Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201303/26931-chu-trong-xay-dung-nen-tang-van-hoa-gia-dinh-392062/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201303/26931-chu-trong-xay-dung-nen-tang-van-hoa-gia-dinh-392062/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Chú trọng xây dựng nền tảng văn hóa gia đình - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 21/03/2013, 08:01 [GMT+7]
26931

Chú trọng xây dựng nền tảng văn hóa gia đình

Một thực tế đang diễn ra là khi nền kinh tế đất nước có bước phát triển đáng kể, mức sống của người dân được nâng lên rõ rệt thì lại nảy sinh nhiều vấn đề trong đời sống gia đình rất đáng quan tâm. Đặc biệt là những biểu hiện về tình trạng suy thoái đạo đức gia đình.
 
Xã hội phát triển, guồng quay hối hả của cuộc mưu sinh thường cuốn con người vào những lo toan, bận rộn, kéo theo đó là các mối quan hệ trong gia đình trở nên lỏng lẻo, dễ bị phá vỡ hơn. Vợ chồng ít có thời gian để quan tâm lẫn nhau, cha mẹ cũng có ít điều kiện hơn để lo lắng, chăm sóc con cái. Tỷ lệ các vụ ly hôn đang có chiều hướng gia tăng, điều đáng nói là các vụ ly hôn đang tăng nhanh ở các cặp vợ chồng trẻ và trẻ em luôn là đối tượng chịu thiệt thòi nhiều nhất.
 
Cùng với đó, tình trạng bạo hành gia đình diễn ra không chỉ ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa mà còn có thể bắt gặp trong các gia đình ở các thành phố, đô thị. Đặc biệt, gần đây qua các phương tiện thông tin đại chúng nhiều vụ việc thể hiện sự xuống cấp nghiêm trọng của đạo đức gia đình bị phanh phui: Anh em trong nhà xung đột, mâu thuẫn thậm chí đâm chém nhau chỉ vì tranh giành đất đai, của cải; con cái vì lo vun vén cho cuộc sống riêng của bản thân mà phó mặc cha mẹ già nua; gia đình tan vỡ do vợ hoặc chồng ngoại tình dẫn đến ghen tuông, nghi kỵ… Những hiện tượng đáng buồn trên đang trở thành những vấn nạn nhức nhối, là lực cản đối với sự phát triển của xã hội.
 
Chú trọng xây dựng văn hóa gia đình là mấu chốt trong việc phát triển gia đình bền vững - Ảnh minh họa
 
Hiện tượng suy thoái văn hoá gia đình là hệ quả của nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau. Trong bối cảnh nước ta đang từng bước hội nhập sâu rộng với các nước trên thế giới trên tất cả mọi phương diện: Kinh tế, văn hoá…, những yếu tố tiêu cực của văn hoá ngoại lai đang ảnh hưởng, tác động xấu đến tư tưởng, tình cảm và nhận thức của một bộ phận không nhỏ các thành viên trong gia đình ngày nay.
 
Bên cạnh đó, mặt trái của cơ chế thị trường và việc coi trọng, đề cao quá mức thậm chí tôn sùng các giá trị vật chất đang bào mòn dần những quan niệm thuộc giá trị truyền thống của văn hoá gia đình.
 
Nhận thức được tầm quan trọng trong việc xây dựng văn hoá gia đình, nhằm nâng cao phúc lợi, đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần cho các gia đình, gần đây Đảng và Nhà nước đã có nhiều nỗ lực trong việc ban hành các chủ trương, chính sách để xây dựng gia đình.
 
Có thể thấy rõ điều này qua một số chủ trương, chính sách đã ban hành, thực thi như: Trong giấy tờ về quyền sử dụng ruộng đất, nhà ở đã ghi tên cả vợ và chồng; chính sách tín dụng ưu đãi tạo điều kiện cho các gia đình nghèo vay vốn phát triển kinh tế; chính sách trợ giá nông nghiệp, miễn giảm thuỷ lợi phí cho nông dân; chủ trương tạo mọi điều kiện tốt nhất cho kiều bào ở nước ngoài có nhu cầu về nước định cư.
 
Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy năm 2013 là năm Gia đình Việt Nam với chủ đề “Kết nối yêu thương”. Mục đích, ý nghĩa của năm Gia đình Việt Nam là nhằm kết nối vai trò, trách nhiệm, tình cảm của mọi thành viên trong gia đình. Để mỗi người cùng chia sẻ, chăm lo tổ ấm, giảm thiểu các vấn đề tiêu cực phát sinh trong đời sống gia đình, nhất là bạo lực gia đình.
 
Bên cạnh việc không ngừng hoàn thiện các văn bản luật, các chủ trương chính sách về xây dựng gia đình. Để công tác xây dựng văn hoá gia đình trong thời kỳ mới phát huy hiệu quả, rất cần có sự quan tâm chỉ đạo của các cấp uỷ, chính quyền ở địa phương.
 
Quy chế xây dựng gia đình văn hoá ở khu dân cư cần được thực hiện triệt để, đồng bộ, sáng tạo, thiết thực. Theo đó, quá trình xét và công nhận gia đình văn hoá, làng văn hoá cần dựa trên những tiêu chí cụ thể, sát thực và phải được tiến hành nghiêm túc, tránh hình thức, chiếu lệ. Đặc biệt, cần chống bệnh thành tích đang ăn sâu vào nếp nghĩ của nhiều cán bộ lãnh đạo các địa phương.
 
Nhìn về lâu dài, phải có chương trình giáo dục văn hoá gia đình cho học sinh, bởi đây là những chủ thể, hạt nhân của các gia đình trong tương lai. Ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, giới trẻ cần được trang bị những kiến thức nền tảng về văn hoá gia đình. Những cách hành xử phù hợp, những bài học về mối quan hệ yêu thương, đùm bọc giữa các thành viên trong gia đình sẽ là hành trang quan trọng để mỗi người có thể giải quyết được những tình huống khó khăn trong cuộc sống.
 
Những mô hình về gia đình văn hoá, những tấm gương cha mẹ nuôi dạy con cái ngoan ngoãn, giỏi giang hay con cháu lễ nghĩa, hiếu thuận với ông bà, cha mẹ cần được nhân rộng phổ biến. Các cặp vợ chồng trẻ cần cập nhật, tìm hiểu kỹ Luật hôn nhân và gia đình để từ đó, xác định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi người trong việc vun vén xây dựng cho tổ ấm của mình. Công tác tư vấn, giáo dục tiền hôn nhân rất cần sự vào cuộc của các tổ chức đoàn thể như: Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ…
 
Văn hoá gia đình không phải là vấn đề quá xa xôi, trừu tượng, nó thể hiện ngay trong hành động, suy nghĩ, cách hành xử của mỗi người trong cuộc sống thường ngày. Trong thời điểm hiện nay, khi những biểu hiện lệch lạc trong văn hoá gia đình đang có chiều hướng gia tăng, đe doạ trực tiếp đến sự ổn định và phát triển bền vững của xã hội, xây dựng văn hoá gia đình là vấn đề vừa cấp thiết vừa mang tầm chiến lược lâu dài. Và trách nhiệm trong công tác có ý nghĩa đặc biệt quan trọng này là không của riêng ai.

Bùi Minh Tuấn
.