Biết sai nhưng trách nhiệm như trái bóng, bị các cơ quan công quyền đá qua đá lại, chỉ khổ người dân, mỏi mắt, chùn gối vì vướng vào nỗi oan khiên.
Tội con dâu, phá nhà bố mẹ chồng
Theo trình bày của ông Đậu Mạnh Hùng, nội tình vụ việc như sau: Ngày 26/6/1995, TAND tỉnh Nghệ An xét xử vụ án hình sự số 18 ngày 1/2/1995 đối với bị cáo Trần Thị Luyến, vợ của ông Hùng, nguyên là nhân viên nghiệp vụ Cửa hàng Công nghệ phẩm Trung Đô, đã nhiều lần tạm ứng tiền cơ quan đi buôn về trả lãi suất cho Cửa hàng. Đến ngày 31/12/1992, bà Luyến không thanh toán được số tiền 115.768.000 đồng. Mặc dù Cửa hàng đã nhiều lần đòi nợ nhưng bà Luyến không có khả năng chi trả.
Cùng thời gian này, Ban Đời sống 3-3 thuộc Bộ đội Biên phòng Nghệ An có chủ trương mua giấy, vở học sinh về phục vụ tuyến miền núi. Biết được việc này, bà Luyến đã đến gặp Ngô Chí Trang, cán bộ Ban Đời sống 3-3 để hợp tác làm ăn. Sau khi thỏa thuận xong, hai bên đã thống nhất ứng của Ban Đời sống 3-3 số tiền 65 triệu đồng.
Sau khi nhận được số tiền này, bà Luyến tiếp tục làm ăn thua lỗ nên không có khả năng thanh toán trở lại. Sau khi bị khởi kiện ra tòa, bà Trần Thị Luyến buộc phải chịu mức hình phạt tù chung thân, đồng thời bồi thường cho Cửa hàng Công nghệ phẩm Trung Đô số tiền 115,7 triệu đồng và bồi thường cho BĐBP Nghệ An 65 triệu đồng.
Để tổ chức thi hành án nhằm thực hiện việc bồi thường, sau khi xem xét khả năng thi hành án của bà Trần Thị Luyến đối với số tiền 65 triệu đồng của BĐBP Nghệ An, ngày 12/8/1996, chấp hành viên ra quyết định cưỡng chế bằng biện pháp kê biên tài sản ngôi nhà trên đất, diện tích 386m2 của bố mẹ chồng bà Luyến là ông Đậu Doãn Bá và bà Nguyễn Thị Lý tại khối 4, phường Hà Huy Tập. Đây là thửa đất số 90, thuộc tờ bản đồ số 12, được UBND TP Vinh cấp cho cán bộ trở về sau chiến tranh, được ông Đậu Doãn Bá, lúc bấy giờ là cán bộ UBND tỉnh Nghệ An sử dụng ổn định từ ngày 12/3/1973 đến nay.
Theo ông Đậu Mạnh Hùng, người thừa kế và suốt 14 năm qua tiếp tục việc khiếu nại chuyện thi hành án sai luật sau khi bố mẹ ông qua đời thì lúc bấy giờ, vì vội vã thi hành án để giải quyết cho BĐBP tỉnh mà cơ quan thi hành án đã cưỡng chế 1/2 ngôi nhà cấp 4, với diện tích 25,9m2 cùng với 111,3m2 đất của bố mẹ ông để thi hành án cho vợ ông, là con dâu trong gia đình. Lúc tiến hành cưỡng chế, toàn bộ số tài sản lẫn đất ở nói trên đã bàn giao cho BĐBP tỉnh, bất chấp khối tài sản này vẫn đang nằm trong khuôn viên 386m2 đất của bố mẹ ông.
Cựu chiến binh Đậu Mạnh Hùng 14 năm đi đòi công lý
Tại thời điểm xảy ra cưỡng chế, vợ chồng ông vẫn sống chung với bố mẹ đẻ mà chưa có bất cứ pháp lý nào cho thấy đã chia tách hộ, ngoại trừ đơn xin chia tách hộ gửi tại UBND phường Hà Huy Tập nhưng chưa được các cấp xem xét, giải quyết. Sau khi xảy ra cưỡng chế, vợ ông Bá là bà Nguyễn Thị Lý đã nhiều lần khiếu nại nhưng chưa được giải quyết, hoặc giải quyết không thấu đáo. Năm 2006, bà Lý mất, ông Đậu Mạnh Hùng tiếp tục công việc đòi quyền lợi của gia đình mình, nhưng đến nay vẫn chưa có cấp nào đứng ra nhận trách nhiệm.
Chưa giải quyết vì công dân thiếu thiện chí?
Về vấn đề này, ông Trần Quang Lâm - Nguyên Chủ tịch UBND phường Hà Huy Tập xác nhận, từ năm 2006 đến nay, phường đã có nhiều công văn gửi UBND TP Vinh, Cục Thi hành án tỉnh và BĐBP tỉnh, kiến nghị về việc xem xét cấp giấy CNQSDĐ cho gia đình ông Đậu Mạnh Hùng nhưng không nhận được bất kỳ ý kiến hay sự hợp tác nào của các cơ quan chức năng.
Trong khi đó, ông Đặng Văn Hải - Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh cho rằng, mọi kiến nghị của bà Lý và ông Hùng đã được đơn vị giải quyết dứt điểm tại Quyết định giải quyết khiếu nại số 50/QĐTHA-GQKN ngày 13/3/2001, “không chấp nhận nhà và quyền sử dụng đất của Trần Thị Luyến đã giao cho BĐBP Nghệ An là tài sản của bà Nguyễn Thị Lý” mà không đưa ra được bất cứ lý do nào.
Thậm chí, theo ông Hùng, lẽ ra đến nay, khiếu nại của ông Hùng “đã hết thời hạn giải quyết”, nhưng Cục THA vẫn có văn bản xin ý kiến chỉ đạo của Tổng cục và được cơ quan này chỉ đạo xem xét lại toàn bộ vấn đề.
“Vừa rồi, Cục THA dân sự tỉnh có mời ông Hùng lên giải quyết. Thường trực HĐND và Đoàn ĐBQH tỉnh cũng đã làm việc với Cục THA để bàn về vấn đề này. Bây giờ, trách nhiệm đúng sai tại thời điểm THA không bàn tới nữa, mà tập trung vào giải quyết quyền lợi cho công dân”, ông Hải cho biết.
Cũng theo ông này, năm 1996, khi tiến hành cưỡng chế, THA đã dựa vào lá đơn xin chia tách đất gửi UBND phường Hà Huy Tập của ông Đậu Doãn Bá, theo sơ đồ lúc đó, đất chia thành hai thửa rõ rệt, đồng thời các năm 1996, 1997 và 1998, giấy nộp thuế đều thể hiện hai chủ quyền sử dụng đất riêng. 3 yếu tố này đủ cơ sở khẳng định, đất THA đã cưỡng chế không phải là của ông Bá mà là tài sản riêng của vợ chồng ông Hùng, bà Luyến.
Tuy nhiên, ông Hải cũng không chứng minh được bằng những loại giấy tờ này, cũng như không thể giải thích được vì sao cơ quan này luôn khẳng định vụ cưỡng chế là đúng pháp luật, nhưng từ bấy đến nay, không có bất cứ cơ quan thi hành pháp luật nào dám trở lại mảnh đất này để thực thi pháp luật, kể cả đơn vị được bàn giao tài sản là BĐBP Nghệ An?
“Theo quan điểm của anh, em chỉ viết theo kiểu thông báo, đã qua xác minh, tìm hiểu chỗ THA và thấy thủ tục giải quyết như thế, còn đang trong quá trình giải quyết, chứ đừng nói kết luận đúng hay sai, mình viết báo mình cũng nên có cách nhìn riêng. Nếu gia đình (ông Hùng) có thiện chí, Cục sẽ cấp giấy chứng nhận ngay. Thực chất hiện tại, đã có đầy đủ căn cứ để cấp giấy CNQSDĐ cho ông Hùng rồi nhưng bọn mình chưa cấp, vì ông Hùng không có thiện chí nên chưa cấp” - Ông Đặng Văn Hải, Phó Cục trưởng Cục THA Dân sự tỉnh Nghệ An trao đổi với P.V. |
Thiên Thảo
.