Hầu hết nạn nhân trong vụ án là người dân tộc Thái ở 2 huyện miền núi Kỳ Sơn và Con Cuông. Không ít bị hại lại là em họ, là người thân, hàng xóm với các bị cáo. Sau một thời gian bị bán sang xứ người, một số nạn nhân may mắn thoát thân, trở về và làm đơn tố cáo bị cáo, còn không ít nạn nhân đang bặt vô âm tín.
Nạn nhân trong các vụ buôn người hầu hết ít học, trình độ am hiểu pháp luật còn hạn chế lại có hoàn cảnh khó khăn. Cuộc sống khó khăn ấy đã khiến không ít phụ nữ đua đòi mơ ước sẽ có được cuộc sống giàu sang, sung túc. Đánh vào tâm lý chung đó, bọn buôn người đã dựng lên những viễn cảnh tốt đẹp nhằm dụ dỗ, biến nạn nhân thành món hàng của chúng.
Một nạn nhân tố cáo hành vi của bọn buôn người tại phiên tòa |
Có mặt tại phiên tòa với danh nghĩa là nạn nhân, em Ngân Thị Hưng (SN 1996) trú tại bản Hồng Điện, xã Đôn Phục (Con Cuông) trông già dặn hơn nhiều sau hơn một năm làm vợ xứ người. Nghe nhiều người trong bản nói về cuộc sống giàu có khi làm vợ xứ người nên Hưng chủ động tìm gặp Lang Thị Ngân (chị họ Hưng), người được biết đến là có thể đưa người qua Trung Quốc lấy chồng. Khi gặp Ngân, Hưng chủ động đề nghị Ngân đưa sang Trung Quốc để lấy chồng và được Ngân đồng ý. Sau khi đã ở bên xứ người, biết mình chỉ là một món hàng cho cuộc trao đổi mua, bán, em mới biết được sự thật thì đã quá muộn.
Mẹ của Hưng cho biết, ngày Hưng đi, gia đình không hề hay biết. Thời gian đó vào mùa lũ nên gia đình Hưng cứ tưởng em lên núi bị nước lũ cuốn trôi. Đi được hơn 1 tháng thì em điện thoại về cho biết là đã bị bán sang Trung Quốc. May mắn cho em, sau một thời gian dài cố gắng nỗ lực làm việc không công, em được gia đình chồng cho trở về thăm gia đình và thoát khỏi cảnh khốn cùng.
Hưng tâm sự: “Nghe nhiều người nói làm vợ người Trung Quốc sẽ được ăn no, mặc đẹp, lại có tiền gửi về giúp đỡ gia đình nên em chấp nhận đi. Em mần răng biết được đó chỉ là kịch bản mà bọn buôn người đã dàn dựng lên để lừa gạt em. Ở bên nớ sống khổ hơn ở với cha mẹ rất nhiều, lại bị đánh đập nữa…”.
Cũng là nạn nhân trong đường dây mua, bán người nhưng Lô Thị Dịu (SN 1993) trú tại bản Khe Nằn, xã Chiêu Lưu (Kỳ Sơn) không may mắn được trở về như Ngân Thị Hưng mà vẫn phải chịu làm kiếp nô lệ nơi đất khách. Lô Thị Dịu vốn sinh ra trong một gia đình không trọn vẹn, bố mất sớm, mẹ bị kết án 20 năm tù vì dính vào tội “Mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy”. Ngay từ nhỏ, chị em Dịu phải sống nhờ vào người dì là Lô Thị Thành (em ruột của mẹ).
Tháng 5/2012, nghe tin có người đưa phụ nữ sang Trung Quốc lấy chồng nên Dịu điện thoại cho Vi Thị Năm, nhờ Năm đưa sang Trung Quốc và được thị đồng ý. Năm đưa Dịu qua biên giới và bán lại cho một người đàn ông với giá 30 triệu đồng. Cũng từ ngày bị bán, Dịu chưa một lần liên lạc với gia đình, bản thân người dì một tay nuôi nấng Dịu khôn lớn cũng không biết Dịu sống chết ra sao.
Cũng trở thành con mồi của bọn buôn người, chị Moong Thị Lý (SN 1985) trú tại bản Khe Tang, xã Chiêu Lưu (Kỳ Sơn) mặc dù đã có chồng con đề huề nhưng khi nghe Bùi Thị Tắm và Lương Thị Nội nói về khoản tiền lớn khi lấy chồng ngoại, Moong Thị Lý tự đặt mình vào viễn cảnh mà 2 kẻ buôn người kia vẽ ra và gợi ý cũng muốn qua Trung Quốc lấy chồng. Trước khi qua xứ người, Moong Thị Lý đề nghị bọn buôn người phải trả cho mình 20 triệu đồng và được chấp thuận.
Trong vụ án này, Moong Thị Lý đã tự biến mình trở thành hàng hóa cho cuộc mua, bán chứ không đơn thuần chỉ là nạn nhân. Cuối tháng 10/2011, chị Lý bị bọn buôn người đưa qua Trung Quốc “lấy chồng” với giá 2,6 vạn nhân dân tệ (tương đương với 78 triệu đồng). Đầu năm 2013, Moong Thị Lý may mắn trốn được về nước nhưng dư âm về những ngày sống khổ cực khi làm vợ nơi đất khách vẫn ngày đêm hành hạ thân xác chị.
Mỗi một nạn nhân trong vụ án là một bi kịch, nhưng không ít tấn bi kịch lại do chính sự nhẹ dạ, cả tin của người ấy tạo nên. Sau bao nhiêu vụ mua, bán người được đưa ra xét xử, họ không tự lấy đó làm bài học cảnh giác cho bản thân mà vẫn mơ hồ, kỳ vọng vào những viễn cảnh “tốt đẹp” nơi đất khách. Cũng vì vậy, không ít phụ nữ, trẻ em tự dấn thân vào những ảo vọng, tự biến mình thành nạn nhân của bọn buôn người, tự vẽ nên những viễn cảnh ngọt ngào rồi phải vùi thân mình vào hố sâu của bi kịch. Những nạn nhân nói trên đáng thương nhưng cũng rất đáng trách, họ không chỉ tự rước họa vào thân mà còn tiếp tay cho tội phạm.
Cần làm gì để ngăn chặn triệt để nạn buôn người? Điều này không chỉ đòi hỏi sự vào cuộc của các cơ quan chức năng mà còn đòi hỏi cao ở ý thức cảnh giác của người dân, nhằm tránh hậu quả khó lường.
Đoàn Hoàng
.