Những số phận ấy đang sống lay lắt không biết đến ngày mai.
Anh Lô Văn Dũng (SN 1973) và chị Vi Thị Huệ (SN 1975) ở bản Cù, xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp cưới nhau năm 1996. Năm 1997, cháu Lô Văn Tuấn chào đời trong niềm vui ngập tràn của họ hàng và đôi vợ chồng trẻ, đó chính là động lực giúp anh chị cố gắng làm lụng để mong có một cuộc sống tốt đẹp cho con.
Tuấn phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác, nhưng đến năm 2 tuổi, cháu bắt đầu có những triệu chứng như lên cơn co giật, co rút người lại. Những triệu chứng đó ngày càng nặng, khi các bác sỹ thông báo cháu bị bệnh bại não, anh chị tưởng như trời sụp xuống. Thương con, anh chị đã chạy vạy tiền mong chữa được bệnh cho con, nhưng tiền mỗi ngày một cạn mà bệnh của con lại ngày càng nặng, cháu bị liệt toàn thân, đến năm 2007 thì qua đời.
Bốn bệnh nhân trong một căn nhà có 5 người
Cháu thứ hai tên là Lô Thị Anh (SN 2000), khi sinh ra cháu cũng bình thường nhưng được 1 năm thì phát bệnh. Cháu cũng bị bại não như anh trai, anh chị lại chạy vạy để đưa con đi chữa bệnh, cứ mỗi lần như thế tốn khoảng 10 triệu đồng, cháu đã đi viện ba lần, mỗi lần đi là số nợ của gia đình lại tăng lên.
Cả hai cháu đều bị bệnh, anh chị quyết định sinh con thứ ba với hy vọng mong manh, biết đâu trời thương cho một đứa con lành lặn; năm 2007, cháu Lô Thị Phúc chào đời. Cháu Phúc cũng phát triển bình thường nhưng vì lo lắng nên anh chị đi khám sớm cho cháu, trước hai tuổi cháu vẫn không có triệu chứng gì, mừng thì mừng nhưng lo lắng vẫn chưa nguôi. “Hai tuổi, cháu xuất hiện những triệu chứng giống hệt anh chị mình, thấy con lên cơn co giật mà tôi phát khóc, tôi biết căn bệnh quái ác đó cũng không tha cho cháu”, anh Dũng nghẹn ngào kể.
Cháu đầu mất, cháu thứ hai đã bị liệt nên mọi hy vọng anh dồn vào cháu Phúc, anh chị đưa con đi viện từ những ngày đầu bị bệnh, khi mà cháu còn đi lại được và nụ cười còn nguyên vẹn, anh chị còn nhờ bác sỹ Bệnh viện Nhi Trung ương gửi kết quả xét nghiệm đi Nhật kiểm tra mong tìm được cách chữa trị cho cháu, nhưng mọi cố gắng đó đều không có kết quả. Hiện nay, 2 cháu Anh và Phúc đều phải ngồi xe lăn, chân tay teo tóp và không thể di chuyển hay làm các công việc cá nhân được, lưỡi co rút, miệng méo, không thể nói hay cười, khi tỉnh khi mê, cứ ú ớ cả ngày.
Trong khi đó, bà nội là bà Lô Thị Duyên, năm nay gần 80 tuổi, bị thoát vị đĩa đệm và bệnh thần kinh, đi viện 5 lần rồi mà không khỏi, đến giờ cũng nằm một chỗ, không đi lại được. Bản thân anh Dũng cũng bị thoát vị đĩa đệm, chỉ đi lại trong nhà, không làm được việc nặng nên gánh nặng gia đình lại đổ trên đôi vai gầy của chị Huệ.
Nhà chỉ có ba sào ruộng, lại bị sạt lở nên đến gạo gia đình còn phải mua. Ngoài làm ruộng chị Huệ còn đi làm cỏ mía, cỏ sắn thuê để lấy tiền trang trải cuộc sống gia đình và mua thuốc cho con. Nhưng với tiền công 60.000 đồng một ngày mà không phải lúc nào cũng có việc như thế thì cuộc sống của gia đình anh chị ngày càng khó khăn hơn.
Trong căn nhà cấp bốn làm từ năm 1994, mùa hè thì nóng hầm hập, mùa mưa thì dột tứ tung, không có tiền thay ngói mới, anh Dũng phải lấy vỏ lon bia, vỏ nước ngọt bẻ thẳng ra và ém vào các bờ ngói. Trong nhà không có đồ đạc gì ngoài 3 cái giường, một bộ bàn ghế cũ và một chiếc xe máy Trung Quốc.
Rất mong các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước chung tay góp sức để giúp cho vợ chồng anh Dũng, chị Huệ kéo dài thêm được nụ cười cho hai con trẻ. Mọi sự giúp đỡ xin gửi về địa chỉ: Anh Lô Văn Dũng, bản Cù, xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An).
Hải Sâm
.