Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201309/30765-dung-bien-tru-so-ubnd-xa-thanh-noi-siet-no-cong-dan-403064/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201309/30765-dung-bien-tru-so-ubnd-xa-thanh-noi-siet-no-cong-dan-403064/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Đừng biến trụ sở UBND xã thành nơi 'siết nợ' công dân - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 17/09/2013, 08:00 [GMT+7]
30765

Đừng biến trụ sở UBND xã thành nơi 'siết nợ' công dân

Thực hiện chủ trương đưa trường tiểu học xã nhà trở thành trường chuẩn Quốc gia mức độ 2, UBND xã Tràng Sơn quyết định xây dựng một cơ sở 12 phòng học. Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, UBND xã đã vận động các nhân khẩu có độ tuổi từ 6 - 80 đóng góp với mức 500.000 đồng/khẩu. Khi triển khai họp dân tại 13 xóm, người dân phản đối kịch liệt, UBND xã Tràng Sơn đã giảm độ tuổi phải đóng góp xuống từ 7 - 70 nhưng nhiều hộ dân vẫn không đồng tình.
 
Họ cho rằng, mức đóng góp 500.000 đồng/khẩu là quá cao, trong khi đời sống của người dân nông thôn còn gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, đối tượng đóng góp có cả người không nằm trong độ tuổi lao động, nhiều cụ già không có lương hưu, không có thu nhập vẫn phải đóng góp xây dựng trường. Thay vì tiếp tục vận động, làm công tác tư tưởng, xử lý sự việc thấu tình đạt lý để nhận được sự hưởng ứng của người dân thì UBND xã Tràng Sơn vẫn bảo lưu quan điểm của mình để thực hiện.
 
Việc đóng góp được thực hiện trong 3 năm, năm 2013, 2014 mức đóng là 200.000 đồng/khẩu/năm, số còn lại sẽ được đóng đầy đủ vào năm 2015. Một số người dân khi lên giao dịch làm thủ tục giấy tờ cho con cái nhập học, do chưa nộp tiền đóng góp xây dựng trường đã bị chính quyền từ chối làm việc, ký tên đóng dấu.
 
Người dân bức xúc trước việc làm trái khoáy của UBND xã Tràng Sơn
 
Chị Nguyễn Thị Hòa, công dân xóm 11 cho biết, gia đình chị thuộc đối tượng hộ cận nghèo, từ thị trấn Đô Lương chuyển về đây ăn nhờ ở đậu, không có lấy một tấc đất cắm dùi và đất sản xuất cũng không có. Chị xin nhờ đất, làm một cái nhà tạm cạnh Bến xe chợ Lường để vợ chồng con cái chui ra chui vào. Vợ chồng không có công ăn việc làm ổn định, làm thuê bữa đực bữa cái nuôi con ăn học, thu nhập chỉ đủ lo bát cơm manh áo.
 
Cách đây 10 ngày, chị mang các giấy tờ lên xã xin chứng thực hộ cận nghèo để giảm mức đóng học phí cho 2 đứa con đang theo học tại các trường trên địa bàn thị trấn Đô Lương thì cán bộ tư pháp cho biết, gia đình chị phải đóng đủ số tiền 1 triệu đồng (gia đình chị có 5 nhân khẩu trong độ tuổi phải nộp) thì mới làm hồ sơ thủ tục. Do không có tiền nộp, chị đành ngậm ngùi ra về trong ấm ức.
 
Ngân ngấn hai dòng nước mắt, chị Hòa bức xúc: “Mẹ chồng tôi là mẹ Việt Nam anh hùng, có 2 con là liệt sỹ hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, nhà tôi lại thuộc diện hộ cận nghèo. Chủ trương xây dựng trường, chúng tôi rất đồng tình nhưng với mức đóng như thế, làm sao tôi xoay xở đủ. Không làm được giấy tờ, cũng chưa có tiền nộp các khoản đầu năm học, mấy ngày nay, các con về hỏi mẹ vì sao chưa đem tiền đi nộp, tôi chỉ biết khóc vì thương con. Không hiểu sao, UBND xã lại tàn nhẫn thế, vì bố mẹ không có tiền nộp mà nỡ làm các con tôi phải khổ lây”.
 
Chị Nguyễn Thị Hòa chỉ biết khóc khi con cái hỏi về các khoản đóng góp đầu năm học
 
Ông Nguyễn Đức Cường, cùng xóm 11 cũng cho biết, con trai ông là Nguyễn Đức Hoàn, đậu Đại học Giao thông Vận tải với 22 điểm, khi cháu lên xin làm giấy tờ để nhập học cũng bị từ chối vì gia đình chưa nộp tiền xây dựng trường. Cực chẳng đã, ông dẫn con lên và nộp cho xã 200.000 đồng mới được chấp nhận làm giấy tờ.
 
Một số cán bộ về hưu, các bậc cao niên tại xã Tràng Sơn cho biết, việc xây dựng để Trường Tiểu học Tràng Sơn đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2 là một chủ trương đúng. Tuy nhiên, điều kiện kinh tế người dân đang khó khăn, nhiều hộ đông nhân khẩu nhưng lại thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, một số hộ con cái không học ở xã hay không nằm trong độ tuổi lao động nên việc đóng góp với mức như vậy là quá cao. Hơn nữa, việc UBND xã Tràng Sơn bắt buộc phải nộp tiền xây dựng trường rồi mới làm thủ tục để con em nhập học, công tác là việc làm không đúng khiến nhân dân bức xúc.
 
Chủ trương này đã không nhận được sự đồng thuận trong nhân dân cả 13 xóm của xã Tràng Sơn. Trong khi đó, ông Lương Văn Toản - Chủ tịch UBND xã Tràng Sơn cho biết, chủ trương này đã được 13/13 xóm nhất trí. Hiện nay, toàn xã nộp được khoảng 60% số tiền đóng góp, tất cả đã được nộp vào Kho bạc Nhà nước. Số còn lại, theo chỉ tiêu năm nay sẽ thu vào đợt 2 (?). Còn việc dân không nộp tiền mà xã không giao dịch là không có.
 
“Quan điểm của xã là sẽ giao dịch nhưng trong giấy tờ sẽ ghi thêm là hộ gia đình đó chưa hoàn thành nghĩa vụ, không làm đúng quy định của địa phương. Trường hợp không đóng dấu là không có mà chỉ mang tính chất vận động đóng một ít...” - Ông Toản thanh minh.
 
Có hay không những việc làm trái khoáy ở xã Tràng Sơn, các ban, ngành hữu quan cần sớm vào cuộc làm rõ. Đừng biến trụ sở UBND xã trở thành nơi “siết nợ” công dân.

Văn Dũng
.