Một thời phụ nữ là trụ cột gia đình
Chúng tôi vượt con dốc Bù Chồng Cha vào những ngày đầu hè, được nghe người dân kể về cơn bão ma túy quét qua làm bao nhiêu gia đình ở xã Châu Thôn phải chia ly do “con ma trắng”. Từ năm 1996 - 2001, người dân ở bản Na Pục, xã Châu Thôn, huyện miền núi Quế Phong, đã quen với việc vắng đàn ông, tất cả mọi công việc đều dồn lên vai người phụ nữ, bản làng chao đảo vì cơn bão ma túy.
Tìm đến nhà ông Lô Văn Hai - Bí thư Chi bộ bản Na Pục, căn nhà sàn đơn sơ, làm bằng gỗ sa mu. Ông Hai bắt đầu câu chuyện với chúng tôi từ những năm cuối thập niên 90.
“Ngày trước, trong bản chỉ có đàn bà và các em nhỏ, đàn ông trong xóm đua nhau vào tù vì ma túy, có nhà cả hai bố con đều vào tù, tất cả công việc gia đình đều do người phụ nữ đảm nhận. Nhắc đến Na Pục, người dân ở Châu Thôn này đều thấy khiếp sợ vì thuốc phiện”. Trong bản có hơn 50 hộ gia đình nhưng một nửa số đó phải vào tù vì buôn bán, tàng trữ ma túy. Có người lĩnh án tử hình, người thì 13 năm, người 19 năm, có người tù chung thân.
Người con trai cả của ông Hai cũng nghiện ma túy, bao nhiêu của cải trong nhà đều đội nón ra đi. Tuổi đã cao nhưng ông vẫn phải nuôi cháu nội ăn học, con trai ông cũng phải đi cải tạo 3 năm. Bên bếp lửa nhiều gia đình vắng hẳn tiếng của người đàn ông, chỉ còn phụ nữ và trẻ em, họ kể với nhau về cơn bão ma túy đã quần nát bản làng nhỏ bé vốn trước đây rất yên bình.
Cách nhà ông Hai một đoạn là gia đình anh Lô Văn Tiếp, do nghiện và buôn bán ma túy, Tiếp phải lĩnh án 8 năm tù. Vợ anh là chị Lô Thị Thanh, một mình tần tảo sớm hôm để nuôi hai con ăn học, mong con sau này lớn lên không đi vào vết xe đổ của người cha. “Nhà nghèo, chồng lại vào tù, cuộc sống vất vả lắm, thế nhưng tôi vẫn quyết tâm cho con ăn học, nếu nó bỏ học giữa chừng, không có việc làm, chúng sẽ đi theo mấy thằng nghiện thì khổ lắm các chú ơi”.
Anh Lô Văn Tiếp kể lại những tháng ngày trong tù
Ở cái bản nhỏ chỉ có hơn 50 hộ nhưng hoàn cảnh như chị Thanh thì không hiếm, số gia đình có đàn ông trụ cột rất ít, trong làng chỉ còn lại phụ nữ và trẻ con. Mọi công to việc lớn, từ lên nương làm rẫy, đến làm nhà, nuôi con đều do bàn tay người phụ nữ đảm nhận.
Có rất nhiều em nhỏ, lớn lên không nhìn thấy mặt bố, người thì chết, người thì vào tù vì ma túy. Mẹ các em phải tần tảo sớm hôm để nuôi các em khôn lớn. Tình hình an ninh trật tự cũng rất đáng ngại, ở Na Pục quanh làng toàn là kim tiêm, giấy bạc của các đối tượng nghiện để hít hêrôin rất đáng sợ.
Hồi sinh sau cơn bão ma túy
Hôm nay, cuộc sống người dân bản Na Pục đã có nhiều thay đổi, số người nghiện ma túy đến nay không còn, trừ 3 người đang được đưa đi cai nghiện. Những người đi tù ngày trước giờ cũng đang hòa nhập với cuộc sống, trong số hơn 20 người đi tù vì buôn bán trái phép chất ma túy nay chỉ còn 6 người chưa mãn hạn tù, số còn lại đã trở về với cuộc sống đời thường.
Chị Lữ Thị Thìn - Phó Chủ tịch UBND xã Châu Thôn cho biết: “Từ năm 2009 đến nay, cuộc sống của bà con ở bản Na Pục đã có nhiều thay đổi. Những người ra tù đã biết tu chí làm ăn, tình hình an ninh trật tự được đảm bảo, số người nghiện trong làng không còn, tình trạng buôn bán ma túy không tồn tại trên địa bàn, thay vào đó là sự đổi thay của bản làng”.
Ngoài việc giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn xã, Ban Công an xã Châu Thôn còn phối hợp với chính quyền địa phương tư vấn, giúp đỡ những người từng đi trại về sớm hòa nhập với cộng đồng. Ngoài ông Lô Văn Thơ, Lô Văn Tiếp, Lô Văn Biệt…, nhiều người khác đã tham gia lao động sản xuất rất tốt, giúp đỡ gia đình phát triển kinh tế, quên đi mặc cảm tù tội để làm lại cuộc đời.
Một góc bản Na Pục hôm nay
Sau cơn bão ma túy, người dân bản Na Pục đang dần ổn định đời sống lao động sản xuất, đường làng sạch sẽ. Chính quyền thôn, xóm chỉ đạo, động viên những người lầm lỡ hòa nhập, không làm nô lệ của ma túy, sa vào miệng lưỡi tử thần.
Cuộc sống của người dân ở bản Na Pục đang dần thay đổi, người dân đã không còn xa lánh với những người từng đi tù vì ma túy. Họ đã cùng nhau làm lại cuộc đời nhờ sự giúp đỡ của chính quyền xã Châu Thôn cũng như người dân bản Na Pục. Bên cạnh đó, là nỗ lực của chính những người một thời lầm lỡ. Sự hồi sinh mạnh mẽ đang diễn ra ở nơi một thời được mệnh danh là bản “không chồng” hay bản vắng đàn ông.
Lương Đậu
.