Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201307/29517-tra-luong-huu-qua-buu-dien-tien-ca-hai-ben-404106/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201307/29517-tra-luong-huu-qua-buu-dien-tien-ca-hai-ben-404106/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Trả lương hưu qua bưu điện: Tiện cả hai bên - Báo Công An Nghệ An điện tử
Chủ Nhật, 21/07/2013, 08:08 [GMT+7]
29517

Trả lương hưu qua bưu điện: Tiện cả hai bên

Các địa bàn xa, vùng núi khó khăn, đường đi hiểm trở, các địa bàn người hưởng quá lớn hay trường hợp người hưởng chế độ đã quá già yếu, đau ốm, hoặc vừa qua đời… thì việc trả lương hưu qua bưu điện sẽ ra sao? Người hưởng hay đơn vị phát lương hưu có gặp bất lợi, phiền hà khi áp dụng hình thức này?
 

Ông Nguyễn Đình Khương, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam vừa có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ về một số vấn đề xung quanh việc thực hiện trả lương hưu, trợ cấp BHXH qua bưu điện.

Chi trả qua bưu điện sẽ an toàn hơn

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đình Khương - Ảnh VGP/Hải Hoa
PV: Thưa ông, lý do gì BHXH Việt Nam thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng qua bưu điện? Ưu điểm vượt trội của hình thức chi trả này so với hình thức cũ là gì?

Phó TGĐ Nguyễn Đình Khương: Tất cả các phương thức chi trả đều hướng đến mục tiêu chi trả đầy đủ, kịp thời, đúng chế độ, đúng đối tượng, an toàn. Tuy nhiên, khi thực hiện khảo sát, BHXH Việt Nam nhận thấy phương thức chi trả thông qua bưu điện có nhiều ưu điểm hơn:

Thứ nhất, ngành bưu điện có cơ sở vật chất được Nhà nước đầu tư từ lâu.

Thứ hai, có đội ngũ cán bộ được đào tạo chuyên nghiệp, có kinh nghiệm.

Thứ ba, có mạng lưới rộng khắp trên phạm vi toàn quốc (các điểm văn hóa, bưu điện xã, nhân viên bưu chính đến tận gia đình).

Thứ tư, ngành Bưu điện có đầy đủ tiềm lực về tài chính, nếu xảy ra rủi ro, có thể khắc phục được.

Đồng thời, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam là doanh nghiệp công ích được Nhà nước thành lập, việc đưa dịch vụ chi trả công ích cho một tổ chức dịch vụ công ích chuyên nghiệp cũng là một bước thực hiện cải cách hành chính.

Hình thức chi trả trước đây là BHXH Việt Nam ký hợp đồng qua một cá nhân được UBND cấp xã giới thiệu hoặc ký trực tiếp với UBND cấp xã.

Việc này vẫn đảm bảo chế độ cho người hưởng, nhưng trong trường hợp xảy ra rủi ro thì khả năng cá nhân hay chính quyền cấp xã khắc phục sẽ rất khó, gần như không thể bởi lượng tiền chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH rất lớn.

Mà trong các mục tiêu BHXH Việt Nam đề ra, thì an toàn là khâu quan trọng nhất, về vấn đề này, qua bưu điện sẽ an toàn hơn và giả sử có xảy ra rủi ro, thì ngành Bưu điện sẽ có tiềm lực để khắc phục.

PV: Ông có thể cho biết, qua một năm thực hiện thí điểm, kết quả đạt được ra sao? Hiện nay đã có khoảng bao nhiêu người được trả lương hưu và trợ cấp BHXH qua bưu điện?

Phó TGĐ Nguyễn Đình Khương: Năm 2012, BHXH Việt Nam đã phối hợp với Tổng công ty Bưu điện Việt Nam thực hiện thí điểm trên 12 tỉnh, thành phố.

Qua 1 năm thực hiện, hình thức này đạt rất nhiều ưu điểm, người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp thất nghiệp được phục vụ kịp thời, chu đáo. Đa số người hưởng chế độ bày tỏ đồng tình.

BHXH Việt Nam với Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đã tổng kết, đánh giá, từ đó đề nghị Chính phủ cho phép triển khai rộng. Tháng 4/2013 vừa qua, Chính phủ đã đồng ý cho BHXH Việt Nam thực hiện rộng khắp trên phạm vi toàn quốc ngay từ trong năm 2013.

Dù qua xã hay qua bưu điện, tất cả những người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng, trợ cấp thất nghiệp đều được chi trả, với gần 3 triệu người trên phạm vi cả nước.

Năm 2013, ngành Bảo hiểm đã chi trả gần 100 nghìn tỷ đồng, trong đó gần 95% là tiền mặt, chỉ có gần 5% chi trả qua ATM.

Ngay từ khi thí điểm, các tỉnh, thành phố đã thực hiện chi trả tất cả các khoản trợ cấp BHXH, trợ cấp thất nghiệp qua bưu điện.

Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có thể thực hiện từng bước

PV: Xin ông cho biết kế hoạch cụ thể khi triển khai hình thức này rộng khắp trên toàn quốc? Liệu có khó khăn gì khi áp dụng không, bởi đặc thù các tỉnh khác nhau, nhất là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có số lượng ngưởi hưởng rất lớn?

Phó TGĐ Nguyễn Đình Khương: Khi thực hiện thí điểm có rất nhiều ưu điểm, nhưng tiên lượng trên thực tế, từng vùng miền sẽ có đặc thù riêng, khó khăn riêng, ví dụ: Vùng sâu, vùng xa, hải đảo có khó khăn vì số lượng người hưởng rất ít, đường xa, lượng chi trả ít, phí chi trả thấp nhưng công sức bỏ ra lớn, do vậy chi phí không bù đắp được hết công sức bỏ ra.

Còn ở các khu đô thị (như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh), số lượng người hưởng rất lớn, tiền chi trả rất lớn, cũng có khó khăn khác, đó là địa điểm chi trả phức tạp, không có địa điểm rộng, số lượng người lại lớn, nên phải sắp xếp thời gian chi trả sao cho người đến lĩnh tiền không bị chen chúc, chờ đợi. Nhưng quan trọng nhất, với khối lượng chi trả lớn, một điểm chi trả phải đảm bảo an toàn lớn hơn tất cả các điểm khác.

Về kế hoạch thực hiện, tất cả các tỉnh, thành phố đều phải xây dựng phương án chi trả để BHXH Việt Nam và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam phê duyệt tính khả thi. Riêng TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh phải xây dựng phương án kỹ hơn, bởi lượng người hưởng và lượng tiền rất lớn, việc xây dựng phương án phải giải quyết được vấn đề có đảm bảo được người dân không phải chờ đợi quá lâu, có đảm bảo an toàn hay không.

Theo kế hoạch đến tháng 9/2013 tất cả các tỉnh, thành phố phải thực hiện, nhưng riêng Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có thể thực hiện dần dần, từng bước, có thể thực hiện các địa bàn ngoại thành trước, nội thành sau.

PV: Vậy các địa điểm chi trả sẽ như thế nào, có gì thay đổi so với trước đây không?

Phó TGĐ Nguyễn Đình Khương: Theo thỏa thuận giữa ngành BHXH và Bưu điện, thời gian đầu, Bưu điện sẽ chịu trách nhiệm chi trả theo địa điểm cũ.

Sau thời gian khoảng một vài tháng, Bưu điện có thể chuyển đổi điểm chi trả, nhưng với điều kiện phải thuận lợi hơn cho người hưởng và điểm chi trả mới không cách xa điểm chi trả cũ quá 2 km, để cho người hưởng không mất thời gian và dễ dàng đi đến.

Ngành Bưu điện còn có lợi thế là các điểm văn hóa, bưu điện xã có địa điểm rộng rãi, thuận tiện, có thể được sử dụng làm các điểm chi trả.

PV: Vậy trong trường hợp, người có hộ khẩu ở địa phương này nhưng lại đang tạm trú tại địa phương khác thì khi đã trả lương qua hệ thống bưu điện sẽ có phương thức phối hợp nào để chuyển lương qua bưu điện cho họ không?

Phó TGĐ Nguyễn Đình Khương: Việc chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng (ATM) là khuyến khích của BHXH Việt Nam.

Những trường hợp muốn nhận lương hưu qua tài khoản ATM, người hưởng cần thực hiện đăng ký số tài khoản với cơ quan BHXH địa phương. Sau khi có số tài khoản, cơ quan BHXH sẽ chuyển tiền trực tiếp qua tài khoản.

Đối với trường hợp người hưởng có hộ khẩu tại địa phương A, nhưng đang tạm trú tại địa phương B, thì người hưởng cần liên hệ với cơ quan BHXH tại nơi thường trú để làm thủ tục chuyển hưởng chế độ về nơi tạm trú. Sau khi hoàn tất hồ sơ, thủ tục, người hưởng sẽ thực hiện lĩnh lương hưu, chế độ BHXH tại nơi tạm trú.

Hiện nay, ngành Bưu điện đang có phương án chi trả qua tài khoản của ngành Bưu điện. Bưu điện có liên doanh với Ngân hàng Liên Việt. Nếu người hưởng chế độ hưởng ứng thì việc chi trả theo phương thức này sẽ an toàn, chính xác hơn rất nhiều.

Quan trọng là quản lý đối tượng hưởng

PV: Rất nhiều ý kiến lo ngại về việc quản lý số người hưởng khi chi trả qua hình thức này. Vậy,  BHXH Việt Nam và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam sẽ có biện pháp gì để đảm bảo việc quản lý người hưởng được chặt chẽ, thuận tiện, đồng thời tránh sai sót và tiêu cực?

Phó TGĐ Nguyễn Đình Khương: Đây chính là vấn đề chúng tôi quan tâm nhất. Việc chi trả là số tiền cụ thể, rõ ràng, nhưng quan trọng là quản lý đối tượng hưởng.

Trước kia thông qua đại lý cấp xã, UBND cấp xã cũng phải quản lý đối tượng này. Bây giờ thông qua bưu điện, việc quản lý đối tượng sẽ ưu việt hơn. Chúng tôi đã thỏa thuận với ngành Bưu điện trong hợp đồng, Bưu điện có trách nhiệm chi trả đúng, đủ, kịp thời, do vậy để đảm bảo các yếu tố này thì Bưu điện phải quản lý chặt chẽ.

Trong trường hợp Bưu điện báo giảm không chính xác, báo sai, Bưu điện hoàn toàn chịu trách nhiệm. Để làm tốt việc này thì ngành Bưu điện phải ký hợp đồng với UBND cấp xã để theo dõi đối tượng đó (di chuyển đi đâu, còn sống hay đã chết...).

PV: Theo kế hoạch, ngành Bảo hiểm sẽ thực hiện công tác rà soát 6 tháng một lần, nhưng liệu có biện pháp gì để việc kiểm tra, rà soát được liên tục không?

Phó TGĐ Nguyễn Đình Khương: Việc rà soát liên tục thì ngành Bưu điện sẽ có điều kiện hơn các ngành khác bởi có đội ngũ nhân viên bưu chính, có thể đến từng gia đình.

Còn lý do, đưa ra quy định 6 tháng rà soát, là giả sử, trong 6 tháng, người hưởng chế độ đã chết, nhưng gia đình không báo thì ngành Bảo hiểm vẫn còn giữ một số chế độ như mai táng phí, còn có khoản để khấu trừ.

Đó cũng là lý do đưa ra quy định cứ 6 tháng một lần, người đăng ký hưởng qua tài khoản ATM phải thực hiện đăng ký chữ ký, và người ủy quyền nhận thay phải đăng ký chữ ký.

PV: Một băn khoăn nữa là trong trường hợp người hưởng chế độ đã quá già yếu, hay bị đau ốm nhưng không có người để ủy quyền đi lĩnh hộ thì sẽ có biện pháp gì để chi trả chế độ cho họ?

Phó TGĐ Nguyễn Đình Khương: Vấn đề này sẽ thực hiện theo cơ chế cũ, đại lý ủy quyền và bây giờ là bưu điện sẽ đến tận nhà để lấy vân tay, lấy chữ ký của người hưởng.

Nếu người hưởng không đến địa điểm chi trả được thì sẽ mang tiền đến tận nhà, nhưng với điều kiện phải lấy được chữ ký, lấy vân tay.

Tất cả những vấn đề này đều được quy định rõ trong hợp đồng giữa BHXH Việt Nam và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, gói gọn trong mức phí nên người hưởng không phải mất phí thêm.

Nếu việc chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH thực hiện được thuận lợi thì sẽ giảm được rất nhiều các thủ tục hành chính. Đây là chủ trương hay, bởi đưa dịch vụ công cho một cơ quan chuyên trách thực hiện dịch vụ công, sẽ chuyên nghiệp hơn rất nhiều. Đây cũng là một trong những việc được chuyên môn hóa, đi theo đường hướng cải cách hành chính của Chính phủ

Sau khi đã thực hiện trong toàn quốc, ngành Bưu điện sẽ nghiên cứu phần mềm để quản lý lương hưu, các chế độ BHXH, các thông tin cá nhân sẽ cụ thể hơn rất nhiều. Người hưởng bao giờ cũng được hưởng chế độ đúng, đủ, kịp thời, chuyên nghiệp, chu đáo hơn, an toàn hơn.

PV: Trân trọng cảm ơn ông.


Nguồn: Chinhphu
.