Tuy nhiên, để cho những người một thời từng lầm lỡ sau khi mãn hạn tù sớm hoàn lương, hòa nhập với cộng động xã hội cũng là bài toán cần phải có lời giải của cả cộng đồng xã hội. Mỗi năm, trên tất cả các trại giam trong cả nước có hàng nghìn phạm nhân được đặc xá, mãn hạn tù được trở về với gia đình, xã hội.
Ở Nghệ An, đợt đặc xá vào dịp Quốc khánh 2/9/2013, Trại Tạm giam Công an tỉnh cũng đã lập hồ sơ đề nghị xét đặc xá cho 35 trường hợp và 12 người được giảm án, tha tù trước thời hạn. Đó là chưa kể các đợt những người chấp hành xong hình phạt tù được tái hòa nhập cộng đồng trong thời gian qua. Những người phạm tội bị giam giữ phải sống cuộc sống tách biệt với cộng đồng xã hội.
Ở một khía cạnh nào đó, họ cũng đã nhận ra sai lầm, hối cải về hành vi phạm tội của mình khi tương lai đang chờ đón phía trước. Tuy nhiên, ngoài việc được cán bộ trại giam làm tốt công tác tư tưởng, tinh thần trước khi tái hòa nhập cộng đồng, việc mở ra “cánh cửa” hoàn lương đối với những người từng tù tội ra ngoài xã hội không phải là chuyện đơn giản. Tự ti với bản thân, chán nản với cuộc đời, không nhìn thấu được tương lai… đó là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ tái phạm tội chiếm khá cao.
Tạo việc làm cho những người từng lầm lỡ
Mặt khác, các tổ chức, cá nhân, cơ quan, doanh nghiệp hiện nay luôn có tâm lý dè chừng, lo ngại khi nhận người từng lầm lỡ vào làm việc cũng là nguyên nhân khiến họ không tìm được lối thoát trong cuộc sống. Cũng theo khảo sát của các cơ quan chức năng, hiện nay, tỷ lệ tái phạm do không có việc làm ổn định trong xã hội chiếm tới 21%. Vì vậy, việc làm - Đó là một cánh cửa hoàn lương cần thiết trước mắt của những người một thời lầm lỡ.
Trong nhiều lần tiếp xúc với những tấm gương hoàn lương hướng thiện mà tôi đã gặp, họ đều tâm sự, chỉ có việc làm mới giúp bản thân không tái phạm, sớm tu chí làm ăn. Điển hình như trường hợp anh Phan Trọng Lương ở xã Đồng Thành (Yên Thành), người từng 4 lần vào tù ra tội từ những năm đầu thế kỷ 21, đến nay, nhờ có công việc trồng rừng, quản lý rừng, hồ đập thả cá nên anh trở thành ông chủ làm ăn lương thiện, tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương.
Thời trai trẻ, vì không có việc làm ổn định, Lương theo đám bạn bè phiêu bạt nay đây mai đó rồi dính vào rượu chè, cờ bạc, gây thương tích cho người khác nên không ít lần anh phải vào tù. Tuy nhiên, sau này, anh đã thức tỉnh được bản thân mình và quyết tu chí làm lại cuộc đời. “Bí quyết” hoàn lương của anh Lương cũng không có gì khó nhọc bởi theo anh, ý chí và tạo dựng cho mình công việc ổn định đã giúp mình sớm tránh xa tội lỗi.
Hay như câu chuyện của anh Nguyễn Minh Hoàn ở xã Lý Thành (Yên Thành), chỉ vì “túng quá hóa làm liều” đã phải trả giá cho 2 lần vào tù thụ án. Sinh năm 1971, đến tuổi trưởng thành, Hoàn lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự rồi trở về địa phương xây dựng gia đình. Tuy nhiên, cái nghèo, cái khổ ở vùng quê Lý Thành ngày ấy đã đưa đẩy Hoàn từ người lương thiện thành một đại ca tụ tập hàng chục đàn em để bảo kê cho một ông chủ sản xuất phân bón giả. Có thu nhập, Hoàn bất chấp tai ương, sẵn sàng đổ máu với những người dám “động tới lông chân” ông chủ của mình.
Cả 2 lần vào tù, Nguyễn Minh Hoàn đều gây thương tích cho người khác trong những vụ ẩu đả, đâm chém lẫn nhau. Ngày trở về gia nhập cộng đồng, được sự động viên của vợ con, gia đình và người thân, Hoàn đoạn tuyệt với con đường làm giang hồ, tự mình gây dựng lại cơ nghiệp bằng ý chí hướng thiện. Nay, anh là ông chủ của xưởng cơ khí, trang trại, dịch vụ, tạo công ăn việc làm cho nhiều thanh niên trong địa phương với thu nhập ổn định…
Đó là 2 trong những con người một thời từng lầm lỡ đã sớm hoàn lương để làm người lương thiện, sống có ích với đời. Trong xã hội, xuất hiện nhiều tấm gương là doanh nhân, lao động giỏi… cũng từng một thời lầm lỡ biết vươn lên trong cuộc sống. Trong thời gian qua, cùng với việc động viên những người từng lầm lỡ làm lại cuộc đời lương thiện, các tổ chức chính trị, xã hội đã có nhiều việc làm có ích. Tuy nhiên, một thực tế hiện nay cần phải đề cập đến là câu chuyện hoàn lương đối với những người từng phạm tội phải thụ án tù chưa được quan tâm, sẻ chia đúng mức, kịp thời.
Để câu chuyện hoàn lương có một kết quả tốt đẹp cho những người đã mãn hạn tù tái hòa nhập cộng đồng cần có sự chung tay giúp đỡ của toàn xã hội. Quan trọng hơn cả, “cánh cửa” hoàn lương không hề muộn với bất cứ ai nếu người từng lầm lỡ chiến thắng cám dỗ cuộc đời bằng ý chí, nghị lực vươn lên hướng thiện.
Ngọc Thái
.