Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201303/26674-nguoi-vo-nhu-nhuoc-hay-long-tham-khong-day-392259/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201303/26674-nguoi-vo-nhu-nhuoc-hay-long-tham-khong-day-392259/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Người vợ nhu nhược hay lòng tham không đáy - Báo Công An Nghệ An điện tử
Chủ Nhật, 10/03/2013, 09:35 [GMT+7]
26674

Người vợ nhu nhược hay lòng tham không đáy

Chúng tôi sinh ra và lớn lên trong một khu tập thể nhỏ ven rìa Hà Nội ngày ấy. Những căn nhà cấp 4 nằm san sát nhau thành từng dãy song song. Nhà đối diện chỉ cách một khoảng sân nhỏ đủ để hai người qua lại tránh nhau. Mỗi nhà cũng chỉ đủ kê chiếc giường, một chiếc bàn nhỏ và một chiếc tủ con con. Thế nhưng đấy cũng là mơ ước của rất nhiều người vừa thoát ra khỏi thời bao cấp.

Những căn nhà ấy được phân cho các cán bộ công tác tại cơ quan. Mẹ tôi là một trong những cán bộ đủ điều kiện cho tiêu chuẩn 1 gian nhà. Bố tôi là một giáo viên. Vì lý do sức khỏe ông về hưu sớm. Bố mẹ tôi sinh con muộn. Đến khi sinh ra anh tôi, và đến lượt tôi, ông bà cũng đã bắt đầu có bệnh trong người.

Khi sinh anh trai tôi, bố mẹ vẫn sống trong căn nhà cấp 4 chật chội ấy. Ba người trên một chiếc giường cũng chẳng sao, nhưng nếu có thêm một đứa ra đời thì cũng gặp nhiều bất tiện. Tất nhiên, hồi đó tôi còn quá bé để cảm nhận được điều ấy. Cứ đến giờ ngủ chúng tôi lại ôm gối leo lên giường. Mẹ sẽ nằm ngoài để đề phòng chúng tôi rơi xuống đất. Còn bố tôi trải chiếu dưới đất ngay dưới cạnh chân giường.

May sao, khi tôi bắt đầu học lớp 1, cơ quan mẹ bắt đầu xây dựng những dự án nhà cao tầng đầu tiên. Mỗi nhà được tăng thêm một suất ở nữa bằng cách thông tường sang nhà áp phía sau mình. Bỗng nhiên căn nhà dài ra gấp đôi, thành hai phòng khiến hai anh em tôi thích mê mẩn.

Dự án cao tầng xây xong, cơ quan mẹ lại phân lại nơi ở. Một số nhà được lên những căn hộ trên chung cư sinh sống. Các hộ ở dãy nhà tôi lại được thêm một suất ở trước mặt. Mỗi nhà lại cơi nới thêm được một gian nhà bếp. Ngày ấy mọi người vui lắm. Bọn trẻ con chúng tôi suốt ngày chạy sang nhà nhau chơi cho tới khi bố mẹ phải sang gọi về.

Mỗi buổi chiều một lũ lau nhau lại kéo tới nhà bác Hương đầu dãy để xem Tây Du Ký. Cả dãy chỉ có nhà bác có tivi màu. Sau này có điều kiện mỗi nhà một chiếc tivi màu riêng. Nhưng xem ở nhà chẳng bao giờ hay bằng xem trên tivi nhà bác Hương cả.

Đến khi tôi bắt đầu chuẩn bị vào đại học, anh trai tôi đã học năm cuối Trường Kiến Trúc, chúng tôi phải chuyển nhà. Ngày trước những dãy nhà cho cán bộ của cơ quan được xây trên một khu đất trống. Sau này toàn bộ khu được quy hoạch lại. Nghe nói dãy nhà chúng tôi đang ở sẽ được phá đi để xây tòa nhà cơ quan. Từ dãy nhà phía sau thì vẫn giữ lại để làm khu nhà dân.

Cả dãy nhà chúng tôi chuyển về một dãy khác đầu tập thể, nhưng lại phân vào các vị trí khác nhau. Chúng tôi có những người hàng xóm mới dù đều cùng là người ở cơ quan. Thế nhưng ngôi nhà mới này chỉ rộng 40m2.Chúng tôi đều đã lớn và đều cảm thấy rất chật chội. Bố mẹ tôi bàn: chỉ còn cách xây lại nhà thành 3 tầng thì mới đủ nơi ở. “Rồi sau này thằng Nam còn lấy vợ về nữa chứ!”.

Anh tôi đã tốt nghiệp đại học và yêu một cô bạn cùng trường. Lúc đó, nhà bác ruột tôi chuyển sang nước ngoài định cư. Căn nhà 4 tầng bề thế ở khu trung tâm Hà Nội thành nhà để không. Bác dặn bố mẹ tôi: “Nhờ cô chú trông nhà hộ, không cần cho thuê làm gì, hỏng nhà ra. Cô chú thích ở thì ở, không thì thỉnh thoảng đảo qua giữ nhà cho anh chị, đến hè, đến Tết anh chị và các cháu về chơi còn có nhà để ở”.

Hai bác cũng động viên gia đình chúng tôi đến ở, vừa rộng rãi, vừa trông nhà cho bác. Nhưng bố tôi lấy lý do ở trong khu tập thể quen rồi, có hàng xóm, láng giềng quen thuộc, vào phố ở không quen. Thế nhưng định xây nhà lên 3 tầng, gia đình chúng tôi cũng chuyển về nhà bác sống trong thời gian xây dựng.

Vào phố hóa ra cũng không quá tệ như bố mẹ và chúng tôi tưởng. Đang sinh sống trong một căn nhà cấp 4 chật chội, giờ chuyển sang một tòa nhà 4 tầng rộng rãi, sạch đẹp, cuộc sống dễ chịu hơn nhiều. Bố mẹ tôi cũng đã về hưu cả, không vướng bận chuyện đi làm. Số tiền ông bà tích góp được trong từng ấy năm được sử dụng vào việc xây nhà trong khu tập thể.

Tất nhiên, ông bà cũng chẳng phải để ý chuyện xây sửa vì đã có anh tôi, một kiến trúc sư lo hết. Mẹ tôi bảo: “Trước sau gì đấy cũng là nhà của thằng Nam để nó lấy vợ, nó thích xây thế nào thì xây”. Ngoài số tiền để xây nhà, bố mẹ tôi cũng có một khoản tiền được lập thành sổ tiết kiệm làm của hồi môn cho con gái lúc đi lấy chồng. Ông bà tính toán kỹ lưỡng lắm, cứ như thể bố mẹ tôi biết trước được rằng mình sẽ đi xa.

Anh trai tôi lấy vợ và sống tại căn nhà 3 tầng ở khu tập thể một thời gian. Tôi sống với bố mẹ tại nhà của bác trong phố. Nhà bác đi mấy năm, công việc làm ăn quá bận bịu, những cuộc về Việt Nam cứ thưa dần. Bác quyết định chuyển tên căn nhà cho bố tôi. Bác nói: “Căn nhà ấy anh chị cũng không muốn bán đi. Cô chú cứ đứng tên, rồi bao giờ có bao nhiêu thì trả anh chị bấy nhiêu”.

Bác nói vậy để bố tôi xuôi việc sang tên chứ tôi cũng hiểu ý bác muốn cho gia đình tôi căn nhà đó. Bác tôi bảo: “Cô chú không cần nhưng đời con Dương, thằng Nam nó cần”. Tôi tốt nghiệp đại học và trở thành một nhân viên kế toán trong một công ty lớn. Công việc ổn định, “chỉ còn mỗi việc lấy chồng”, mẹ tôi vẫn đùa như vậy. Bất chợt năm đó sức khỏe bố tôi ngày một xấu đi. Ông bị phát hiện ung thư dạ dày.

Bệnh của bố xấu đi rất nhanh. Mọi người quyết định tổ chức lễ cưới cho tôi trước khi bố mất, dù sao ông cũng luôn mong đến ngày nhìn thấy con gái lấy chồng. Lúc đó tôi và người yêu, phó phòng quản lý kinh doanh cùng công ty đã tìm hiểu nhau được 6 tháng. Người ta cho rằng “cưới chạy tang” cũng được, tôi chỉ muốn bố được nhìn thấy con mình yên bề gia thất trước khi qua đời.

Lo tang lễ cho bố xong, vợ chồng tôi chuyển về căn nhà 3 tầng ở khu tập thể ở, còn vợ chồng anh trai tôi chuyển về với mẹ. Không hiểu vì thương nhớ bố hay trong cơ thể cũng mang bệnh sẵn, mẹ tôi cũng nhanh chóng suy sụp sức khỏe. Bà mất sau đó một thời gian. Trước khi ra đi, bà gọi con trai, con gái tới giường và dặn: “Thằng Nam ở nhà này, vợ chồng cái Dương ở nhà khu tập thể, bố mẹ cũng không còn gì hơn để lại cho 2 con”. Anh trai tôi nước mắt lã chã: “Đến giờ này mẹ còn lo gì việc ấy, vợ chồng Dương muốn ở nhà này thì con cũng nhường. Mẹ không phải lo về anh em con”. Đôi khi tôi tự hỏi có phải những người sắp đi xa tiên đoán được những gì sắp xảy ra hay không.

Đang quen sống ở phố xá tấp nập, trở về khu tập thể tôi cũng thấy bất tiện. Không những thế, ở khu tập thể những người sinh sống cũ cũng rời đi khá nhiều. Nhiều người dân lạ mới mua lại nhà và tới sinh sống với đủ thành phần xã hội khác nhau. Nhà bên cạnh đập phá xây lên cũng ảnh hưởng đôi chút tới nhà của tôi. Nhiều mảng tường có dấu hiệu thấm nước. Gia đình anh trai và tôi lại một lần nữa đổi chỗ ở để anh tiện bề sửa chữa và tu sửa lại nhà. Hơn nữa, về đây chị dâu tôi cũng tiện đi làm gần hơn nhà trên phố.

Trở về căn nhà 4 tầng thân quen, tôi thấy cuộc sống dễ chịu hơn rất nhiều. Lúc này, công ty nơi chúng tôi làm việc cũng gặp khó khăn, lương nhân viên lúc trả đủ, lúc không. Chồng tôi bàn với tôi mở một cửa hàng cà phê dưới nhà. “Vị trí đắc địa thế này không cho thuê cũng không kinh doanh thì phí quá”.

Đối với tôi, anh là một người có tầm nhìn kinh doanh giỏi. Chẳng thế mà ở công ty anh được đánh giá rất cao. Vả lại, lúc đó thu nhập của hai vợ chồng cũng không được như ý. Tôi bảo với chồng: “Mình chỉ làm quán nhỏ nhỏ để rồi tính công việc khác, khi nào nhà bác Nam về thì mình dẹp đi nó cũng tiện”. Chồng tôi gật gù.

Nhưng ngay lập tức anh đầu tư lắp nội thất tầng 1 thành một quán cà phê sang trọng và bắt mắt. Với những mối quan hệ của mình, chưa khai trương quán đã rất đông khách. Tôi nhanh chóng trở thành một bà chủ tối đến chỉ việc ngồi đếm tiền thu vào. Tôi chậc lưỡi, kinh doanh phát đạt rồi mình biếu bác Nam một chút. Chồng tôi cũng thủ thỉ vào tai tôi mỗi ngày: “Em cũng nghe bác Nam nói rồi đấy, nếu vợ chồng mình cần, bác ý sẵn sàng nhường. Nhà bác toàn người làm nhà nước, có biết gì về kinh doanh đâu, để nó phí đi”.

Thế rồi tôi mải mê với việc buôn bán hàng ngày, chẳng còn thời gian để nghĩ ngợi lung tung. Nhà ở khu tập thể đã sửa xong, nhưng vợ chồng anh trai tôi cũng không nói gì về việc đổi nơi ở. Có thể ở dưới đó công việc cũng tiện hơn cho anh chị.

Thế rồi một hôm, chồng tôi thay toàn bộ khóa trong nhà vì cô nhân viên đã đánh mất chùm chìa khóa. Mọi việc diễn ra một cách rất tự nhiên mà tôi không nhận ra được. Chồng tôi còn mở rộng dần quán cà phê lên tầng 2. Sau này tôi mới biết chồng tôi đã tới gặp anh trai để đề nghị đồng ý chuyển tên căn nhà cho tôi để tiện bề kinh doanh.

Anh giận lắm, chuyển bàn thờ bố mẹ về căn nhà khu tập thể. Còn vợ chồng tôi thì không thể ngừng công việc kinh doanh đang phát triển rất tốt bởi cả hai đã nghỉ việc ở công ty để tập trung vào kinh doanh. Cứ dần dần, tôi ngại gặp anh, dù sao thì anh đã nói rằng nhường ngôi nhà này cho vợ chồng tôi.

Sau này tôi được nghe một người cô kể lại rằng: anh giận vì vợ chồng tôi phải bày mưu chiếm đoạt ngôi nhà chứ không tiếc gì ngôi nhà đó nếu tôi cần. Dù sao mọi chuyện đã đi quá xa và khoảng cách cứ lớn dần lên. Tôi lập bàn thờ cho bố mẹ tại nhà của mình, trên tầng 4, nơi gia đình tôi sinh sống để nhường tầng 3 mở rộng quán cà phê của mình. Tôi và anh trai gần như không gặp nhau từ dạo đó.

Mỗi lần thắp hương cho bố mẹ, lòng tôi lại nghẹn lại. Bố mẹ đã lo rằng nhà cửa sẽ khiến cho anh em tôi xa cách nhau. Và chúng tôi đã không giữ được lời hứa với bố mẹ mình. Dù sao giấy tờ căn nhà vẫn còn dưới tên của bố tôi. Cứ mỗi lần tới ngày giỗ của bố mẹ, đứng trước bàn thờ, tôi lại tự nhủ mình phải làm một điều gì đó để bố mẹ có thể yên nghỉ ở thế giới bên kia. Nhưng rồi để đến ngày hôm sau, vòng quay cơm áo gạo tiền lại cuốn tôi đi và cuốn trôi những gì còn lại trong tôi. Trống rỗng

Nguồn: CSTC
.