Chuyện tưởng đơn giản nhưng thuê một người giúp việc “được việc” là cả một vấn đề. Đằng sau công việc lao động đơn giản này “có cả tỷ” chuyện đủ các cung bậc, trong đó có những chuyện làm méo mặt người thuê: Ôsin đình công, Ôsin tranh giành hợp đồng, Ôsin đóng thế, Ôsin “nhảy đồ”...
Cả hai vợ chồng là nhân viên hành chính, có hai con, đứa lớn bốn tuổi, đứa nhỏ một tuổi nên chị Thuý (Trường THPT Nguyễn Trường Tộ) phải thuê người giúp việc với số tiền 2 triệu đồng/tháng, nhưng bà giúp việc vẫn thỉnh thoảng “làm mình, làm mẩy” xin nghỉ. Cực chẳng đã, chị hỏi tôi có ai ở quê thiếu việc làm để chị thuê.
Chị cho biết, không muốn chịu cảnh thường xuyên bị “doạ” bỏ việc từ phía Ôsin. Trái với tình cảnh của chị Thuý thì chị Hoan, cùng trường cười ra nước mắt khi lâm vào tình cảnh: Hai Ôsin “tranh việc” chăm sóc bố chị. Ông cụ ngoài 70 tuổi rất cần có người chăm sóc thường xuyên. Lương thấp nhưng chị phải bấm bụng thuê người giúp việc phục vụ cơm nước cho bố mình. Không biết vì lý do gì, mỗi tháng được trả 1,8 triệu đồng mà cùng lúc hai Ôsin chẳng ai chịu nhường ai để tranh suất giúp việc.
Chị Hoan kể: Bà này dọa bà kia: Này bà, không được đến làm mô nha, để đó cho tôi, đến là coi chừng... Bà kia phản pháo: Tôi không làm thì bà cũng đừng làm, đừng mơ nhé... Doạ nhau nên chẳng thấy ai đến thực hiện hợp đồng, chị phải cứng tiếng: Ai đến giúp thì giúp không tôi gọi người mới. Cuối cùng cuộc chiến kết thúc, “nhất cự ly” người gần nhà chị trở thành người giúp việc. Đúng là thời buổi kinh tế khó khăn, kiếm việc làm như một cuộc đấu trí, không hề đơn giản.
Ai cũng biết, lúc mới làm thì người giúp việc còn lạ nước, lạ cái và “biết mình, biết ta”. Dần dần quen việc, quen chủ, nhiều Ôsin “bỗng dưng… đóng thế” thành chủ. Nhà anh Hùng ở phường Đông Vĩnh có thuê người giúp việc quê ở Thanh Hoá để chăm sóc cậu con trai Gia Bảo nhà mình. Được cái thuần việc nhưng nhiều khi chăm sóc Gia Bảo, người giúp việc sai, nạt luôn cả chủ nhà phải đưa cái này, lấy cái nọ. Khó coi nhưng đành chịu vì Gia Bảo bén hơi người giúp việc, mãi Tết Quý Tỵ vừa rồi, anh Hùng buộc phải cho người giúp việc nghỉ với l
ý do khéo. Trước khi chấm dứt hợp đồng trở về quê, người giúp việc còn hờn trách: “Gia Bảo này! Ra Tết bà cháu ta không được ở với nhau nữa, bà nhớ Gia Bảo lắm…”. Một số người khác thuê được Ôsin ở quê thì thỉnh thoảng phải cho họ về quê vào dịp cuối tuần. Tuy nhiên, người giúp việc về quê thì gia chủ phải quà cáp này nọ. Có người chậc lưỡi: Hoá ra làm người giúp việc sang thật!
Nhiều người cũng “ngậm quả đắng” vì vấp phải tình cảnh “nỏ giống ai” khi bị Ôsin lấy đồ. Chị Linh, ở phường Vinh Tân có thuê người giúp việc trẻ. Ôsin nhìn thật thà, lanh lợi, công việc tháo vát và rất biết lấy lòng chủ nhà. Mới đây, thấy chị “méo mặt” khi phát hiện ra nhiều bát, đĩa đắt tiền… dự trữ của nhà mình mất cùng với cô bé giúp việc xin nghỉ việc. Ấm ức nhưng chị chỉ gọi điện thoại và dặn: Chị khuyên em đi đâu, làm gì thì cũng phải thật thà.
Chị Linh tự mình phát hiện ra đồ đạc bị mất, còn chị Thảo nhà ở đường Phong Định Cảng phải nhờ bà láng giềng mới biết. Chồng thường xuyên đi công tác, con nhỏ bận bịu, qua lời giới thiệu, chị tìm được cô giúp việc trẻ ở Quỳnh Lưu. Nhà sát đường, tường rào thấp nên đi làm về đôi khi Ôsin thông báo mất quần áo. Mất một… mất hai… mất nhiều, nên chị buộc phải bỏ tiền thuê thợ làm tường rào tử tế. Nhưng làm được một thời gian, chị vẫn bị mất đồ, đồ của mình, đồ của chồng mua chưa mặc vẫn bị mất.
Sau khi Ôsin nghỉ việc, láng giềng mới cho chị biết là chừng nửa buổi sáng thỉnh thoảng có bà thu mua đồng nát dừng trước cửa nhà chị để nhận một gói nhỏ từ cô Ôsin. Chị thở dài: “Tinh vi thật! Bây giờ vẫn thuê người giúp việc nhưng chị thuê theo giờ. Có người thuê người giúp việc thì mất luôn cả ví mà không biết, đến khi Ôsin xin nghỉ, tìm mãi không ra người nên đánh đường đến nhà Ôsin nói khó và “tìm thấy” ví của mình tại nhà Ôsin. Thôi thì… không dám thuê nữa”.
Chuyện Ôsin có những chuyện “nhỏ như con thỏ” nhưng cũng có những chuyện “to như con voi”: Ôsin giết gia chủ để cướp tài sản, Ôsin cướp chồng hoặc cướp vợ của chủ nhà…
Nhưng cũng có nhiều người giúp việc để lại tình cảm tốt đẹp từ chủ nhà, chủ nhà xem như thành viên trong gia đình. Đúng là nhiều chuyện từ cái nghề giúp việc gia đình, có những chuyện bình thường như công việc nhưng cũng có những chuyện… cười ra nước mắt.
Nguyễn Lương Ngọc
.