Cuộc đời của o cũng sẽ bình dị như bao người phụ nữ chân chất khác mà tôi đã gặp, nếu như o không gắn với tên tuổi của cố nhà thơ Phạm Tiến Duật. Và mới đây là sự xuất hiện của một o Nhị khác, cũng tự xưng là nguyên mẫu trong bài thơ “Gửi em, cô thanh niên xung phong”.
“Em ở Thạch Kim sao lại lừa anh nói là Thạch Nhọn”?
Nhà o Nhị nghèo. Nhà tranh vách đất đúng nghĩa, nép mình bên bờ biển Thạch Kim ì oạp sóng. O bảo, mấy chục năm rồi, vui với cảnh nghèo, điền viên thì không hẳn, bởi đất biển mặn mòi, lấy đâu ra vườn để trồng rau nuôi gà, có tấc đất cắm dùi làm cái nhà tạm chui ra chui vào là may mắn lắm rồi. Nghèo, sống sướng bằng niềm an ủi tinh thần, là những kỷ niệm của quá khứ.
O Nhị sinh ra trong một gia đình tận khổ ở vùng biển Thạch Kim. Con gái miền biển, chân đất đầu trần cứ thế lớn lên như cây phong ba giữa trùng khơi bão táp. O Nhị cũng không trật ra khỏi được đường ray quy luật đó. Mãi đến năm 1967, đang là vận động viên bóng chuyền làng, o tham gia TNXP, lao vào tuyến lửa cùng đồng đội lấp hố bom, bạt đường và làm cọc tiêu trên đường Trường Sơn dẫn xe qua ban đêm, thuộc quân số C4-TNXP 55. Năm 1968, o Nhị được điều về đội phá bom cảm tử mặt trận ngã ba Đồng Lộc và chính những ngày gửi lại tuổi xuân nơi chiến trường này, o đã gặp nhà thơ Phạm Tiến Duật, rồi trở thành nguyên mẫu trong bài thơ “Gửi em cô thanh niên xung phong”.
O Nhị với những kỷ niệm xưa cũ
Nguyên chuyện này, tôi được chính o Nhị kể lại rằng, vào năm 1968, trong một đêm san lấp hố bom, Đội TNXP của o gặp một đơn vị của Binh đoàn 559 từ miền Nam ra. Có một người lính rất đẹp trai với chiếc mũi dọc dừa, nói giọng Bắc đến bắt chuyện. Anh ấy hỏi o quê ở đâu, o bảo ở Thạch Nhọn. Anh ấy thắc mắc, rằng Thạch Nhọn là ở chốn nào thì o cười tinh nghịch, Thạch Nhọn chính là Thạch Kim, bởi kim nào mà chẳng nhọn.
Chuyện những tưởng chỉ có vậy, nào ngờ một thời gian sau, o Nhị bị Ban chỉ huy đơn vị gọi lên nhắc nhở vì đã nói dối bộ đội. Hồi ấy, nói như vậy là mất hình ảnh của thanh niên xung phong trong mắt bộ đội lắm, nên o Nhị suýt bị kỷ luật. Nhưng cũng nhờ vậy mà sau lần ấy, o biết được bài thơ “Gửi em cô thanh niên xung phong”. Chuyện chiến trường chỉ có vậy, kỷ niệm đẹp cũng nhanh chóng mờ phai, nhường chỗ cho lo toan cơm áo gạo tiền sau khi ra quân, về lại quê hương sinh sống. O Nhị vác ba lô trở lại biển Cửa Sót, tham gia đội quân dệt thảm mành ở hợp tác xã. Bàn tay thoăn thoắt đưa thoi, đưa luôn cả tuổi thanh xuân của o trôi vèo theo năm tháng.
Thân cò nơi lạch biển Cửa Sót
O Nhị chia sẻ, ra quân, o về gia nhập Hợp tác xã dệt mành Hải Đằng của xã Thạch Kim. Lúc đó đã 29 tuổi. Phụ nữ làng biển, ở vào cái tuổi này xem như đã “toan về già”. O Nhị cũng nhìn trước ngó sau, nhưng chẳng thấy ai đoái hoài, nên đành ở vậy. Làm ở hợp tác xã được 7 năm, o về nghỉ chế độ thương binh 4/4, với số tiền lương ít ỏi, không đủ để trang trải cuộc sống thường nhật, trong khi phải nuôi thêm mẹ già.
Tròn hai mươi năm, hai mẹ con rau cháo nuôi nhau trong căn nhà xiêu vẹo, dột nát nhìn ra biển Cửa Sót. Hai người đàn bà, một già một trẻ, một người đau yếu còn một người không có việc làm, cứ thế nương tựa vào nhau trong ngôi nhà chưa đầy 10m2, rung rinh trước gió mỗi mùa mưa bão đến vì thiếu bàn tay che chắn của người đàn ông. Đến năm 2002, bà cụ mất ở tuổi 92, từ bấy đến nay, một mình o Nhị lùi lũi ra vào, mưu sinh bằng nghề bán buôn đồng quà tấm bánh.
Biển Cửa Sót
Chiếc xe cút kít trở thành phương tiện kiếm sống. Mỗi ngày, o trở dậy sớm, ngược lên chợ Thạch Kim mua rau quả rồi về phân loại, chất lên chiếc xe nhỏ đẩy ra lạch biển Cửa Sót bán lại. Mỗi ngày cũng kiếm được mấy đồng tiền lãi, ngày nhiều thì khoảng 30.000 đồng, ngày ít thì 15.000 đồng, cũng đủ để đong gạo sống qua ngày.
Tôi ái ngại, một mình một thân, sớm tối thui thủi, nhỡ ra có việc gì bất trắc thì biết xoay xở làm sao. O Nhị đưa tay lên chấm nước mắt, cũng biết vậy nhưng đời o không chồng, không con nên nhỡ có chết đi, cũng chẳng vướng bận gì. Đã đôi lần, o nghĩ đến xin một đứa con nuôi, nhưng lại sợ ai đó vin vào đời o sẽ khổ, nên chẳng an lòng, đành ở vậy, tự ru dỗ bản thân.
Cách đây mấy năm, nhờ các nhà hảo tâm trong và ngoài nước, o Nhị đã xây được một căn nhà nho nhỏ, đủ để che nắng che mưa, thay thế căn nhà tranh vách đất đã gắn bó với đời o suốt hơn ba chục năm qua. Tuổi già quạnh quẽ, như thế đã là viên mãn. O Nhị tâm sự, chuyện ai đó mạo danh o, tự nhận là nhân vật trong bài thơ “Gửi em cô gái thanh niên xung phong”, thôi thì o không buồn nhắc lại nữa, bởi trắng đen đã rõ ràng.
Nói về nhà thơ Phạm Tiến Duật, đôi mắt o Nhị đỏ hoe, sau lần gặp ở ngã ba Đồng Lộc năm ấy, phải đến gần 40 năm sau, thông qua nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú, o mới được gặp lại nhà thơ Phạm Tiến Duật trong lần ông về Hà Tĩnh dự hội thảo văn chương. Ngày nhà thơ mất, o Nhị lại đón xe ra Hà Nội để thăm viếng. O Nhị giờ đã già, căn bệnh khớp hành hạ mỗi ngày, ngay cả khi không trái gió trở trời. Nhưng o vẫn miệt mài mưu sinh, làm bạn với chiếc xe cút kít đẩy hàng rong ra lạch biển Cửa Sót mỗi sáng.
Thành Thảo
.