Hồ nước sinh hoạt thành ao xả rác
Theo phản ánh của nhiều người dân, chúng tôi có mặt tại hồ Bộc Nguyên và hết sức bất ngờ trước thực trạng nguồn nước sinh hoạt, ăn uống của hơn 20 nghìn hộ dân đang bị ô nhiễm một cách nghiêm trọng. Ngay giữa lòng hồ, từng đàn trâu, bò đang tha hồ vùng vẫy trong làn nước đục ngầu. Còn xung quanh bờ được phủ đủ loại rác thải như bao nilon, bao tải, xác động vật, phân trâu, bò nổi dập dềnh trên mặt nước. Tiếp tục đi sâu vào thượng nguồn khu vực khe Thình Thình, xung quanh nơi đây có khoảng hơn 40 hộ dân sinh sống và nguồn nước thì đen kịt, có mùi tanh nồng, chứa đầy xác chết gà, vịt. Còn dọc hai bên bờ suối, rất nhiều nhà vệ sinh “lộ thiên” mà từ đó, hàng ngày người dân nơi đây vô tư xả “chất thải” thẳng xuống dòng suối. Nguy hiểm hơn, lẫn trong đám chất thải hỗn độn ấy còn có rất nhiều chai, lọ thuốc trừ sâu, diệt cỏ nổi bồng bềnh.
Ngoài các loại rác thải đang tấn công nguồn nước sinh hoạt do người dân xả vào lòng hồ, hiện nay tại khu vực đầu nguồn, nhiều khu vực rừng tự nhiên đã được chuyển sang trồng cây cao su. “Việc trồng cây cao su ở thượng nguồn hồ Bộc Nguyên như hiện nay, chúng tôi cũng đang rất lo ngại khi lũ về, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cho việc trồng cây cao su sẽ trôi theo dòng nước đổ xuống lòng hồ Bộc Nguyên, gây ô nhiễm nguồn nước” - Anh Nguyễn Văn Tuấn, một người dân sống khu vực này cho biết.
Thuốc trừ sâu, diệt cỏ trôi nổi trên nguồn nước thượng nguồn
Biết ô nhiễm nhưng không giải quyết nổi…
Trước thực trạng nguồn nước sinh hoạt hồ Bộc Nguyên bị ô nhiễm, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Quý - Giám đốc Công ty MTV Cấp nước và Xây dựng Hà Tĩnh về sự việc trên, ông Quý cho biết: “Hồ Bộc Nguyên là hồ nước quan trọng để phục vụ nguồn nước sạch cho TP Hà Tĩnh và các huyện lân cận. Về vấn đề trâu, bò chăn thả, tắm trên hồ hay các chai thuốc trừ sâu, diệt cỏ… trôi nổi thì chúng tôi cũng đã có những cuộc họp liên ngành với UBND huyện Thạch Hà để tìm phương hướng giải quyết, nhưng đây chủ yếu là ý thức của người dân thôi! Đội Quản lý của chúng tôi thì chỉ quản lý mặt thoáng gần nhất, tầm nhìn bằng mắt thường thôi chứ không trực tiếp xuống lòng hồ kiểm tra. Công ty có biết những vấn đề trên nhưng giải quyết không nổi…”.
Khi được hỏi đến vấn đề Công ty trồng cây cao su ở rừng đầu nguồn có ảnh hưởng đến nguồn nước sạch hay không? Ông Quý trả lời: “Dĩ nhiên cây cao su không nên trồng ở thượng nguồn, ít nhiều nó cũng sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước, nhưng hiện chúng tôi chưa thể đo được độ ô nhiễm ở thời điểm này…”. Theo tìm hiểu được biết, số diện tích cao su tại vùng rừng đầu nguồn do Công ty Cổ phần Việt Hà - Hà Tĩnh có địa chỉ ở phường Đại Nài, TP Hà Tĩnh quản lý. Công ty trồng cây cao su đã được 3 năm nay.
Ông Hoàng Hữu Thanh - Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Điền cho biết: “Thực trạng chất thải gây nguy cơ ô nhiễm ở thượng nguồn hồ Bộc Nguyên, chúng tôi đã từng có ý kiến với chính quyền địa phương phối hợp tuyên truyền, vận động người dân phải có ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh nguồn nước, nhưng một số người dân còn thiếu ý thức. Hiện, ở dọc khe Thình Thình có trên 40 hộ dân làm trang trại sinh sống, chất thải chủ yếu từ những hộ dân nơi đây thải ra…”.
Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng có liên quan cần sớm kiểm tra và có giải pháp triệt để, trả lại sự trong lành cho hồ Bộc Nguyên cũng như nguồn nước sạch cho nhân dân.
Bùi Trung
.