Anh Nguyễn Đình Lai ở Hà Tĩnh, là một “tín đồ” của mạng xã hội facebook kể rằng: Khoảng giữa tháng 6/2013, tôi nhận được tin nhắn của một người bạn thân qua chát facebook, bạn tôi nhờ mua hộ 3 thẻ cào điện thoại mạng Vinaphone, mỗi thẻ có mệnh giá 100.000 đồng. Chỗ bạn bè thân thiết tôi định đi mua, nhưng chợt nhớ anh bạn này đang xuất khẩu lao động tại Đài Loan thì cần thẻ điện thoại mạng Vinaphone làm gì?
Tôi hơi nghi ngờ nên nhắn tin cho một người bạn khác làm bên lĩnh vực viễn thông và được cảnh báo có thể bị lừa. Để chắc chắn phải bạn mình không, tôi tiến hành kiểm tra một số thông tin đơn giản về mối quan hệ bạn bè giữa chúng tôi, quả thực anh bạn “dởm” này trả lời trật lất mọi câu hỏi. Sau đó, tôi đăng thông tin này lên facebook cá nhân thì nhiều người bạn khác của anh bạn tôi nói, họ cũng nhận được lời đề nghị tương tự.
Bên cạnh các trang mạng xã hội, thì những chú “dế” thân yêu cũng bị hành hạ không kém. Không ít người nhẹ dạ cả tin đã phải dính “tin tặc”, mất tiền oan. Anh T., một thanh niên ở TP Vinh kể lại: Trong danh bạ điện thoại của tôi có các bạn tên là Thủy, Thúy, Thùy… Vì vậy, một hôm tôi nhận được tin nhắn từ đầu số lạ 0168xxxxxx, với nội dung: “Thuy ne, dang lam gi do, giup minh viec nay duoc k?”.
Tôi nghĩ đó là bạn mình nên nhắn lại, “Co viec gi đo, noi đi xem minh giup đươc khong”. Số điện thoại kia trả lời, “Mua cho Thuy cai the cao Viettel”, tôi đồng ý và mua ngay thẻ cào 100.000 đồng rồi gửi đi. Tuy nhiên, sau khi mã số thẻ cào được gửi đi một lúc thì số điện thoại trên nhờ mua thêm một thẻ cào nữa, tôi bắt đầu nghi ngờ và bảo gọi lại cho tôi theo số máy thường dùng thì đầu số ấy nhắn lại là, không thể gọi lại lúc này, tôi gọi lại thì bên kia tắt máy. Đến lúc này, tôi mới biết đó là một trò lừa bịp bợm, móc túi.
Một hình thức khác lừa qua tin nhắn điện thoại nữa là dịch vụ bắn tiền qua tài khoản. Bình thường, mỗi nhà mạng có một số đầu số dịch vụ nhất định để chăm sóc, tư vấn khách hàng. Vì vậy, bọn “tin tặc” đã lợi dụng vào dịch vụ này để giả mạo tin nhắn, chiếm đoạt tiền từ điện thoại.
“Tin tặc” sẽ sử dụng một sim điện thoại bất kỳ, nhưng khi nhắn tin sẽ thêm vào đầu phần tin nhắn một đầu số, ví dụ của mạng điện thoại Viettel sẽ là đầu số dịch vụ +119, tiếp đó sẽ là nội dung chuyển tiền “+199 bạn vừa nhận được 30.000 đồng từ số máy…”, sau đó không lâu sẽ có một tin nhắn tiếp theo xin lại số tiền trên. Kỳ thực, chẳng có ai bắn nhầm tiền vào máy của người dùng điện thoại, đó chỉ là cách lừa gạt của “tin tặc” đoạt tiền khách hàng.
Qua tìm hiểu tại Trung tâm chăm sóc khách hàng của mạng điện thoại di động Vinaphone được biết: Với tin nhắn này, nếu khách hàng gọi đến số máy trên (19001993), bên kia bốc máy là khách hàng sẽ bị mất ngay 15.000 đồng trong tài khoản.
Thời gian qua, ở Nghệ An có nhiều trường hợp người dân nhận được những “tin nhắn” lạ, với nội dung đã trúng thưởng sản phẩm nào có giá trị hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng, rồi dụ dỗ người dân bí mật cào thẻ điện thoại nạp tiền nhận thưởng. Đã có nhiều người mua thẻ cào điện thoại lên đến tiền triệu nạp cho “tin tặc”, thế nhưng, sau khi nạp xong thẻ thì số điện thoại kia cũng rơi vào tình trạng “không liên lạc được”.
Có thể nói, những năm qua, tốc độ phát triển công nghệ thông tin ở nước ta không ngừng được cải tiến, đa dạng, góp phần rất lớn vào quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội… Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được thì lỗ hổng về quản lý, bảo mật thông tin người dùng đang còn rất yếu. Trong đó, tài khoản cá nhân các trang mạng xã hội ở Việt Nam hiện được đánh giá là yếu nhất trong việc bảo mật thông tin.
Hàng ngày, nạn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo vẫn ngang nhiên “móc túi” khách hàng dưới nhiều hình thức, trước sự bất lực của các nhà mạng.
Đức Thắng
.