Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu này đang là một thách thức lớn cho các địa phương, đặc biệt là các hoạt động bình đẳng giới tại vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn vẫn còn có cách nhìn về phụ nữ thiếu đầy đủ, thậm chí xem nhẹ vai trò của phụ nữ; nhiều phụ nữ còn phải gánh nặng mưu sinh, cam chịu những tư tưởng lạc hậu, thậm chí còn chịu nhiều thiệt thòi không được học hành, giao lưu, tiếp xúc với xã hội.
Qua 3 năm thực hiện chiến lược bình đẳng giới, Nghệ An đã đạt được nhiều kết quả, thu hẹp dần khoảng cách về sự phân biệt. Trong đó, kiến thức về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo thực hiện.
Nhiều câu lạc bộ, tổ, nhóm phụ nữ được xây dựng và phát triển, như: Các câu lạc bộ xây dựng gia đình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” ngày càng hoạt động có hiệu quả. Câu lạc bộ trở thành nơi tập hợp, thu hút hội viên phụ nữ tham gia sinh hoạt, tạo mối liên hệ gắn kết giữa hội viên phụ nữ với tổ chức Hội.
Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được trên 4.900 câu lạc bộ về gia đình, thu hút 217.467 hội viên phụ nữ tham gia. Câu lạc bộ được xây dựng với nhiều loại hình đa dạng: “Câu lạc bộ gia đình hạnh phúc”, “Câu lạc bộ không sinh con thứ 3”, “Câu lạc bộ gia đình hạnh phúc không có tệ nạn xã hội”, “Mái ấm gia đình”...
Có các câu lạc bộ mới: “Cộng đồng tham gia phòng, chống bạo hành gia đình”, “Người cha mẫu mực”, “Phụ nữ lên tiếng với bạo hành”, “Nam giới phòng chống bạo lực”, “Câu lạc bộ gia đình văn hóa”... Qua tham gia sinh hoạt câu lạc bộ, các thành viên được tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, kiến thức về phương pháp tổ chức cuộc sống gia đình.
Một số câu lạc bộ, tổ, nhóm phụ nữ, địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình. Qua đó, một số hộ đã có những thay đổi tích cực trong lối sinh hoạt, cư xử giữa vợ với chồng, giữa cha mẹ với con cái, giữa các thành viên trong gia đình.
Tuyên truyền kiến thức về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình cho
phụ nữ dân tộc thiểu số
Tuy đã đạt được một số kết quả bước đầu đáng khích lệ, nhưng thực tế, triển khai luật, các chính sách về giới và bình đẳng giới, đặc biệt là các hoạt động bình đẳng giới tại vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn vẫn còn nhiều bất cập do nhiều nguyên nhân: Đội ngũ cán bộ làm công tác bình đẳng giới còn thiếu về số lượng, hạn chế về chuyên môn; các hoạt động và hình thức chưa phù hợp với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.
Qua tìm hiểu hiện nay, đa số nữ giới trong độ tuổi lao động ở nông thôn có trình độ học vấn thấp. Trong nhóm dân số ở độ tuổi lao động khu vực nông thôn có tới 80% nữ giới chưa qua đào tạo, không có trình độ chuyên môn kỹ thuật, tập trung ở các huyện miền núi tại các xã vùng sâu, vùng xa, họ là những người quanh năm suốt tháng chỉ biết công việc và công việc sau lũy tre làng. Họ sợ nhiều thứ và không bao giờ dám đấu tranh cho quyền lợi của chính mình để rồi cam chịu mãi cảnh sinh con đàn cháu đống, cảnh nghèo túng, bất bình đẳng giới. Do đó, tình trạng bạo lực gia đình vẫn đang tồn tại hàng ngày.
Theo thống kê của Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Nghệ An, từ năm 2012 đến nay, trên địa bàn có 1.289 vụ bạo lực gia đình, trong đó có 572 vụ bạo lực tinh thần, 530 vụ bạo lực thân thể, 73 vụ bạo lực tình dục và 114 vụ bạo lực kinh tế. Xử lý các biện pháp 227 trường hợp, có 7 trường hợp xử lý hình sự, còn lại xử lý bằng hình thức góp ý phê bình tại cộng đồng dân cư.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến phụ nữ miền núi chưa được đề cao là do quan niệm phụ nữ chỉ lo tề gia nội trợ, chăm sóc nuôi dạy con cái đã ăn sâu vào nếp nghĩ của mỗi người dân nơi đây. Vì vậy, phụ nữ có ít cơ hội học nghề, tìm kiếm việc làm, nhiều phụ nữ đi làm nương rẫy cả ngày, về nhà vẫn phải một mình đảm đương việc nội trợ, chăm sóc con cái nhưng vẫn không được cho là lao động chính trong nhà. Ở những vùng miền núi cao, người phụ nữ hầu như chẳng hiểu gì về Luật Bình đẳng giới cho dù cán bộ xã, huyện đã tích cực giải thích, tuyên truyền.
Gặp gỡ, trò chuyện với chị em phụ nữ ở miền núi, chúng tôi được biết, bản thân chị em phụ nữ còn tự ti, mặc cảm, nhiều người chưa thực sự cố gắng vươn lên. Thậm chí, có nhiều người còn mơ hồ hiểu về Luật Bình đẳng giới là gì?, chỉ biết sinh con, nấu cơm, đi rẫy mà thôi.
Thực tế thời gian qua, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đã có nhiều chủ trương, biện pháp quan tâm đến việc nâng cao nhận thức về công tác phụ nữ và bình đẳng giới thông qua việc tôn vinh những phụ nữ điển hình tiên tiến, phê phán những biểu hiện phân biệt đối xử, lạm dụng, bóc lột, buôn bán phụ nữ, giáo dục ý thức bảo vệ quyền tự do và nhân phẩm cho phụ nữ nông thôn, nhưng kết quả chưa đạt được như mong muốn. Việc thực hiện bình đẳng giới đối với phụ nữ nông thôn vẫn đang đặt ra nhiều vấn đề cần được quan tâm, giải quyết. Lúc ấy, thân phận người phụ nữ vùng miền núi mới thoát khỏi tâm lý tự đánh giá mình kém hơn nam giới.
Trường Khuyên
.