 50% so với quy định; nếu sử dụng có thể gây hại cho sức khỏe.
Được biết, thông tin về mực giả làm từ cao su đã có từ năm 2010 ở Hà Nội và vào giữa năm 2012, loại mực cao su cũng được bán tràn lan tại nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Mới đây nhất, vào tháng 7/2013 rộ lên thông tin mực khô ở Bà Rịa - Vũng Tàu được làm bằng cao su. Tuy nhiên, cơ quan chức năng đã vào cuộc và khẳng định không phát hiện mực khô làm từ cao su ở đây.
Bánh trung thu có phụ gia độc hại
Càng cận Rằm tháng tám, thị trường bánh trung thu càng nhộn nhịp. Thế nhưng, bên cạnh vấn đề giá cả, mẫu mã, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm luôn khiến người người tiêu dùng bất an.
Tại TP.HCM, mới đây nhất cơ quan chức năng thành phố đã phát hiện vụ việc hai đơn vị sản suất bánh trung thu không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm khi đã sử dụng một số chất phụ gia thực phẩm (sodium dehydro acetate; citric acid mono hydrate) không có nhãn mác rõ ràng và không cập nhật kiến thức an toàn thực phẩm cho người lao động trong quá trình kinh doanh.
Theo TS. Trần Bích Lam, giảng viên bộ môn Công nghệ thực phẩm, Khoa Kỹ thuật hóa học, ĐH Bách khoa TP.HCM: “Với những loại chất này, người ăn bánh trung thu đặc biệt là trẻ em sẽ có nguy cơ bị hóa chất làm ảnh hưởng đến các cơ quan tiêu hóa, gan, thận”.